Ngày 6/3, Việt Nam ghi nhận ca mắc thứ 17 sau 22 ngày không có trường hợp mắc mới. Ngày 6/4, sau một tháng, tình hình dịch ở Việt Nam chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 với nhiều thay đổi.
PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung; nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, về một tháng chống dịch tại Việt Nam.
Nguồn: Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.Công bố dịch toàn quốc, giãn cách xã hội
- Những điều Việt Nam lần đầu tiên thực hiện để đối phó với đại dịch này?
- Đây là lần đầu tiên trong lịch sử có một đại dịch lây lan rộng và nhanh như COVID-19. Trong vòng 3 tháng, hầu hết quốc gia trên thế giới có ca bệnh. Ở Việt Nam, đây là đại dịch nguy hiểm nhất kể từ năm 1945.
Có thể nói với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã có hai quyết định chưa từng có tiền lệ. Thứ nhất, ngày 1/4, Việt Nam đã công bố dịch toàn quốc theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Đây là lần đầu tiên, nước ta công bố dịch trên phạm vi cả nước với một dịch bệnh.
Trong các đợt dịch trước đây cũng đã có ý kiến đề nghị công bố dịch toàn quốc, nhưng chúng ta chưa làm. Chẳng hạn dịch tả năm 2007-2008; rồi đại dịch cúm AH1N1 năm 2009 với 10.000 ca mắc, 22 người chết. Việc công bố dịch chỉ dừng lại ở cấp địa phương.
Để công bố một dịch bệnh trên quy mô toàn quốc, chúng ta cũng có cân nhắc đến ảnh hưởng lên việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến việc thất thu của ngành du lịch. Song với dịch Covid-19, tính chất nguy hiểm và khả năng lây lan rộng hơn so với những vụ dich trước đây nên Bộ Y tế đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ công bố dịch. Việt Nam đang chịu hy sinh một phần phát triển kinh tế để quyết tâm khống chế dịch, đặt sức khỏe và sinh mạng nhân dân là trên hết.
Trước đây với các dịch truyền nhiễm chúng ta cũng đã có những biện pháp để khống chế dịch tương tự, cũng có chế độ cho những người tham gia. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Thủ tướng công bố dịch trên toàn quốc chính thức bằng văn bản để các ngành, các cấp làm căn cứ thực hiện. Điều đó thể hiện tính chất quyết liệt của cuộc chiến với dịch Covid -19 này.
Cũng trong đại dịch Covid-19, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đồng loạt biện pháp giãn cách xã hội. Người dân đang được kêu gọi thực hiện giãn cách xã hội trong khoảng thời gian 2 tuần (1-15/4) cụ thể bằng cách hành động như ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, không tụ tập quá 2 người, giữ khoảng cách 2 m với người đối diện...
- Theo ông, lý do để chính phủ đưa ra hai quyết định mang tính lịch sử này là gì?
- Về công bố dịch toàn quốc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có lý giải là nhằm 3 mục tiêu. Thứ nhất, tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành.
Thứ hai, người dân nhận rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia các chỉ đạo của Đảng, nhà nước, ngành y tế. Mỗi người dân được xác định là một chiến sĩ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Cuối cùng, việc công bố dịch trong cả nước có nghĩa tất cả lực lượng tham gia phòng chống dịch như y tế, quốc phòng, công an,... sẽ được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch.
Còn giãn cách xã hội là biện pháp quyết liệt và hiệu quả để cắt đứt con đường lây lan của virus. Chúng ta phải biết virus SARS-CoV-2 lây chủ yếu qua tiếp xúc gần cho nên khi chúng ta tách xa nhau thì nó sẽ hết đường lan truyền và sống sót.
Việc tuân thủ cách ly xã hội của người dân được xem là có ảnh hưởng trực tiếp việc thành bại khống chế dịch. Nếu trong 2-4 tuần Việt Nam làm tốt việc cách ly thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh. Nếu không kịp thời không chế, dịch có thể bùng phát mạnh trong cộng đồng, dẫn tới nhiều người nhập viện do tình trạng nặng, đặc biệt người cao tuổi và có bệnh nền.
- PGS đánh giá như thế nào về những biện pháp chống dịch mà ngành y tế, chính phủ đã thực hiện?
- Tròn một tháng qua, Việt Nam đã chuyển từ giai đoạn 2 (đánh dấu bằng ca bệnh đầu tiên ở Hà Nội vào ngày 6/3) sang giai đoạn 3 (đánh dấu bằng việc ghi nhận ca mắc cộng đồng liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai).
