Mang hơn 2 tỷ đồng đầu tư vào parody hài Tấm Cám - chuyện Huỳnh Lập kể, không ai nghĩ Huỳnh Lập, với dáng người bé nhỏ đang rắp tâm ăn theo tác phẩm của Ngô Thanh Vân, lại mang đến bước ngoặt lớn cho dòng parody (tác phẩm nhái lại theo phong cách giễu nhại, hài hước).
Tạo được sức hút lớn, Huỳnh Lập thừa thắng xông lên với loạt parody sau này như Em gái mưa, và đều đạt lượng xem lớn. Sự góp mặt của BB Trần, Hải Triều, Đỗ Duy Nam, Nam Thư… và nhiều cây hài khác đã khiến thị trường parody ngày càng trở nên sôi động, náo nhiệt và bành trướng sang cả các MV ca nhạc của giới ca sĩ chính thống.
Quang Trung và Huỳnh Lập trong parody Em gái mưa.
Cơn bão parody phủ sóng thị trường
Parody về bản chất là thể loại “sinh sau đẻ muộn”, không có nhiều sáng tạo về mặt cốt truyện. Phần lớn các parody mang tính chất ăn theo một sản phẩm nào đó đang “hot” trên thị trường, đặc biệt là các MV triệu view.
Tuy không có giá trị sáng tạo về mặt âm nhạc và hình ảnh nhưng tính giải trí của thể loại này thì không thể phủ nhận. Đó là lý do các parody Việt thu hút lượt xem lớn, thậm chí có sản phẩm còn có lượt xem cao hơn bản gốc.
Tốc độ sản xuất parody được đánh giá là rất nhanh. Sau khi một MV đình đám ra mắt, đôi khi chỉ khoảng một tháng, thậm chí ngắn hơn, một parody nhái đã có thể được ra đời.
Những gương mặt nổi bật của giới parody hiện nay là BB Trần, Hải Triều và Huỳnh Lập. Huỳnh Lập được cho là người tiên phong, trong khi BB Trần góp công vào việc phát triển thể loại này. Cả hai có chung phong cách là làm parody lố, hài hước, phi logic.
Năm 2018 được coi là năm đánh dấu sự bùng nổ của parody. Rất nhiều parody đã được ra mắt, trong đó riêng BB Trần và cộng sự Hải Triều đã ra trên dưới 5 parody với Talk to me (bản gốc của Chi Pu), Người lạ ơi (bản gốc của Orange), Bùa yêu (bản gốc của Bích Phương), Như lời đồn (bản gốc của Bảo Anh), Anh đang ở đâu đấy anh (bản gốc của Hương Giang Idol)...
Để Mị nói cho mà nghe của BB Trần thu hút lượt xem lớn.
Năm 2019, thể loại này tiếp tục “làm mưa gió” trên mạng xã hội. Năm nay BB Trần và Hải Triều có Để Mị nói cho mà nghe (bản gốc của Hoàng Thùy Linh). Trong khi Nam Thư có Sáng mắt chưa (bản gốc của Trúc Nhân). Một gương mặt mới cũng đang được chú ý là Pom với parody Truyền thái y.
Các parody đều dễ dàng đạt được hàng triệu lượt xem. Trong đó Để Mị nói cho mà nghe của BB Trần thậm chí đạt 14 triệu lượt xem chỉ sau một tháng. Đây là thành tích mà không phải MV chính thức nào cũng đạt được.
Sự bành trướng của hài sang âm nhạc
Việc hài được yêu thích đã đưa các diễn viên parody vốn chỉ hoạt động trong “lãnh địa” đã đổ bộ sang cả những MV chính thức của giới ca sĩ với tư cách khách mời. Vai trò của các khách mời này tất nhiên không phải hát mà chủ yếu để tăng tính giải trí cho sản phẩm âm nhạc.
Sự xuất hiện của hàng loạt MV như những phim hài ngắn gần đây như Sáng mắt chưa (Trúc Nhân), Vẻ đẹp 4.0 (Hồ Ngọc Hà), Truyền thái y (Ngô Kiến Huy)… là minh chứng cho điều đó.
