Chị Nguyễn Thị Thái (34 tuổi, quận 7, TP.HCM) cho biết, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua cả gia đình chị may mắn chưa ai trở thành F0. Ba mẹ chị đã ngoài 70 tuổi đều cố gắng ở nhà 24/24, thi thoảng ra ngoài ban công tập thể dục, hít thở không khí trong lành.

Tuy nhiên, hơn 1 tuần nay nhà hàng xóm có người mắc Covid-19 và tự cách ly ở nhà. Dù đóng cửa chính nhưng họ vẫn ra ban công tập thể dục, sinh hoạt bình thường có lúc còn thấy không đeo khẩu trang. Chị Thái lo lắng virus sẽ bay từ nhà hàng xóm sang nhà mình. Chị đã báo với ban quản lý tòa nhà nhưng không có động tĩnh. Bản thân chị muốn nhắc nhở lại sợ mất lòng. Vì vậy, chị Thái lại đóng các cửa nhà mình kín mít để yên tâm hơn.

Hàng xóm F0 mở cửa, ra tập thể dục, virus có bay sang nhà khác?-1

Anh Nguyễn Văn Toản (quận 5, TP.HCM) cũng chia sẻ trong nhóm hỗ trợ mùa dịch về việc hàng xóm có người là F0 nhưng ý thức kém vẫn mở cửa hát hò bình thường. Trong đợt dịch trước, bên nhà cha mẹ đẻ anh Toản ở Hóc Môn thì cả dãy đều dần trở thành F0, rất đáng lo ngại. Nhà có vợ mang thai, con nhỏ chưa tiêm vắc xin nên anh Toản rất sợ trở thành F0 lây cho cả gia đình.

Theo BS Trương Hữu Khanh – Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm, TP.HCM, khi hàng xóm F0, F1, hiện giờ là chuyện bình thường. Hiện tại ai trong chúng ta đều có thể trở thành F vì chúng ta vẫn phải đi làm, lao động, đi chợ, đi mua sắm. Khi hàng xóm của bạn là F0 thì người đó chỉ hơn người khác là được phát hiện vì hiện nay có thể bất cứ khu dân cư, chung cư nào đều sẵn có những F0 do chưa được xét nghiệm nên chưa biết hoặc còn đang ủ bệnh.

Nếu F0 cách ly ở nhà không thể bắt họ chỉ đóng cửa được mà cần mở cửa sổ để thoáng khí. Bác sĩ Khanh nhấn mạnh phải hiểu virus Sars-CoV-2 chỉ  lây cho bạn nếu như bạn vẫn sang nhà có F0 và trò chuyện trực tiếp với họ chứ không phải họ mở cửa mà virus bay sang, vì virus bay ra ngoài lập tức bị làm loãng, gặp khí nóng là chết. Hay họ ra ban công đứng đều không thể thải ra virus bay vào nhà bạn.

Nếu một căn nhà chỉ mới có một vài F0 hay toàn F1 mà bắt họ đóng cửa, khiến không khí bên trong tù túng, có thể đã vô tình khiến những người chưa bị bệnh trong căn nhà đó cũng nhiễm theo và họ có thể trở thành ca nặng. F0 ở trong không gian ngột ngạt sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều.

Cùng quan điểm, PGS Lê Thị Anh Thư – Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, cho biết bà cũng nhận được rất nhiều lời than vãn của nhiều người về việc F0 hàng xóm mở cửa hay là ra ban công nhà họ, người khác lo ảnh hưởng tới gia đình mình. Virus SARS-CoV-2 thường chỉ lây qua đường tiếp xúc và giọt bắn. Lây qua tiếp xúc nghĩa là khi tay hoặc người, hoặc áo quần chạm vào nguồn bệnh, có thể là người hoặc vật dụng có nhiễm virus. Giọt bắn nghĩa là khi người bệnh nói chuyện, ho hay hắt hơi sẽ bắn qua người kế cận trong vòng 1-2 mét.

Trong một số trường hợp hãn hữu, có thể lây qua đường không khí nhưng phải phòng kín, khí điều hòa, do bệnh nhân phải thở oxy, thở máy, virus có thể phát tán bay xa hơn, hoặc những điều kiện môi trường dễ làm cho virus tồn tại lâu hơn trong không khí và gây bệnh.

Khi ở nhà dân, khoảng cách ngoài trời của 2 ban công quá sát nhau, khoảng cách tiếp xúc giữa 2 nhà dưới 2 mét thì bạn không nên cùng ra ban công vì có thể sẽ lây do các giọt bắn. Theo dõi khoảng cách và hướng gió. Còn ban công của chung cư nếu cách xa, không sợ hướng gió thì hoàn toàn virus không thể bị gió thổi bay từ nhà này sang nhà khác.

Ngay kể cả các F0 theo dõi ở nhà vẫn được khuyến cáo cần phòng ngừa lây nhiễm bằng mở cửa sổ thông thoàng để virus có thể hòa loãng trong môi trường không khí rộng, có tia cực tím của mặt trời để diệt virus, như vậy sẽ làm giảm sự lây nhiễm.

 

Theo Vietnamnet