Phố đường tàu (Hà Nội)

Mia Challiner, một du khách người Anh, cho biết, được ngồi cà phê "kiểu lén lút" ở phố đường tàu Hà Nội là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất của cô trong chuyến du lịch đến Việt Nam, cuối tháng 10/2023.

Theo nữ du khách, cô biết thông tin con phố này bị cấm nhưng vẫn tìm đến vì tò mò. Khi đang ngồi thưởng thức cà phê tại đây, tiếng còi của lực lượng chức năng vang lên từ xa, mọi người bắt đầu nhốn nháo. 

Hai điểm đến của Việt Nam càng cấm khách Tây càng lén lút tìm đến-1
Khách Tây thích thú trải nghiệm phố đường tàu Hà Nội, ảnh chụp tháng 8/2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

"Nhiều chủ quán vội vàng thu dọn bàn ghế, mời khách ngồi vào trong nhà và kéo kín cửa xuống, chúng tôi phải ngồi trong nhà nhìn lén qua khe cửa", Mia Challiner kể. 

Dù vậy, cô gái người Anh cho biết cả cô và bạn đều thấy trải nghiệm này thú vị, nếu có dịp trở lại Việt Nam cô nhất định sẽ đến đây lần nữa.

Giống như Mia Challiner, nhiều du khách nước ngoài coi phố đường tàu là "điểm du lịch phải đến một lần trong đời".

Những năm 90, xóm đường tàu được miêu tả là khu vực tệ nạn xã hội, kim tiêm vứt khắp nơi, trẻ con không được phép ra ngoài buổi tối. Đến năm 2014, "sự kiện" cả xóm được lên báo nước ngoài, đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của một khu phố nhếch nhác.

Hai điểm đến của Việt Nam càng cấm khách Tây càng lén lút tìm đến-2
Dù bị cấm nhưng nhiều khách Tây vẫn tìm đến để trải nghiệm phố đường tàu, ảnh chụp tháng 11/2023 (Ảnh: Toàn Vũ).

Tờ Dailymail của Anh đăng tải loạt ảnh vô cùng ấn tượng về những tuyến đường sắt chạy ngang qua khu dân cư đông đúc, biến xóm đường tàu tưởng như đã bị lãng quên, bỗng trở nên nổi tiếng. Khu tập thể bắt đầu "lột xác" từ đó.

Năm 2017-2018, những quán cà phê nằm rải rác dọc phố đường tàu xuất hiện trên các mặt báo trong nước lập tức "gây bão" mạng xã hội. 

Về sau, con phố này gây nhiều tranh cãi về việc có nên hay không khi để du khách thoải mái chụp ảnh, ngồi cà phê ngay trên đường tàu còn hoạt động?

Đến ngày 15/9/2022, cơ quan chức năng lập rào chắn, chốt chặn hai đầu lối vào xóm cà phê đường tàu nằm trên đường Trần Phú và Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm). Tuy nhiên, mỗi ngày, hàng trăm du khách trong và ngoài nước, vẫn tìm đến điểm du lịch này.

Hồ Thủy Tiên (Huế)

Công viên nước hồ Thủy Tiên tọa lạc trên đồi Thiên An (xã Thủy Bằng), cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km về hướng tây nam.

Tháng 6/2004, công viên này chính thức hoàn thành và được đưa vào khai thác với nhiều hạng mục như khu thủy cung, khu nhạc nước… Tuy nhiên, do quá trình kinh doanh không đạt hiệu quả, công viên bị đóng cửa và bỏ hoang một thời gian dài.

Công viên vì thế rơi vào tình trạng hoang hóa, các công trình bên trong xuống cấp, ngăn cấm người ngoài ra vào. Trong thời gian đó, du khách nước ngoài vẫn không ngừng tìm đến sau khi được mạng xã hội lan truyền và loạt báo uy tín quốc tế như CNN, Huffington Post... ca ngợi vẻ đẹp huyền bí của nơi này. 

Theo anh Sơn, một hướng dẫn viên du lịch ở Huế, khi anh dẫn các đoàn khách Tây, họ luôn yêu cầu được đưa đến nơi này tham quan. 

Hai điểm đến của Việt Nam càng cấm khách Tây càng lén lút tìm đến-3
Khách nước ngoài khi đến Huế vẫn mong muốn được hướng dẫn viên đưa đến hồ Thủy Tiên tham quan (Ảnh: Sơn Tsm).

"Họ thấy thích thú vì vẻ đẹp hoang sơ và kiến trúc độc đáo của hồ Thủy Tiên. Có vẻ việc bị bỏ hoang càng khiến họ cảm thấy tò mò", anh Sơn nói.

Tuy nhiên, mới đây, Công ty TNHH TM-DV Đại Nguyên Nam (trụ sở tại thành phố Đà Nẵng), đơn vị trúng đấu giá tài sản trên đất sau khi ngân hàng phát mãi, cho biết do địa phương không có nhu cầu giữ lại công trình này nên đơn vị mua đấu giá phải phá bỏ và tháo dỡ để thu hồi tài sản.

Nhiều người tỏ vẻ tiếc nuối khi con rồng nổi tiếng ở hồ Thủy Tiên bị tháo dỡ. Các hình ảnh nổi tiếng ở hồ Thủy Tiên sẽ biến mất ngay trong năm nay.

Theo Dân Trí