Câu chuyện xảy ra tại một trạm đổ xăng ở Hà Nội do tài khoản M.H. kể lại hiện nhận nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng.
Theo đó, hành động của hai cô gái gây bất bình về văn hóa xếp hàng và ứng xử của một bộ phận giới trẻ nơi công cộng.
Đừng khiến người khác khó chịu
Chủ nhân bài viết cho biết trưa 11/9, trên đường đi làm về, M.H. rẽ vào cây xăng bên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Chị đứng sau một anh và một bác lớn tuổi.
Một cậu bạn vừa đổ xăng xong, bác lớn tuổi tiến lên thì hai em gái từ đâu xuất hiện, chặn đầu bác kia định chen lên nhưng không kịp. Không quan tâm đến những người xếp hàng phía sau, họ đỗ xe song song với bác lớn tuổi.
Đặc biệt, đổ xăng xong, hai bạn nữ vẫn không chịu đi, dừng lại đếm tiền, đến khi chị bán xăng nhắc nhở mới tỏ thái độ khó chịu và rời đi.
Hai cô gái chen hàng khi đi đổ xăng bị nhiều người lên án. Ảnh chụp màn hình.
Tình huống này nhanh chóng thu hút hơn 7.000 like (thích) và hàng nghìn chia sẻ, bình luận.
Phần lớn dân mạng lên án hành động của hai cô gái. Nhiều ý kiến cho rằng dù có chen lấn, khi được nhắc nhở, họ cũng nên tiếp thu ý kiến và hành xử có văn hóa.
M.H. cho hay chị chia sẻ câu chuyện với mục đích để các bạn trẻ có ý thức hơn, chứ không có ý chỉ trích hay phê phán ai. Tuy nhiên, chị cho rằng những hành động như vậy nơi công cộng vô tình khiến những người xung quanh thấy khó chịu.
M.H. tâm sự: "Nếu ai từng đi đổ xăng sẽ hiểu cảm giác chờ đợi xếp hàng, rồi bị người khác chen lên trước bức xúc thế nào. Khi đó có vài người góp ý, các bạn ấy vẫn cố đứng lâu".
Chủ nhân bài đăng hy vọng hai bạn nữ trong câu chuyện trên có thể đọc những dòng này, nhận thức được hình ảnh không đẹp mắt của mình để thay đổi.
Nỗi buồn văn hóa xếp hàng
Chen lấn, không chịu xếp hàng nơi công cộng là hành động xấu xí và thường bị dân mạng lên án gay gắt. Trường hợp của hai cô gái trên hiện không hiếm gặp trong cuộc sống.
Trước đó, câu chuyện tranh hàng trong hầm đỗ xe của một trung tâm thương mại do tài khoản M.T. đăng tải hay cô gái chen ngang thanh toán, vô lễ với người lớn tuổi tại siêu thị từng trở thành tâm điểm chú ý.
Hay dân mạng cũng rất sốc trước cảnh cả người lớn và trẻ em sẵn sàng vượt rào vào công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) vì được miễn phí vào năm 2015.
Những cảnh tượng như nhanh chóng vào thang máy khi người bên trong còn chưa kịp bước ra, chen lấn mua hàng trong siêu thị, rạp chiếu phim... giờ xuất hiện nhan nhản.
Câu chuyện về văn hóa xếp hàng của người Việt Người Việt và câu chuyện xếp hàng nơi công cộng trở thành vấn đề nan giải khiến dư luận bức xúc.
Anh Nguyễn Hữu Toàn (24 tuổi, Hưng Yên) chia sẻ anh từng chứng kiến hai cô gái cố tình chen lấn, liên tục khua tay múa chân mong mọi người nhường chỗ để được mua vé trận bóng đá có đội tuyển Việt Nam. Anh khá bức xúc khi một hàng dài người xếp hàng phía sau mà họ vẫn tranh lên trước, thậm chí không nhường chỗ cho người lớn tuổi.
"Những ánh nhìn khó chịu của mọi người vẫn không làm họ chùn bước. Đến khi lên được đầu hàng, gặp người bán vé, hai cô được yêu cầu phải đi xuống cuối hàng và chờ đến lượt", anh Toàn kể.
Cô Lê Nguyễn Phương Thảo - giảng viên Đại học Khoa học Huế - cho rằng nhiều người Việt Nam không quen với việc xếp hàng. Lối sống nông nghiệp truyền thống không bắt buộc người dân phải xếp hàng, tuân thủ các quy tắc công nghiệp và môi trường đô thị, quá trình chuyển đổi chắc hẳn phải mất không ít thời gian để chấn chỉnh, học tập.
Bên cạnh đó, cô Thảo nhấn mạnh nhiều nơi có hiện tượng ưu tiên, dành phần cho những người quen, người thân hay người có địa vị dù họ xếp hàng sau. Điều này gây nên tâm lý khó chịu cho những ai đến trước, làm mất lòng tin vào việc xếp hàng - "chắc gì đến trước đã được trước".
Chàng trai không xếp hàng, đi vượt trước trong bãi đỗ xe khiến nhiều người bức xúc. Ảnh chụp màn hình.
Chia sẻ quan điểm về ý thức nơi công cộng, tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) nhận định một bộ phận giới trẻ thường xuyên chê bai hành động của người khác, nhưng lại không ý thức được việc mình làm có gây khó chịu cho ai đó hay không.
Nữ tiến sĩ nêu thực tế, không ít 9X nói tục, chửi bậy nơi công cộng, song vẫn cho mình quyền "ném đá" người khác. Đó là hành vi thiếu văn hóa.
Vấn đề mấu chốt chính là nhận thức. Các bạn trẻ ngày càng Tây hoá, tuy vậy chưa có nền tảng để hiểu được khái niệm đúng đắn.
"Học sinh được nhà trường giáo dục chủ yếu về kiến thức văn hóa, không được chỉ bảo đầy đủ cách hành xử văn minh. Đôi khi, các bạn có hành động như vậy không phải vì muốn thể hiện mà do chưa nhận thức đầy đủ", bà Hương nói.
Theo Zing