Sau 6 năm tranh cãi dai dẳng, cuối cùng, ngày 30/11, dự thảo luật mang tên nhóm nhạc JYJ đã được Ủy Ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (NCSC) thuộc Quốc hội Hàn Quốc thông qua.

Theo đó, các hãng phát thanh, truyền hình sẽ không được phép "cấm cửa" người nổi tiếng tham gia chương trình  của khi không có lý do pháp lý chính đáng. Nếu vi phạm, các hãng sẽ bị phạt 2% lợi nhuận liên quan.

Đây không phải lần đầu tiên, Quốc hội xứ kim chi có nhữnh động thái can thiệp vào thị trường giải trí.

"Điều luật JYJ" hay sức mạnh của những ông lớn

JYJ  gồm 3 thành viên Jae Joong, Yoo Chun và Junsu. Trước khi là JYJ, 3 người từng là thành viên TVXQ - nhóm nhạc mở đầu cho trào lưu thần tượng Kpop, thuộc quản lý của công ty SM Entertainment.

Sau 6 năm hoạt động, giữa năm 2009, 3 thành viên của nhóm đệ đơn kiện công ty SM xung quanh bất cập về độ dài 13 năm của bản hợp đồng và những điều khoản về phân chia lợi nhuận, rời khỏi TVXQ để lập nên JYJ.

Ngay khi JYJ ra đi, SM Entertainment đã gửi thư tới 26 kênh truyền hình đề nghị không cho JYJ tham gia các chương trình. Và ai cũng biết rằng các hãng truyền hình không dại gì vì 3 nghệ sĩ mà đi khiêu chiến với SM Entertainment - hãng giải trí lớn nhất Hàn Quốc.

Hàn Quốc: Khi Quốc hội phải can thiệp vào showbiz
JYJ bị các hãng truyền hình "cấm cửa" vì sức ép của công ty cũ.


Dù vụ kiện giữa JYJ và SM chính thức khép lại vào năm 2012, thậm chí, SM bị tòa án và Ủy ban thương mại công bằng Hàn Quốc phạt 3 lần vào các năm 2009, 2011, 2013 vì lệnh cấm này nhưng JYJ vẫn hoàn toàn vắng bóng trên truyền hình.

Năm ngoái, JYJ không được mời biểu diễn tại Incheon Asian Games 2014 chỉ vì chương trình được truyền hình trực tiếp, bất chấp việc JYJ là đại sứ của đại hội thể thao này.

Chính vì lẽ đó, tháng 4 năm nay, sự xuất hiện của Junsu trong chương trình âm nhạc Space Sympathy của kênh EBS đã trở thành chủ đề gây chú ý. Đây là lần đầu tiên sau 6 năm, thành viên JYJ được xuất hiện trong một chương trình ca nhạc trên truyền hình.

Thời điểm đó, Junsu chia sẻ: "Tôi không hiểu tại sao việc để chúng tôi biểu diễn trên truyền hình lại khó đến thế, nhưng sự thật nó đã xảy ra như vậy. Và đó là lý do tại sao tôi sẽ không bao giờ quên ngày hôm nay".

Tuy nhiên, dù luật đã được thông qua, vẫn có những sự hoài nghi về việc tái xuất của JYJ.

"Khó có thể lạc quan cho rằng, việc thông qua dự thảo luật sẽ mở ngay một cánh cửa cho JYJ lên truyền hình. Nhưng ít nhất, từ bây giờ, các nhà sản xuất sẽ để ý đến sự công bằng dưới sức ép của luật mới" - giám đốc một công ty giải trí nhận xét trên Yonhap.

Và có lẽ, người hâm mộ chỉ có thể chia sẻ với những gì đại biểu Quốc hội Choi Min Hee - người đề xuất dự thảo - đã phát biểu: "Tôi hy vọng luật mới sẽ bảo vệ được quyền lợi của các nghệ sĩ, trong đó có JYJ, cũng như khán giả".

Hợp đồng nô lệ

Kpop phải biết ơn JYJ, bởi không chỉ là tiền đề cho luật về chèn ép nghệ sĩ xuất hiện trên truyền hình, nhóm còn giúp xóa bỏ cụm từ nổi tiếng của Kpop: hợp đồng nô lệ.

Năm 2009, thời điểm JYJ đưa SM ra tòa, nhóm khẳng định hợp đồng độc quyền kéo dài 13 năm là quá dài, quá hạn chế. Theo luật pháp Hàn Quốc, các bản hợp đồng không được quá 10 năm. Tuy nhiên, "đại gia Kpop" đã lách luật bằng cách ghi "10 năm kể từ khi ra mắt".

Vì sự việc của JYJ, Ủy ban thương mại công bằng Hàn Quốc đã phải điều tra hợp đồng của 354 nghệ sĩ thuộc 10 công ty giải trí lớn, khui ra sự việc hầu hết các nghệ sĩ đều ký những bản hợp đồng không có lợi cho họ.

