16 năm chờ đợi
Chia sẻ với phóng viên trong lúc chờ đợi đứa con chào đời, anh Ng.V.S (Ninh Bình) cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang rất hồi hộp chờ đợi, dù cháu chưa ra đời nhưng chúng tôi vô cùng hạnh phúc vì không thể tin rằng sau 16 năm chờ đợi chúng tôi đã có con”.
Anh S. cho biết, vợ anh mắc bệnh không thể con có được, lấy nhau đã 16 năm nhưng gia đình vẫn luôn hy vọng phép màu nào đó sẽ đến với gia đình, “Cuối cùng phép màu đó đã đến với chùng tôi, ngay ngày đầu tiên cho phép mang thai hộ chúng tôi đã đến nga y BV Phụ sản Trung ương để hỏi về thủ tục”, chị vợ anh S. nói.
Cháu bé ra đời ở tuần 38 nặng 3,6kg
Theo anh S., người mang thai hộ là cô họ của gia đình, nay đã 46 tuổi và đồng ý mang thai hộ vào hồi tháng 3/2015. “Cô cũng biết hoàn cảnh gia đình tôi, nên đã đồng ý mang thai hộ cho vợ chồng tôi, dù tuổi cao và lo lắng những biến chứng có thể xảy ra nhưng trong quá trình mang thai, các bác sĩ thường xuyên khám định kỳ, vì thế vợ chồng tôi cũng yên tâm”, vợ anh S. chia sẻ.
Trong quá trình làm thủ tục mang thai hộ, gia đình anh dường như không gặp khó khăn gì. Nhưng với luật định này thì chắc chắn nhiều gia đình sẽ gặp khó khăn trong việc chứng nhận họ hàng và xác minh giấy tờ.
“Tôi hy vọng qua quá trình thực tế thực hiện, các cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh, nới lỏng ra để mang nhiều cơ hội đến với các cặp vợ chồng không thể sinh con”, anh S. nói.
Cuối cùng khi chính thức bế đứa con trong lòng sau gần 20 năm chờ đợi, vợ anh S. nghẹn ngào trong hạnh phúc: “Tôi hạnh phúc quá”, cùng với câu nói đó là hình ảnh những giọt nước mắt hạnh phúc của bà mẹ lần đầu làm mẹ.
Đừng từ bỏ điều trị để nhờ mang thai hộ
Đó là ý kiến chia sẻ của GS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế với phóng viên khi nói về việc mang thai hộ. Theo đó, GS Tiến cho biết, những cặp vợ chồng hiếm muộn và đang điều trị hiếm muộn nên tiếp tục điều trị, đừng nên vì thành công của mang thai hộ mà từ bỏ điều trị để nhờ người mang thai hộ.
Quay trở lại ca mang thai hộ đầu tiên tại BV Phụ sản Trung ương, GS Nguyễn Viết Tiến cho biết đây là cặp vợ chồng đã chờ đợi sinh con 16 năm. Nguyên nhân là do người vợ không có tử cung. “Đối với những người không có tử cung thì chắc chắn sẽ không thể có con được. Nhưng người vợ buồng trứng vẫn bình thường và người chồng cũng bình thường, vì thế hoàn toàn có thể có con nhờ mang thai hộ”, GS Tiến nói.
Người mẹ vỡ òa trong hạnh phúc đón con chào đời sau 16 năm chờ đợi
Nói về cảm giác khi trực tiếp mổ và chào đón đứa trẻ đầu tiên ra đời nhờ mang thai hộ, GS Nguyễn Việt Tiến cho biết: “Tôi rất vui mừng khi chào đón cháu bé đầu tiên ra đời nhờ kỹ thuật mang thai hộ. Luật mang thai hộ ra đời, đã giúp cặp vợ chồng này có con sau 16 chờ đời".
Theo GS Tiến, cháu bé ra đời rất khỏe mạnh, nặng 3,6kg, khi ra đời khóc rất to, thai được 38 tuần. Đồng thời GS Tiến cho biết nếu không cho phép mang thai hộ, những cặp vợ chồng này sẽ không bao giờ có con, ngoài việc xin con nuôi.
“Bản thân tôi rất mừng vì mình tham gia soạn thảo luật mang thai hộ và hạnh phúc hơn chính bản thân tôi lại là người trực tiếp mổ ca đẻ đầu tiên nhờ kỹ thuật này.
Tuy nhiên, khi đưa vào thực tiễn, chúng tôi rất cẩn thận và chỉ cho phép 3 bệnh viện được thực hiện. Ngoài ra chúng tôi yêu cầu chặt chẽ về mặt giấy tờ. Thậm chí qua quá thực hiện chúng tôi sẽ đề xuất một số điều cho phù hợp”, GS Tiến nói.
Tính đến thời điểm hiện tại có hơn 60 hồ sơ đã được duyệt và đủ điều kiện. Cuối cùng GS Tiến khuyến cáo, việc mang thai hộ hoàn toàn vẫn có thể xảy ra những tai biến như những ca khác, bởi vậy các gia đình muốn thực hiện kỹ thuật này cần phải đến các trung tâm đủ điều kiện thực hiện để đảm bảo an toàn.
Theo Eva/ khám phá