>>>Nhạc sỹ tài hoa Nguyễn Ánh 9 trút hơi thở cuối cùng vào trưa nay 14/04

Ông đã để lại một tài sản vô giá là những bài tình ca còn mãi với thời gian, mà nguồn cảm hứng cho những bài hát đó không ai khác ngoài bóng dáng hai người phụ nữ vương vấn cả cuộc đời ông.

Nếu như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành tặng những bài hát của mình cho nhiều bóng hồng có duyên tình với ông trong âm nhạc, thì nhạc sĩ của các bài tình ca buồn lại ẩn dấu bóng hình của mối tình chẳng thể quên.

Mối tình đầu không thể nào quên

Bước vào tuổi 17,18 với trái tim nồng cháy mộng mơ, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã đem lòng cảm mến cô láng giềng mới 15 tuổi.

Hai người dành trọn cho nhau tình yêu mãnh liệt và trong sáng của những tháng ngày đẹp nhất cuộc đời.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thời còn trẻ
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thời còn trẻ


Những tưởng mọi chuyện sẽ đi đến một cái kết đẹp, nhưng gia đình cô gái lại không chấp nhận cho con gái mình yêu một anh chàng nhạc sĩ nghèo.

Ngăn cấm đủ đường, làm đủ mọi cách, cuối cùng họ quyết định đưa con gái sang Pháp để chia rẽ tình yêu.

Mòn mỏi đợi chờ, giận hờn, rồi đau khổ,chàng nhạc sĩ trẻ bấy giờ đã dùng ngòi bút và âm nhạc để giải tỏa những cảm xúc giày vò trong lòng.

Chính khi ấy những bài hát tình để đời của ông được viết lên. Tuyệt phẩm “Không” với ca từ: "Không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa..." chính là tiếng lòng của tác giả khi không ngừng day dứt về tình yêu đẹp nhưng buồn của mình.

Ca khúc "Không" đã đưa Elvis Phương "lên sao" ở thập kỷ 1970, sau đó nổi tiếng đến mức công chúng gọi Nguyễn Ánh 9 là ông "Không".

Ngoài ra, trong thời gian đó những ca khúc nổi tiếng khác cũng được viết lên như: Ai đưa em về, Một lời cuối cho em, Chia phôi, Buồn ơi chào mi, Kỷ niệm...

Năm 1974, ông gặp lại người tình xưa khi cô về Sài Gòn, cô vẫn một mình, vẫn yêu ông và chẳng oán trách gì.

Đã lỡ làng, có xót xa thì cũng đành sống cho hết bi kịch một kiếp người. Họ lại xa nhau, lần này là mãi mãi, để vùi chôn những dấu yêu xưa cũ vào đáy lòng mình, nhức buốt, cho tới hơi thở cuối cùng.

Cố nhạc sĩ khi đã đến tuổi xế chiều.
Cố nhạc sĩ khi đã đến tuổi xế chiều.


Đến tận khi đã vào tuổi xế chiều nhạc sĩ vẫn còn chưa nguôi ngoai: “Vết bỏng của tình đầu vĩnh viễn không nguôi dịu. Đôi khi tôi cứ nghĩ đó là nỗi đau trời cho.

Nếu thành vợ chồng chắc gì tình yêu sống mãi.

Vì không có nhau trọn vẹn nên cô ấy mãi trẻ trung, nhẹ nhàng và thanh cao, lúc nào cũng là thiếu nữ đôi mươi trong tâm hồn tôi. Ký ức về cô ấy là điểm tựa để tôi nương vào, giữ gìn những gì trong lành nhất cho âm nhạc và đời sống của mình”.

Đặc biệt ngay cả nghệ danh Nguyễn Ánh 9 của ông cũng là do người yêu đầu tiên của ông đặt cho.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói: “Đây là tên mà cô ấy đặt cho tôi. Khi tôi viết những bản nhạc đầu tiên, lấy tên thật là Nguyễn Đình Ánh thì dài quá, mà viết là Nguyễn Ánh thì lại trùng với tên của Vua Gia Long.

