Sau hai năm yêu đương thắm thiết, một cặp đôi ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) dự định tính chuyện trăm năm thì phía nhà gái thách cưới với sính lễ gồm 300 ngàn tệ tiền mặt (khoảng 1,2 tỷ đồng) và 1,5 triệu tệ bất động sản (khoảng 5,1 tỷ đồng).
Thấy nhà gái đưa ra điều kiện thách cưới quá sức với mình, chàng trai không đáp ứng nổi nên đã quyết định chia tay.
Không ngờ, sau khi cặp đôi chính thức "đường ai nấy đi", cô gái vẫn kéo theo họ hàng đến công ty đánh đập chàng trai trong 4 tháng liên tiếp. Tức nước thì vỡ bờ, trong một lần ẩu đả chàng trai đã chống trả bằng cách tát cô bạn gái ngay trên phố.
Cô gái bị bạn trai cũ tát trên phố vì quá quắt sau khi bị chia tay.
"Chúng ta từng hẹn hò 2 năm nhưng bây giờ chấm dứt thật rồi. Gia đình em thách cưới quá cao, anh không thể đáp ứng vì anh không có tiền. Anh không thiếu nợ gia đình em, em là loại phụ nữ mặt dày, em đừng đeo bám anh nữa. Em và họ hàng kéo đến công ty gây rối là muốn ép anh vào đường cùng à?" - chàng trai quá phẫn nộ đã hét lên.
Thấy đôi bên lời qua tiếng lại tại nơi công cộng, người đi đường đã đến khuyên can hai người bình tĩnh giải quyết mâu thuẫn.
Câu chuyện cặp đôi chia tay vì nhà gái thách cưới cao đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, nhiều người bình luận:
- "Cô gái này thật kỳ lạ, chàng trai đã nói không có tiền và đề nghị chia tay, tại sao còn đến công ty gây rối làm gì?"
- "Cách hành xử của nhà gái thật đáng chê trách, giống như dân xã hội đen đi đòi nợ thuê ấy"
- "Chưa biết kết cục của anh chàng rồi sẽ ra sao, nhưng chia tay cô gái này là đúng rồi. Con gái gì đâu hành xử như giang hồ, mà tại nhà cô ta thách cưới quá cao chứ đâu phải lỗi của anh kia"...
Tiền sính lễ quá lớn khiến nhiều người trẻ Trung Quốc không muốn hoặc không thể kết hôn
Mới đây, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc hôm 11/12 đã ban hành "Quy định về các vấn đề pháp lý áp dụng trong việc xét xử các vụ án liên quan đến tranh chấp sính lễ trong hôn nhân (văn bản dự thảo lấy ý kiến)" và công bố 4 vụ án điển hình liên quan đến tranh chấp tiền sính lễ, gồm các tình trạng hôn nhân và độ dài thời gian khác nhau.
Trong văn bản nêu rõ, "nghiêm cấm mượn cớ hôn nhân để vòi vĩnh tài sản"; đồng thời cũng nêu "nếu một bên lấy tài sản thông qua hôn nhân với danh nghĩa sính lễ mà bên kia yêu cầu trả lại thì Tòa án nhân dân cần hỗ trợ".
Tiền sính lễ, vốn là một phong tục truyền thống trong hôn nhân của Trung Quốc, có nền tảng văn hóa và xã hội sâu sắc, nhưng nay đã bị biến tướng. Ảnh minh họa: shutterstock
Nộp sính lễ khi kết hôn vốn là một phong tục truyền thống của Trung Quốc, nhưng những năm gần đây, số tiền thách không ngừng tăng cao, số vụ tranh chấp liên quan đến sính lễ có xu thế ngày càng gia tăng, thậm chí xuất hiện những vụ án hình sự nghiêm trọng từ vấn đề đòi trả lại tiền sính sau khi hủy hôn.
Tinh thần cốt lõi của những vụ việc điển hình được nêu và dự thảo lấy ý kiến được đưa ra lần này có thể hiểu là: có trả lại tiền sính lễ hay không còn tùy thuộc vào tác dụng của số tiền đó trong đời sống hôn nhân thực tế và có ảnh hưởng đến kết cục của hôn ước hay không.
Tân Hoa xã trước đó đưa tin, dân làng X ở một huyện cho biết, hai hoặc ba năm trước, tiền sính lễ ở địa phương thường có giá hơn 100.000 NDT, nhưng hiện nay nhiều đám ít nhất phải từ 200.000 NDT. Một số người dân ở miền Bắc tỉnh Giang Tây cho biết, hiện nay giá sính lễ trung bình mỗi đám là 388.000 NDT.
Trang CCTV News của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc chỉ ra rằng, tiền sính lễ, vốn là một phong tục truyền thống trong lĩnh vực cưới gả hôn nhân của Trung Quốc, có nền tảng văn hóa và xã hội sâu sắc, nhưng nay đã bị biến tướng.
Sính lễ mang tính lễ chứ không phải vấn đề tiền bạc, thể hiện lễ nghi, tình cảm giữa hai bên trong hôn ước. Chìa khóa để hạ nhiệt "Tiền sính lễ cao ngất trời" nằm ở sự đổi mới quan niệm xã hội.
Trong đời thực, nhiều gia đình buộc phải vay tiền để sống vì "Tiền sính lễ giá trên trời"; một số thanh niên buộc phải chia tay người yêu vì tiền thách quá cao; một số phụ nữ phải chịu khốn khổ trong gia đình mới và nhiều gia đình nảy sinh mâu thuẫn vì tiền sính lễ.
Tất cả những điều này cho thấy thách cưới cao không thể bảo đảm cho sự bền vững của hôn nhân, việc quá coi trọng số lượng tiền sính lễ mà bỏ qua nền tảng tình cảm sẽ tiềm ẩn nguy cơ cho sự hòa hợp và ổn định của hôn nhân gia đình.
Theo Sức Khỏe Đời Sống