Sau vụ máy bay rơi trên biển Indonesia hôm 29/10, hãng Lion Air thừa nhận chiếc phi cơ xấu số trước đó đã gặp phải một vấn đề kỹ thuật và vấn đề đã được khắc phục tại Bali trước khi bay trở về Jakarta. Máy bay được kiểm tra một lần nữa tại sân bay thủ đô Indonesia và CEO của hãng nói đây là "quy trình bình thường".
Sổ ghi chép kỹ thuật nêu rõ thiết bị đo không tốc của máy bay (vận tốc của máy bay so với không khí) trên chuyến bay Bali-Jakarta hôm 28/10 là "không đáng tin cậy", cũng như thiết bị đo độ cao ở vị trí cơ trưởng và cơ phó cho kết quả khác nhau, theo BBC.
Hai hành khách đi chuyến bay này đã mô tả những vấn đề đáng báo động, gây ra tâm lý sợ hãi trên máy bay.
Máy bay như không thể bay lên
Anh Alon Soetanton nói với TVOne rằng máy bay đột ngột rơi tự do vài lần trong ít phút đầu chuyến bay.
"Khoảng 3 đến 8 phút sau khi cất cánh, tôi cảm thấy máy bay như mất động lực và không thể bay lên. Điều đó xảy ra vài lần trong suốt chuyến bay", anh kể. "Chúng tôi cảm thấy như đang ở trên một chiếc tàu lượn. Một số hành khách bắt đầu cảm thấy sợ hãi và buồn nôn".
Một máy bay của Lion Air, hãng hàng không tư nhân lớn nhất Indonesia. Ảnh: AP.
Lời kể của anh trùng khớp với dữ liệu từ các trang theo dõi chuyến bay cho thấy tốc độ, cao độ và phương hướng thất thường trong những phút đầu sau khi chiếc Boeing 737 MAX 8 cất cánh. Một mô thức tương tự cũng được thể hiện qua dữ liệu về chuyến bay xấu số hôm 29/10.
Tuy nhiên các chuyên gia về an toàn bay lưu ý rằng những dữ liệu này phải được kiểm tra về độ chính xác so với thông tin từ hộp đen máy bay, thiết bị quan trọng mà các nhà chức trách tin rằng sẽ được khôi phục.
CEO của Lion Air, ông Edward Sirait, cho biết đã có báo có về vấn đề kỹ thuật với chuyến bay từ Bali nhưng nói họ đã xử lý theo quy trình mà nhà sản xuất máy bay đặt ra.
Trong một bài viết chi tiết đăng trên mạng, người dẫn chương trình truyền hình Conchita Caroline nói chuyến bay hôm 28/10 bị muộn hơn một giờ và khi máy bay được kéo ra đường băng, một vấn đề kỹ thuật buộc máy bay phải quay trở lại bãi đỗ, theo AP.
Cô kể các hành khách trên máy bay trải qua ít nhất 30 phút không có điều hòa không khí, nghe tiếng động "bất thường" phát ra từ động cơ, trong khi một số trẻ em nôn mửa vì quá nóng. Hành khách bắt đầu phản ứng giận dữ buộc tiếp viên cho tất cả xuống máy bay.
Sau khi chờ đợi trên bãi đỗ khoảng 30 phút, hành khách được mời trở lại máy bay trong lúc một động cơ được kiểm tra. Caroline nói cô hỏi một nhân viên ở đó nhưng chỉ nhận được câu trả lời không rõ ràng.
"Anh ta chỉ cho tôi xem giấy phép bay mà anh ta đã ký và anh nói vấn đề đã được giải quyết", cô kể. "Anh ta đối xử với tôi như thể vớt một hành khách muốn gây rắc rối dù những gì tôi hỏi là thay mặt cho những người bạn và những du khách đang lo lắng, những người không hiểu tiếng Indonesia".
Máy bay rơi xuống biển không lâu sau khi cất cánh, cách bờ khoảng 15 km. Ảnh: AP.
Cú va chạm cực mạnh?
Hôm 30/10, một ngày sau tai nạn, đội ngũ cứu hộ đã tìm thấy thêm nhiều thi thể tại vùng biển nơi chiếc máy bay với 189 người trên khoang rơi không lâu sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta đi thành phố Pangkal Pinang.