Bởi vậy, cô ấy bảo, chữ Nguyễn Ánh có 9 ký tự, mà số 9 theo quan niệm phương Đông là số may mắn, bởi vậy, nên lấy bút danh là Nguyễn Ánh 9".

Người tình nửa thế kỷ

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 quen bà Ngọc Hân tại vũ trường Anh Vũ. Thuở ấy, ông chơi đàn piano còn bà là một trong những vũ công nhảy thiết hài đầu tiên của Việt Nam.

Thời điểm nên duyên vợ chồng với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, bà Ngọc Hân tròn 20 tuổi. Cả hai bị đôi bên gia đình phản đối kịch liệt vì cho rằng cuộc hôn nhân "xướng ca vô loài" sao có thể bền chặt.

Vợ chồng cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Vợ chồng cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

Năm 1965, ông lập gia đình và tin tưởng chính tình yêu đó, đã giúp ông ru ngủ được những nỗi nuối tiếc đau khổ của tình cũ đã qua.

Mặc dù vậy thì sâu trong trái tim người đàn ông này, vẫn không thể giấu lòng mình: "Vợ tôi là một người phụ nữ dịu hiền nhân hậu, có lẽ chẳng người phụ nữ nào đủ vị tha và hy sinh cho chồng mình như cô ấy.

Tôi mắc nợ trọn kiếp với người bạn đời, bởi tình yêu đã vĩnh viễn câm lặng, trái tim tôi không còn cảm giác sau hình ảnh của mối tình đầu".

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 coi vợ như là ân nhân của đời mình, bởi bà hiểu và luôn thông cảm cho góc kín của trái tim ông, ông nói: “Càng về già, càng thương bà ấy hơn.

Tôi 'gác kiếm' còn vì muốn có thời gian chăm sóc và bù đắp cho vợ. Tôi coi việc ấy là hệ trọng với những năm còn lại của đời mình".

Sự hi sinh của nữ vũ công tài hoa ấy còn được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ qua câu chuyện đầy cảm động: "Sau khi lập gia đình, niềm đam mê của Ngọc Hân đã mãi mãi dừng lại ở tuổi 20.

Bà ấy chấp nhận gác lại hào quang sân khấu để chăm lo cho gia đình, chăm sóc các con... Nhiều lần tôi rủ vợ đi xem mình diễn, nhưng bà ấy đều lấy cớ bận việc này, việc nọ để từ chối.

Tôi thấm thía rằng, vợ không đi theo mình, vì sợ đi thì nhớ sân khấu, nhớ ánh đèn. Nỗi nhớ có thể khiến nghệ sĩ rơi nước mắt".

Bà Ngọc Hân luôn yêu thương, chăm sóc ông tận tình.
Bà Ngọc Hân luôn yêu thương, chăm sóc ông tận tình.


Ông dành tặng cho vợ mình bài hát 'Màu tím tình yêu' thể hiện tình cảm luyến tiếc tuổi tác có thể chia xa nhân duyên này.

Không chỉ ở bên chồng như một chỗ dựa bình yên mà trong mỗi sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, vợ ông đã có nhiều đóng góp về ca từ, giai điệu.

Ít người biết rằng, ca khúc "Lặng lẽ tiếng dương cầm trong đêm" câu hát được khán giả nhớ nhất: "Một nỗi buồn không tên/ Một tình yêu đâu dễ quên" lại do chính bà Ngọc Hân sửa từ lời gốc 'nhạt toẹt' của chồng: "Một nỗi buồn không tên/ Một tình yêu tôi đã quên".

Một trong những ca khúc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 viết về vợ mình là bài hát "Chuyện chúng mình". Ông xúc động chia sẻ: "Khi viết đến câu: Hạnh phúc nào không tả tơi, không đắng cay, tôi đã bật khóc".

Qua bài hát ông muốn ví vợ mình như bến đỗ để con thuyền là ông dù có đi xa đến đâu cũng sẽ trở về.

Theo Vietnamnet