Nhiều biện pháp được thực hiện quyết liệt, chẳng hạn từ giai đoạn 2 chúng ta đã áp dụng cách ly triệt để những người nhập cảnh, những người dương tính và những người liên quan. Hàng chục nghìn người đã được quản lý, cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm. Đó là những biện pháp quyết liệt nhằm khống chế dịch bệnh nguy hiểm này.
Hiện tại, biện pháp giãn cách xã hội đang phát huy hiệu quả. Tuy rằng còn một số cá nhân vi phạm nhưng các nghành, các cấp đã làm rất tốt. Dù vẫn còn các ca dương tính xuất hiện, con số đã giảm trong những ngày gần đây. Đó là một tín hiệu tốt cho công cuộc chống dịch.
Thời gian qua, chúng ta phát hiện những ca mắc qua xét nghiệm từ người nhập cảnh nhiều nhưng xét nghiệm trong cộng đồng cũng chưa nhiều, nên chưa đánh giá được đầy đủ. Ảnh: Phạm Thắng.
Thách thức vẫn còn
- Trong 3 ngày vừa qua (5-7/3) các buổi sáng đều không ghi nhận thêm ca mắc. Con số mắc đã giảm nhiều so với thời gian trước. Nhiều người cho rằng đây là tín hiệu dịch sắp lui, ông nghĩ sao về điều này?
- Chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 mặc dù là tín hiệu vui, nhưng nó chưa có giá trị dịch tễ để đánh giá dịch đã lui. Phải ít nhất trong 2 tuần mới có thể nói dịch đã lui hay chưa. Hiện tại, chúng ta chưa thể nói được điều gì. Chúng ta đang trong 2 tuần thực hiện việc giãn cách xã hội, nếu làm tốt, chúng ta mới kiểm soát được dịch bệnh. Khi qua 15 ngày cách ly, mà vẫn có các ca bệnh mới, chúng ta phải tiếp tục bao vây, dập tắt ổ dịch và có khả năng phải thực hiện tiếp giãn cách xã hội.
Nếu không có ca bệnh mới, về cơ bản, ta đã khống chế được dịch trên lãnh thổ Việt Nam và có thể xem xét việc giảm dần giãn cách xã hội. Khi đó, chúng ta tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới để khóa chặt các ca bệnh từ ngoài vào và cố gắng duy trì cho đến khi dịch bệnh trên thế giới thoái lui.
- Vậy theo PGS, đâu là điều khó khăn, thách thức của Việt Nam trong giai đoạn này?
- Phải nhìn nhận rằng thách thức vẫn còn đối với nước ta khi số ca mắc trong cộng đồng chưa được phát hiện và số người nhập cảnh có mầm bệnh mà chưa được phát các triệu chứng, xét nghiệm vẫn âm tính và có thể có một số người dân từ nước ngoài trở về nước ta bằng đường bộ không qua cửa khẩu.
Thời gian qua, chúng ta phát hiện những ca mắc qua xét nghiệm từ người nhập cảnh nhiều, người nghi ngờ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, xét nghiệm trong cộng đồng cũng chưa nhiều, nên chưa đánh giá được đầy đủ bức tranh dịch tễ.
Do đó, điều quan trọng ở thời điểm này là phải thực hiện quyết liệt việc giãn cách xã hội, bản chất là ngăn không cho người bệnh tiếp xúc với người lành và ngược lại. Những người dương tính với virus sẽ lộ diện. Nếu không quyết liệt, toàn bộ công sức của chúng ta sẽ bị vô hiệu hóa.
- Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vừa phát hiện virus gây bệnh Covid-19 ở nước ta có sự tiến hóa, biến đổi. Là chuyên gia dịch tễ, ông có thể cho biết điều này có ý nghĩa ra sao?
- SARS-CoV-2 là virus gây bệnh Covid-19. Nó đã biến đổi 8 lần so với khi phát hiện ở Vũ Hán. Tuy nhiên, người ta cũng chưa thấy nó thay đổi nhiều về khả năng gây bệnh, độc tính và phương thức lan truyền. Việc virus corona biến đổi có thể ảnh hưởng đến việc chế tạo vắc xin, chứ không ảnh hưởng đến công tác dập dịch. Hiện, Việt Nam vẫn áp dụng biện pháp cách ly, bao vây và khống chế dịch, việc này đã có kết quả rõ rệt.
- Bộ Y tế vừa kiến nghị kéo dài thời gian giãn cách xã hội. Ông đánh giá gì về điều này?
- Theo tôi, đây cũng là một đề xuất phù hợp với tình hình dịch tễ trong nước và quốc tế.
Theo Zing