Chuyến bay JT610 tăng tốc khi đột ngột mất độ cao và biến mất khỏi radar 12 phút sau khi cất cánh. Trước đó, máy bay đã đề nghị quay đầu về Jakarta, nhưng cuối cùng đã rơi xuống biển Java, cách bờ khoảng 15 km, gây ra "âm thanh chói tai" khi tiếp nước, theo lời kể của hai ngư dân chứng kiến sự việc.
Hàng chục thợ lặn đã tham gia vào nỗ lực cứu nạn. Theo ông Muhammad Syaugi, người đứng đầu cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia, đội tìm kiếm đã tìm thấy chân tay và các bộ phận cơ thể khác, cho vào 10 túi đựng. Ông nói chúng sẽ được đưa về Jakarta để nhận dạng và kiểm tra ADN, theo AFP.
Đội tìm kiếm cũng đã đưa lên bờ thi thể của một em bé, theo phó giám đốc cảnh sát quốc gia Ari Dono Sukmanto. Khoảng 14 túi đựng mảnh vỡ từ máy bay được thu thập. Giày, các mẩu quần áo và một chiếc ví nằm trong số những gì được tìm thấy.
"Chúng tôi hy vọng có thể tìm thấy phần thân chiếc máy bay - mọi thứ nổi trên mặt nước đã thu thập", ông Syaugi nói.
Đội ngũ cứu hộ thu thập vật dụng của nạn nhân. Ảnh: AP.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia cho biết có 178 hành khách người lớn, một trẻ nhỏ, 2 trẻ sơ sinh, 2 phi công và 6 tiếp viên trên chuyến bay JT610. Trong đó, cơ trưởng Bhavye Suneja, 31 tuổi, người Ấn Độ, Andrea Manfredi, cựu vận động viên xe đạp chuyên nghiệp người Italy và 20 công chức Bộ Tài chính Indonesia.
Cơ quan tìm kiếm cứu nạn loại trừ khả năng tìm thấy người sống sót vào cuối ngày 29/10, với lý do rằng việc tìm thấy các bộ phận cơ thể người cho thấy máy bay đã va chạm cực mạnh khi rơi xuống biển sâu khoảng 30-40 mét ngoài khơi đảo Java.
"Chúng tôi đang ưu tiên tìm kiếm phần thân của máy bay bằng 5 tàu chiến được trang bị thiết bị phát hiện vật thể ngầm để dò tìm kim loại dưới nước", ông Yusuf Latif, người phát ngôn của cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia, cho hay.
Cả thiết bị ghi âm buồng lái và thiết bị lưu trữ dữ liệu chuyến bay, những thứ có thể cung cấp bằng chứng then chốt để giải thích nguyên nhân tai nạn, hiện vẫn chưa được tìm thấy.
Thi thể nạn nhân chuẩn bị được đưa lên bờ. Ảnh: AP.
Nỗi đau mất mát
Gia đình của các nạn nhân đang gắng gượng để vượt qua cú sốc đột ngột mất đi người thân.
"Đây là thời điểm rất khó khăn với gia đình chúng tôi", anh Leo Sihombing, người đang ở tại nơi tập trung gia đình nạn nhân tại sân bay Soekarno-Hatta ở Jakarta, nói với AP.
"Chúng tôi biết rất ít khả năng anh họ tôi sống sót nhưng không ai có thể đảm bảo chắc chắn hoặc giải thích chính xác được", anh nói trong lúc những thành viên khác trong gia đình ôm nhau và khóc.
"Điều chúng tôi hy vọng bây giờ là đội cứu hộ có thể tìm thấy xác anh ấy để chúng tôi có thể an táng anh ấy đàng hoàng cũng như cơ quan chức năng có thể giải thích nguyên nhân máy bay rơi", anh Sihombing nói.
Người thân tập trung tại gia đình một hành khách trên chuyến bay JT610 để cầu nguyện. Ảnh: AP.
Một loạt tin tức giả mạo đã xuất hiện trên mạng sau vụ tai nạn, bao gồm một tin nói rằng có một em bé sống sót và một video cho thấy hành khách lo lắng trước khi máy bay rơi. Cơ quan chức năng đã bác bỏ cả hai thông tin này.
Lion Air, hãng hàng không tư nhân lớn nhất Indonesia, gặp phải hơn 10 sự cố trong lịch sử chưa đầy 20 năm của mình, dù mới chỉ có một vụ tai nạn gây thiệt hại nhân mạng vào năm 2004.
Đồ họa: AFP.
Theo Zing