Hạnh phúc không có ở cuối con đường do NSND Khải Hưng làm đạo diễn, nói về hành trình kiếm tìm hạnh phúc của những con người sống trong thời kỳ quá độ, cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, chịu sự tác động của một xã hội Việt Nam đang chuyển mình từ thời kỳ cuối bao cấp sang nền kinh tế thị trường.

Nếu Quỳnh Búp Bê là bộ phim thời thượng, hợp với giới trẻ thì Hạnh phúc không có ở cuối con đường là bộ phim chiều lòng khán giả lớn tuổi để nhớ về một thời kỳ bao cấp đã qua.

Hạnh phúc không có ở cuối con đường là bộ phim được chú ý ngay từ khi phát sóng khi thay thế cho Quỳnh Búp Bê ở thời điểm bộ phim này đang “làm mưa làm gió” trên truyền hình.

Hạnh phúc không có ở cuối con đường: Bộ phim tạo hiệu ứng ngược với Quỳnh Búp Bê-1

- Theo đạo diễn, thời điểm phát sóng “Hạnh phúc không có ở cuối con đường” là một lợi thế hay điều ngược lại của bộ phim?

Quỳnh Búp Bê là bộ phim thời thượng, mô tả về vấn đề nhiều người tò mò – nhất là giới trẻ và còn thu hút quảng cáo. Hạnh phúc không có ở cuối con đường là phim dành cho đối tượng người lớn tuổi, có nhịp điệu và cách kể dung dị, đương nhiên nó là hiệu ứng ngược với Quỳnh Búp Bê.

Điều này lợi và hại là đan xen nhau. Những người không thích Quỳnh Búp Bê sẽ được nhớ lại một thời khó khăn mà lứa tuổi mình trải qua và tôi tin chắc họ đã vừa lòng với Hạnh phúc không có ở cuối con đường.

- Ngay khi biết “đứa con tinh thần” của mình được đến với khán giả cảm xúc của ông là gì?

Với người làm phim, phim được tới khán giả là điều hạnh phúc rồi! 

Hạnh phúc không có ở cuối con đường: Bộ phim tạo hiệu ứng ngược với Quỳnh Búp Bê-2

- Đề tài phim xoay quanh “hành trình kiếm tìm hạnh phúc của những con người sống trong thời kỳ quá độ” có khiến đạo diễn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện bối cảnh?

Câu chuyện phim xảy vào những năm 90, điều khó khăn nhất là bối cảnh. Ở Việt Nam chưa có một trường quay để có thể tạo dựng ra bối cảnh cũ, bởi vậy phim muốn tạo dựng ra một góc phố thời đi xe đạp và xe máy không đội mũ bảo hiểm là cực kì khó khăn..

Với chỉ một cái bếp dầu, đạo cụ xoay xở mãi mới ra. Khi có bếp diễn viên loay hoay mãi vì không biết sử dụng! Mà bếp dầu là đặc trưng của cuối thời kỳ bao cấp. Trong bếp của gia đình thành phố nhà nào mà chẳng có bếp dầu. Nói tới khó khăn thì phim nào cũng vậy, khi đoàn phim lên đường thì câu chuyện khó xử nhất lại là bối cảnh.

- Đạo diễn có thể bật mí những bí mật phía sau hậu trường của bộ phim “Hạnh phúc không có ở cuối con đường”?

Với Hạnh phúc không có ở cuối con đường, đây là thể nghiệm của tôi với công việc dàn dựng. Với những cảnh quay dài đòi hỏi quay phim, ánh sáng và diễn viên phải làm việc chuyên nghiệp.

Diễn viên diễn có dẫn dắt tâm lý, đòi hỏi phải thuộc thoại. Quay phim phải tạo ra rất nhiều cỡ cảnh trong 1 cảnh quay. Tôi cảm thấy hài lòng về cách dàn dựng khó khăn này.

Hạnh phúc không có ở cuối con đường: Bộ phim tạo hiệu ứng ngược với Quỳnh Búp Bê-3

- “Hạnh phúc không có ở cuối con đường” với  sự tham gia của các diễn viên Thuỳ Dương, Kiều Anh, Hồng Quang, Diệu Thuần. Mối quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng một lần nữa lại là vấn đề thu hút khán giả của bộ phim. Ông có thể cho biết về lý do lựa chọn Thùy Dương và Diệu Thuần vào 2 vai này không?

Chị  Diệu Thuần, với tôi là sự lựa chọn chuẩn xác cho vai bà mẹ là cán bộ về hưu . Còn Thùy Dương là phù hợp với cả 2 giai đoạn nghèo khó và thành đạt. Quan hệ mẹ chồng và nàng dâu vốn chưa bao giờ là tốt, nó xảy ra dưới các mức độ và định dạng khác nhau.

Phim không phản ảnh thực tế sẽ không thuyết phục khán giả. Một khi mức sống trong xã hội càng khá lên thì khoàng cách giữa mẹ chồng nàng dâu càng rộng ra.

- Ông có thói quen thích xem phim nước ngoài, vậy theo ông tác phẩm phim truyện thế nào mới đủ sức hút để ông theo dõi?

Mỗi bộ phim truyền hình sẽ dành cho một số đối tượng nào đó, không có mẫu số chung cho tất cả các phim. Bởi vậy, sẽ chẳng có bộ phim nào vừa lòng toàn bộ khán giả được.

Hạnh phúc không có ở cuối con đường: Bộ phim tạo hiệu ứng ngược với Quỳnh Búp Bê-4

- Sự kết hợp của NSND Khải Hưng và biên kịch Đỗ Trí Hùng từng là “cặp bài trùng” của màn ảnh Việt. Khi làm việc với biên kịch Đỗ Trí Hùng đâu là thuận lợi và khó khăn? Cảnh quay nào trong phim khiến ông ấn tượng nhất?

Tôi đã hợp tác với anh Đỗ Trí Hùng 25 năm, thực ra chúng tôi không hợp nhau. Tôi là kỉ luật và chuẩn xác, còn anh Hùng là phóng khoáng…, nhưng làm việc là phải tranh luận và thuyết phục. Tôi đã thuyết phục được anh Hùng viết ra kịch bản có thể thực hiện công việc của đạo diễn một cách dễ dàng.

Trúc An
Theo Vietnamnet