'Hai Phượng': Phim hành động xuất sắc nhất của Việt Nam 10 năm trở lại đây

Bỏ qua phần kịch bản ngô nghê, “Hai Phượng” vẫn là một bộ phim hành động xuất sắc bậc nhất của điện ảnh nước nhà kể từ năm 2009.

Ngô Thanh Vân có lẽ là cái tên quá sức quen thuộc của khán giả nước nhà. Kể từ sau những Dòng Máu Anh Hùng (2007), Bẫy Rồng (2009),… cô gắn liền với biệt danh “đả nữ” cùng vô số những cảnh chiến đấu đẹp mắt.

Tuy nhiên, những phim sau này của Ngô Thanh Vân hoặc không có yếu tố hành động hoặc không đạt được đỉnh cao năm xưa. Sau 10 năm, Hai Phượng chính là lời tạm biệt danh hiệu “đả nữ” ấn tượng của nữ diễn viên đình đám.


Trailer phim

Nội dung phim xoay quanh Hai Phượng (Ngô Thanh Vân), một đại ca giang hồ có “số” tại Sài Gòn 10 năm trước. Một vài biến cố, cô giải nghệ về quê và sinh ra bé Mai (Mai Cát Vi).

Một ngày nọ, cô bé trở thành nạn nhân của đường dây bắt cóc trẻ em xuyên quốc gia. Truy đuổi bọn bắt cóc, Hai Phượng trở về Sài Gòn.

Nhờ các đàn em cũ, cô lấy được thông tin từ cảnh sát Lương (Phan Thanh Nhiên) – người đã theo dõi đường dây trên trong suốt 3 năm. Từ đây, nữ “đại ca” dấn thân vào hành trình nguy hiểm để để cứu cô con gái khỏi một tổ chức xã hội đen đáng gờm, có chân rết ở khắp mọi nơi.

Hai Phượng: Phim hành động xuất sắc nhất của Việt Nam 10 năm trở lại đây-1

Bối cảnh phim ấn tượng

Ngay từ khi poster ra mắt, Hai Phượng đã nhận phải vô số sự chê bai vì sử dụng màu sắc đỏ tím giống các bộ phim mang chủ đề hậu tận thế tương lai của Mỹ như Blade Runner 2049 (2018), Ghost in the Shell (2017),… Không những thế, nội dung giải cứu con gái hao hao Taken khiến nhiều người cho rằng đây chỉ là một “nồi lẩu thập cẩm”.

Trên thực tế, tông màu chủ đạo này là quá hợp với bối cảnh phim. Trái ngược hẳn với một Sài Gòn hiện đại, tràn ngập ánh đèn điện và những hàng quán cao sang, đạo diễn Lê Văn Kiệt lại đưa người xem đến những góc tối xập xệ, cũ kỹ không ai ngờ đến.

Hai Phượng: Phim hành động xuất sắc nhất của Việt Nam 10 năm trở lại đây-2

Cái ánh sáng lập lòe ấy càng tăng thêm sự u ám và tăm tối cho những khu phố chật hẹp – nơi người lao động nghèo và các băng nhóm tội phạm hòa lẫn vào nhau đến không lối thoát, nơi không gian chẳng còn ngột ngạt đến mức chẳng còn phân biệt của chung, của riêng.

Nội dung phim cũng diễn ra chủ yếu ở những con hẻm nhỏ loanh quanh, vài tòa nhà bỏ hoang không ánh sáng. Không cần phải tưởng tượng hay dùng tới kỹ xảo xây dựng cao xa, bộ phim chính là một lát cắt nặng nề, u tối của cuộc sống đậm phong cách neo-noir (phim đen) của Mỹ.

Hai Phượng: Phim hành động xuất sắc nhất của Việt Nam 10 năm trở lại đây-3

Hành động quá xuất sắc

Với nội dung tương đồng thì phần hành động của Hai Phượng cũng không khác Taken của “già gân” Liam Neeson là mấy. Mời hẳn ê kíp từ trời Tây qua, Ngô Thanh Vân đã mang đến cho người xem những cảnh chiến đấu đẹp mắt và vô cùng kịch tính.

