Như VietNamNet đã đưa, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 17 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Dự án Khu đô thị biển Phan Thiết (Bình Thuận).
Trong vụ án này, ông Lê Tiến Phương (Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận từ năm 2010 – 2015); Đỗ Ngọc Điệp (cựu Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận); Nguyễn Văn Phong (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) và Nguyễn Văn Thọ (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam) bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo kết luận điều tra, hậu quả do hành vi phê duyệt giá đất tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết trái quy định pháp luật của các bị can đã gây thiệt hại là cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 308 tỷ đồng. Tổng số tiền khắc phục hậu quả của bị can và những người liên quan nộp vào tài khoản tạm giữ của CQĐT là hơn 90 tỷ đồng.
Một góc khu đô thị du lịch biển Phan Thiết - dự án nằm ở vị trí đắc địa tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết với diện tích hơn 62ha. Ảnh: Q.H
Quá trình điều tra, Cơ quan công an đã kê biên rất nhiều bất động sản tài sản liên quan của các bị can.
Cụ thể, đối với bị can Lê Tiến Phương, CQĐT đã kê biên 5 thửa đất và tài sản gắn liền với đất, gồm: 300m2 nhà, đất tại phường Xuân An, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; 149,3m2 nhà, đất tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết; 279,3m2 nhà, đất tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết; 305,1m2 nhà đất tại Phường Phú Thủy, TP Phan Thiết; 4.762,4m2 đất tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
CQĐT đã kê biên 9 bất động sản liên quan đến ông Đỗ Ngọc Điệp gồm: 1030,0m2 nhà, đất tại xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết; 1024,0m2 nhà, đất tại xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết; 432,0m2 đất tại xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết; 656m2 đất tại thôn Tiến Phú, xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết; 528,0m2 đất tại xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết; 224m2 đất tại TP Phan Thiết; 176m2 tại thôn Tiến Phú, xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết; 80m2 đất tại xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết; 80m2 đất tại xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết.
Đối với bị can Nguyễn Văn Thọ: Kê biên 10 thửa đất và tài sản gắn liền với đất, gồm: 181m2 nhà, đất tại tỉnh Long An; 242m2 nhà, đất tại xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tỉnh Long An; 650m2 nhà, đất tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An; 625m2 đất tại xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước; 786m2 đất tại xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước; 1.919m2 đất tại xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước; 597m2 đất tại xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước; 353m2 đất xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước; 29,8 m2 nhà, đất tại đường Phạm Thế Hiển, Phường 6, Quận 8, TP HCM; 30 m2 nhà, đất tại Quận 10, TP HCM.
Đối với bị can Nguyễn Văn Phong, CQĐT đã kê biên 2 thửa đất và tài sản gắn liền với đất, gồm: 100m2 nhà, đất tại TP Phan Thiết và 100m2 nhà, đất địa tại phường Xuân An, TP Phan Thiết.
Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chức năng chưa cho giao dịch, mua bán, chuyển nhượng nhà, đất của Công ty CP Rạng Đông, Công ty TNHH Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Bộ Công an có công văn đề nghị UBND tỉnh, thành Bình Thuận, Long An, TP HCM, An Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm dừng biến động đối với tài sản của 17 bị can trong vụ án và kiến nghị Hội đồng xét xử yêu cầu các bị can khắc phục hậu quả số tiền thiệt hại là hơn 308 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Theo VietNamNet