Cảnh sát thành phố Nam Kinh, Trung Quốc vừa công bố đã phát hiện khoảng 490 trường hợp trẻ em bị mẹ ruột bắt đi xin tiền trên đường phố trong tháng Năm và tháng Sáu vừa qua. Tất cả các trường hợp này đều xuất thân từ làng Zhong Zhai ở quận Min, tỉnh Cam Túc, cách Nam Kinh 1600 km.
Sự việc được phát giác khi cảnh sát phát hiện hai em bé, một trai một gái, khoảng 6 – 10 tuổi, đang xin tiền tại một ga tàu điện ngầm trong thành phố. Khi bị bắt, các em khai rằng mẹ ruột đã bắt các em đi xin tiền và giữ liên lạc với các em qua điện thoại di động.
Một người mẹ bị bắt vì để con cái phải đi ăn xin trên đường phố tại Nam Kinh.
Tại trụ sở công an, người mẹ khai nhận việc làm của mình: “Ở nhà tôi chẳng có ai chăm sóc các cháu nên tôi phải đưa các cháu đi ăn xin cùng. Mọi người thường cho tiền trẻ em nhiều hơn mà tôi cũng được ở gần để tiện chăm sóc các cháu.”
Một ngày, người mẹ này có thể kiếm được 500 – 1000 NDT (khoảng 1,7 – 3,5 triệu đồng) nhờ ăn xin.
Ngôi làng ăn xin “số 1 Trung Quốc”.
Đây không phải là trường hợp duy nhất dung trẻ em để xin tiền. Chỉ trong hai tháng vừa qua, cảnh sát Nam Kinh đã phát hiện 490 trường hợp mẹ ruột bắt con đi ăn xin. Tất cả trường hợp đều có quê quán tại làng Zhong Zhai, quận Min, tỉnh Cam Túc. Nhiều người đặt cho ngôi làng này biệt danh “làng ăn xin số 1 Trung Quốc”.
Người làng Zhong Zhai được ví như chim di cư. Họ di chuyển và ăn xin tại khắp các thành phố lớn ở ven biển như Tế Nam, Thanh Đảo, Thẩm Dương, Nam Kinh,... Mùa hè họ ăn xin ở phía bắc, mùa đông họ lại chuyển về phía Nam.
Người dân làng đang cố gắng để thay đổi hình ảnh đáng xấu hổ trong mắt cộng đồng. Cho đến nay, chỉ còn 2/12 cụm dân cư vẫn sống theo cách cũ là đi ăn xin. Còn 10 cụm dân cư còn lại đã sống tốt hơn, trong sạch hơn. Tuy vậy tiếng xấu không thể nào bị xóa một sớm một chiều.
Những đứa trẻ phải đi ăn xin từ bé.
Gia đình ông Lý là gia đình đầu tiên có người đỗ Đại học. Nhưng gia đình ông cũng nghèo nhất làng. Lý do rất đơn giản, gia đình ông không sống bằng nghề ăn xin.
Lý Ngọc Bình, con trai ông Lý, là sinh viên đầu tiên của làng. Anh đi ăn xin từ năm 7 tuổi cùng cha. Đến khi vào Đại học, cha anh vẫn tiếp tục đi ăn xin để lấy tiền đóng học phí cho con. Lý Ngọc Bình kiên quyết không nhận và muốn cha thôi làm nghề xấu hổ đó.
“Vào thời điểm đó (2005), xu hướng ăn xin phát triển mạnh hơn bao giờ hết và ngày càng nghiêm trọng. Tôi không thể chịu đựng nổi.” – Lý Ngọc Bình nhớ lại thời điểm anh được tiếp xúc với truyền thông và thấy được bên ngoài nói gì về ngôi làng của mình. Họ gọi làng Zhong Zhai là ngôi làng “ăn xin số 1 Trung Quốc”. Thậm chí, từ năm 2007 trở đi, hầu như năm nào các nhà báo cũng đến ngôi làng để viết về vấn nạn ăn xin.
Ông Jin Zhong Yang, Bí thư làng Zhong Zhai nói rằng nhiều người làng làm giàu từ việc ăn xin. Họ ăn xin và có tiền xây nhà đẹp.
Khẩu hiệu: “Đứng dậy và sống có nhân phẩm” được viết trên tường làng Zhao Zhai để nhắc nhở mọi người đừng đi ăn xin.
“Ăn xin không phải vì cuộc sống quá khó khăn mà bởi ăn xin dễ dàng hơn, dễ giàu hơn.” – Ông Yang cho biết. Làng Zhao Zhai bắt đầu làm nghề ăn xin từ năm 1999. Ban đầu họ xin cơm, xin bánh hấp để chống đói. Sau họ xin tiền. Sang thế kỷ 21. Nhiều người xem việc xin tiền là cách làm giàu nhanh chóng mà bất cần đến danh dự.
Một bên là nghèo đói, một bên là nhiều tiền mà không phải động tay chân. Điều đó khiến nhiều người bị cám dỗ, bỏ cả danh dự đi ăn xin cả đời.
Cho đến nay, ngôi làng đang dần thay đổi. Số người ăn xin đã giảm mạnh. Trước đây, có thời điểm mỗi khu dân cư có đến 20 người ăn xin cùng hoạt động, bây giờ chỉ còn vài gia đình. Trước đây, mỗi năm có khoảng 50 – 60 người ăn xin bị đuổi về địa phương thì bây giờ, con số này là dưới 10 người/năm.
Theo Trí Thức Trẻ