Đầu tiên phải kể đến MV Vẻ đẹp 4.0 với góp mặt của dàn sao hài chuyên giả gái với những cái tên như Minh Dự, Lê Dương Bảo Lâm, Hải Triều, BB Trần, Duy Khánh. Bản thân các khách mời trong MV đã mang thương hiệu “làm lố”.
Do vậy, “lố” cũng là màu sắc chủ đạo MV dù ê-kíp khẳng định nhiều thông điệp đằng sau. “Lố” từ cảnh quay, trang phục, động tác đến biểu cảm. Điều này khiến MV đậm màu sắc hài hước, khiến nhiều khán giả bật cười khác hẳn với các sản phẩm của Hồ Ngọc Hà trước đây.
Vẻ đẹp 4.0 quy tụ nhiều gương mặt chuyên trị parody, trong đó có Hải Triều.
Sau Vẻ đẹp 4.0, diễn viên parody BB Trần tiếp tục xuất hiện trong MV Truyền thái y của Ngô Kiến Huy. Nội dung MV bắt đầu từ chuyến dã ngoại của một nhóm bạn. Họ cùng vào một căn nhà hoang để thỏa mãn trí tò mò, nhưng sau đó Ngô Kiến Huy bị bỏ lại. Anh quá sợ hãi và ngất xỉu. Khi đó, hàng loạt giấc mơ rùng rợn xuất hiện.
Nhưng là sự rùng rợn trong màu sắc hài hước, tinh quái. Chính sự hài hước cũng được cho là lý do MV đứng số 1 top thịnh hành trong một thời gian dù chất lượng âm nhạc không được đánh giá cao.
Không có các diễn viên parody như Truyền thái y, Vẻ đẹp 4.0 nhưng Sáng mắt chưa của Trúc Nhân cũng đậm chất hài.
Nội dung MV nói về câu chuyện của hai chàng trai yêu nhau, do Mạc Trung Kiến và Trúc Nhân đóng. Nhưng, dường như do áp lực gia đình, Mạc Trung Kiên đã quyết định cưới vợ (Thúy Ngân). Trúc Nhân quyết định trả thù nhưng cuối cùng hành động trả thù của Trúc Nhân trong đám cưới người yêu cũ chỉ là tưởng tượng. Trúc Nhân chọn cách ra đi với một câu chúc phúc và một nụ cười.
Dù về chủ đề phản bội trong tình yêu đồng giới nhưng sản phẩm không có đổ màu, không có bẽ bàng, không có nước mắt. Thay vì tạo nên một nốt trầm, một câu chuyện buồn về bi kịch của người đồng tính trong xã hội để phán xét đúng sai, MV Sáng mắt chưa lại tràn ngập sức sống, tươi trẻ và sự văn minh. Chính chất hài đã làm nên sự "lội ngược dòng" ấy.
Một thế hệ diễn viên hài mới đang lên
Khi hài tràn ngập sân khấu, điện ảnh và truyền hình, những cái tên như Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang "làm mưa làm gió" khắp các lĩnh vực. Những con số thống kê đã cho thấy, Trấn Thành, Trường Giang phủ sóng truyền hình trên khắp các kênh sóng, ở khắp các game show giải trí. Sau khi Hoài Linh, Việt Hương rút dần khỏi truyền hình, Trấn Thành - Trường Giang như một "đế chế hài" độc tôn thống trị game show, hài truyền hình và cả điện ảnh.
Chưa đủ sức, chưa đủ tài để thay thế lớp đàn anh, nhưng những cái tên như BB Trần, Hải Triều, Quang Trung, Huỳnh Lập, Nam Thư... đang thể hiện năng lượng tràn đầy, họ nhanh nhạy trong cách tiếp cận khán giả và nỗ lực không mệt mỏi trong việc sản xuất liên tiếp các sản phẩm mới.
Sẽ còn một chặng đường rất dài để bước lên màn ảnh, phủ sóng và "xây thành đắp lũy" một đế chế hài mới, nhưng lớp diễn viên hài trẻ đang cho thấy sự sung sức, năng động, cầu thị và đầy tham vọng.
Theo Zing