Chiều 21/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 8 có vận tốc di chuyển 10 km/h đã mạnh lên cấp 9, giật cấp 11. Trong 3 ngày tới, trước khi đi vào đất liền, bão tiếp tục di chuyển chậm và liên tục mạnh lên.

Trao đổi với Zing, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, cho biết bão số 8 có thể đạt cường độ cực đại cấp 12, giật cấp 14 khi di chuyển gần về phía quần đảo Hoàng Sa các ngày 23-24/10.

Hai kịch bản về cường độ bão

Theo bà Lan, bão liên tục mạnh lên trong 2 ngày tới do hình thái này đang di chuyển trên vùng biển ấm. Hơi nước bốc lên nhiều, kéo về quần tụ sẽ tiếp thêm năng lượng cho bão.

Các mô hình dự báo bão số 8 đang cho ra nhiều kết quả khác nhau về cả cường độ và hướng đi. Dù vậy, chuyên gia cho biết đa số mô hình thiên về nhận định bão sẽ giảm cấp rất nhanh sau khi vượt qua quần đảo Hoàng Sa.

Cường độ bão giảm do khi tiến vào gần đất liền, bão sẽ chịu ma sát và gây mưa, khiến độ ẩm và mây giảm. Ngoài ra, thời điểm bão tiến vào vịnh Bắc Bộ, không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống làm lạnh vùng biển, khiến bão khó có thể mạnh lên.

"Hôm qua (20/10), khi bão còn ở ngoài xa thì nhiều mô hình cho rằng bão có thể đổ bộ đất liền nước ta với sức gió mạnh cấp 10-12. Nhưng với những điều kiện tương tác trên, tôi nhận định bão sẽ yếu đi nhanh sau khi qua quần đảo Hoàng Sa và đi vào phía nam vịnh Bắc Bộ", bà Lan nói.


Hình ảnh vệ tinh của bão số 8 trên Biển Đông. Ảnh: NCHMF.

Khi bão tiến vào vùng vịnh, vị chuyên gia đưa ra 2 kịch bản dự báo cho cường độ của bão khi vào đất liền.

Kịch bản thứ nhất, bão có thể đổ bộ với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Đây là kịch bản cực đoan bởi nếu vào với cường độ này, các khu vực đang chịu thiệt hại nặng nề từ mưa lũ những ngày qua có thể xuất hiện thêm gió xoáy rất nguy hiểm.

Kịch bản thứ hai, bão có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở ngay thời điểm áp sát đất liền. Nếu kịch bản này xảy ra, cường độ đổ bộ áp thấp nhiệt đới không quá mạnh, hoàn lưu của hình thái này có thể gây một đợt mưa ngắn ngày.

Chuyên gia nhận định với cả 2 kịch bản trên, trọng tâm đổ bộ của bão khả năng cao vào khu vực Quảng Bình và Quảng Trị. Dù vậy, bà Lan cho rằng mưa do bão không hoàn toàn tập trung tại đây.

"Ngày 24-26/10, các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của mưa do hoàn lưu bão số 8. Trọng tâm mưa dồn về phần phía bắc của tâm bão nên khả năng mưa lớn sẽ xảy ra ở Bắc Trung Bộ với lượng mưa phổ biến 200-300 mm/đợt. Các tỉnh Trung Trung Bộ sẽ có mưa giảm hơn", bà Lan nhận định.

Cảnh báo lũ quét, ngập úng

Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 8 đang di chuyển hướng tây tây bắc, có khả tăng cường độ trong 24-48 giờ tới, đạt cấp 11-12 khi ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Phân tích về khả năng ảnh hưởng của bão số 8, ông Năng cho biết bão có thể gây gió mạnh kèm dông lốc, gây nguy hiểm cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Đây là gió hoàn lưu bão kèm theo hoạt động của gió mùa đông bắc.


Dự báo đường đi của bão số 8. Ảnh: VNDMS.

Đáng lưu ý, bão số 8 có khả năng gây mưa trên đất liền trong khoảng 3-4 ngày tới. Chuyên gia cảnh báo lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở các vùng núi phía tây do đất đã bão hòa, đồng thời vùng trũng thấp tiếp tục nguy cơ ngập úng.

Theo Zing