Hàn Quốc: Khi Quốc hội phải can thiệp vào showbiz
Han Geng cũng ra khỏi Super Junior bằng sự bất hợp lý trong bản hợp đồng nô lệ của nhà SM.


Không chỉ là thời hạn hợp đồng, điều khoản về phân chia lợi nhuận, nghệ sĩ còn bị xâm phạm đời tư. Chẳng hạn, ở iHQ, trước khi ra nước ngoài, nghệ sĩ phải được sự chấp thuận của công ty, hay ở Olive9, Fantom, nghệ sĩ phải trả lời câu hỏi "đang ở đâu" bất kể khi nào được hỏi. Ở JYP, việc kết bạn, đi học, nghĩa vụ quân sự, hoạt động tài chính, di chuyển... đều phải có sự tư vấn của công ty.

Tồi tệ hơn, có những trường hợp nghệ sĩ phải đi tiếp khách VIP theo sự chỉ đạo của công ty như câu chuyện về cái chết của nữ diễn viên Jang Ja Yeon năm 2009.

Cơ quan chức năng đã phải ra quyết định loại bỏ 46 điều khoản thuộc 10 hạng mục trong bản hợp đồng quản lý nghệ sĩ của các công ty.

Bên cạnh sự can thiệp của pháp luật, việc đối mặt với quá nhiều vụ kiện và chỉ trích cũng buộc các công ty đã buộc phải thay đổi.

Hợp đồng "10 năm kể từ khi ra mắt" đã được SM rút xuống còn 7 năm. Số tiền đền bù khi phá vỡ hợp đồng cũng được chuyển từ "3 lần tổng số tiền công ty đầu tư và 2 lần tổng lợi nhuận" thành "tổng lợi nhuận mỗi tháng nhân với số tháng".

Trước kia, trong hợp đồng, SM luôn có quyền quyết định cuối cùng trong mọi trường hợp thì nay nghệ sĩ được phép nêu ý kiến và có thể từ chối bất kỳ hoạt động nào nếu cảm thấy không thể tham gia.

Đảm bảo giấc ngủ cho nghệ sĩ trẻ

Tháng 1/2014, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua luật đảm bảo quyền được ngủ, học hành và nói không với những hoạt động gợi dục của các nghệ sĩ ở tuổi vị thành niên. Điều này xuất phát từ sự khắc nghiệt vốn đã rất nổi tiếng của nền công nghiệp giải trí Hàn.

Các ngôi sao thần tượng thường xuyên phải tập luyện, tổng duyệt và biểu diễn trong tình trạng thiếu ngủ. Các bộ phim truyền hình Hàn thực hiện theo hình thức cuốn chiểu: không có kịch bản hoàn chỉnh và vừa ghi hình vừa phát sóng. Hôm nay diễn viên nhận kịch bản, ngày mai quay. Để đảm bảo lịch phát sóng, việc làm việc thâu đêm là chuyện "thường ngày ở huyện".

Hàn Quốc: Khi Quốc hội phải can thiệp vào showbiz
Năm 2011, KARA từng suýt tan rã khi 3 thành viên đệ đơn kiện công ty giải trí vì lịch làm việc dày đặc và phải ngủ trong nhà tắm hơi.


Hình thức đào tạo công nghiệp đã tạo ra thực tế là Hàn Quốc có rất nhiều nghệ sĩ ở tuổi vị thành niên. Và thực tế, đã có rất nhiều nghệ sĩ trẻ ở Hàn Quốc rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, thậm chí không ít vụ tự tử đã xảy ra vì sức ép của cỗ máy giải trí.

Điều luật được thông qua năm ngoái quy định tổng thời gian làm việc theo tuần của nghệ sĩ dưới 15 tuổi không được vượt quá 35 giờ, giới hạn cho nghệ sĩ 15 đến 18 tuổi là 40 giờ. Ngoài ra, những người chưa trưởng thành không phải làm việc trong thời gian từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng, trừ khi có sự đồng ý của người giám sát.

Điều luật này cũng quy định nghệ sĩ tuổi vị thành niên không được phép mặc trang phục hở hay biểu diễn vũ đạo khiêu gợi. Nếu vi phạm, các công ty giải trí sẽ phải bị phạt 10.000 USD và điều chỉnh của Bộ Văn hóa Hàn Quốc.

Cá nhân ép các diễn viên nhí đóng cảnh cưỡng bức hay lạm dụng tình dục sẽ phải đối mặt với án tù 5 năm. Ngoài ra, để nghệ sĩ nhí đóng quảng cáo cho các sản phẩm không phù hợp với tuổi vị thành niên sẽ bị 2 năm tù giam hoặc bị phạt 10.000 USD.

Theo Zing