Phim gần như không có bắn súng mà ưu tiên vào những cảnh cận chiến nhằm phô diễn được phần đòn thế mãn nhãn.

Các phân đoạn hành động đều được thực hiện theo phong cách thực dụng, tốc độ cao với những pha ra đòn uy lực chứ không màu mè, phô trương như “mèo cào” trong nhiều phim Việt khác. Phần chuyển cảnh khá mượt khiến người xem cảm nhận được sự liền mạch của các trận đánh chứ không phải đạo diễn cố tình dàn dựng.

Hai Phượng: Phim hành động xuất sắc nhất của Việt Nam 10 năm trở lại đây-4

Hai Phượng cũng tiết chế bớt những cảnh máu me để giảm yếu tố bạo lực nhưng vẫn giữ được sự chân thật và mãn nhãn cho các trận đánh. Có thể nói, đây là bộ phim hành động tốt nhất của nước nhà trong 10 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, tác phẩm vẫn vấp phải vài điểm trừ như “ưu ái” Ngô Thanh Vân quá đà khiến cô không khác gì một nữ siêu anh hùng khi bị thương ra sao vẫn đánh nhau như một cái máy.

Phim phân bố thời lượng hành động chưa tốt khi tuyến nhân vật phụ bị hạ gục quá nhanh và đơn giản gây hụt hẫng không ít còn “trùm” thì lại hơi lâu tạo nên sự mệt mỏi.

Hai Phượng: Phim hành động xuất sắc nhất của Việt Nam 10 năm trở lại đây-5

Diễn xuất cứu thua cho phần kịch bản

Dù có bối cảnh và hành động tốt, Hai Phượng vẫn rơi vào “cái bẫy” chết người của phim Việt là phần kịch bản yếu kém. Nội dung phim na ná Taken nhưng được xử lý tình tiết ngô nghê hơn hẳn.

Bryan Mills (Liam Neeson) vốn là một đặc vụ CIA nhưng phải mất nhiều ngày mới hạ được băng nhóm buôn người xuyên quốc gia còn chị Phượng chỉ cần… một đêm. Trên thực tế, những gì tổ chức này được miêu tả như “chân rết khắp nơi” hay “3 năm không phá được” chẳng hề xuất hiện. 

Hai Phượng: Phim hành động xuất sắc nhất của Việt Nam 10 năm trở lại đây-6

Chỉ bằng vài thông tin ít ỏi, chị Phượng ngang nhiên… tới thẳng trụ sở kẻ thù rồi tả xung hữu đột một mình “cân” tất cả. Nếu phô trương và thiếu nhân sự như vậy thì tại sao Lương lại tốn thời gian quá nhiều đến thế? 

Bù lại, phần diễn xuất của Ngô Thanh Vân có thể giúp khán giả bấm bụng mà “nuốt” một loạt cục sạn khó nhai kia. Đây có lẽ là bộ phim hiếm hoi mà cô kết hợp được cả hành động lẫn diễn xuất nội tâm ấn tượng.

Hai Phượng: Phim hành động xuất sắc nhất của Việt Nam 10 năm trở lại đây-7

Xuyên suốt bộ phim, sự lo lắng, nỗi sợ mất con vẫn luôn hiển hiện trên gương mặt Hai Phượng dù đang trong lúc đánh nhau kịch tính hay bị kẻ thù hạ gục. Những phân đoạn diễn xuất nội tâm cũng được nữ diễn viên thể hiện xuất sắc và truyền cảm.

Dù còn nhiều thiếu sót, Hai Phượng vẫn là một tác phẩm chỉn chu, cho thấy sự đầu tư nghiêm túc tới từ ê kíp làm phim với những cảnh hành động “tới bến”. 

Xuân Vũ
Theo Vietnamnet

 


Hai Phượng phim hành động Ngô Thanh Vân

Tin tức mới nhất