Thông tin Táo Quân sẽ dừng lại sau hành trình 16 năm khiến không ít người bất ngờ. Đây là chương trình hài kịch có “tuổi đời” dài nhất trên sóng VTV, đồng thời còn là một thương hiệu của nhà đài trong mỗi đêm giao thừa.
Táo Quân bắt đầu như thế nào?
Táo Quân có tên gọi chính thức là Gặp nhau cuối năm, được Hãng phim truyền hình Việt Nam (nay là Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam) sản xuất từ năm 2003. Format chương trình được xây dựng theo hướng là số đặc biệt phát vào cuối năm của Gặp nhau cuối tuần, do MC Thảo Vân dẫn dắt.
Gặp nhau cuối năm bao gồm nhiều phần, có cả âm nhạc và giao lưu với khách mời. Táo Quân lúc đầu chỉ là một tiểu phẩm nằm trong chương trình. Người được cho là “cha đẻ” của Táo Quân là NSND Khải Hưng, thời điểm đó là giám đốc của VFC.
Từ 2006, toàn bộ thời lượng Gặp nhau cuối năm là Táo Quân. Đến năm 2007, khi Gặp nhau cuối tuần đã dừng sản xuất, Gặp nhau cuối năm vẫn đều đặn phát sóng mỗi năm, trước khoảnh khắc giao thừa.
Theo chia sẻ của NSND Khải Hưng với chúng tôi, Táo Quân là chương trình mỗi năm chỉ làm một lần. Do vậy, VFC dồn nhiều công sức lẫn trí tuệ cho thành phẩm. Kịch bản Táo Quân có sự tham gia của nhiều biên kịch. Những năm gần đây, cái tên sáng giá trong ê-kíp xây dựng nội dung là “Cù Trọng Xoay” Đinh Tiến Dũng.
Thông thường, hai tháng trước khi ghi hình, các nghệ sĩ tham gia Táo Quân sẽ nhận lịch tập và kịch bản ban đầu. Song, kịch bản còn tiếp tục thay đổi trong quá trình tập luyện và làm việc với tổng đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải.
Chương trình thường được ghi hình khoảng 10-20 ngày trước Tết Nguyên đán. Hai năm gần đây, Táo Quân chọn Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô làm địa điểm quay trong ba đêm liên tiếp.
Dàn nghệ sĩ làm nên thương hiệu Táo Quân
Táo Quân là chương trình gắn bó đặc biệt với các nghệ sĩ hài ở miền Bắc. Quốc Khánh, Công Lý, Vân Dung, Xuân Bắc, Quang Thắng, Chí Trung là 6 nghệ sĩ quen thuộc nhất của thương hiệu.
Trong đó, bộ ba không đổi là Ngọc Hoàng (Quốc Khánh), Nam Tào (Xuân Bắc) và Bắc Đẩu (Công Lý). Công Lý gây ấn tượng mạnh với hình ảnh “cô Đẩu” điệu đà, đanh đá; trong khi Nam Tào của Xuân Bắc lại dí dỏm, hóm hỉnh.
Quốc Khánh cũng là một dấu ấn của Táo Quân. Khác với hình ảnh Ngọc Hoàng ở năm đầu tiên do nghệ sĩ Quốc Trượng thể hiện, Quốc Khánh được nhớ đến với vẻ thâm trầm, ít nói, nhưng hễ phát ngôn lại dễ dàng tạo thành “trend”.
Bộ ba còn lại là Chí Trung - Vân Dung - Quang Thắng đóng linh hoạt các vai Táo theo từng năm. Với số đông, Chí Trung hợp với vai Táo Giao thông, Vân Dung được nhớ đến với vai Táo Y tế, trong khi Táo Kinh tế không ai qua được Quang Thắng.
Ngoài dàn nghệ sĩ trên, Táo Quân còn có sự góp mặt của nhiều gương mặt khác như NSƯT Minh Vượng, NSND Minh Hằng, NSƯT Đức Hải… Một số năm, chương trình còn có cho nghệ sĩ, người mẫu đóng Thiên Lôi như Tuấn Hưng, Bình Minh, Minh Quân.
Bên cạnh đó, vài năm gần đây, Táo Quân bắt đầu có sự tham gia của một số nghệ sĩ trẻ như Trung Ruồi, Minh Tít, Đỗ Duy Nam…
Nhiều lần đổi format trước khi dừng lại
Format Táo Quân vốn được xây dựng theo truyền thuyết Táo Quân về trời. Các Táo chầu trời bằng cá chép và cuộc báo cáo trước Ngọc Hoàng về công việc trong năm. Từ đây, nhiều tình huống “dở khóc dở cười” nảy sinh. Nam Tào, Bắc Đẩu thay nhau chất vấn hạn chế trong công tác quản lý của các Táo.
Là chương trình hài kịch truyền hình chính luận, đặc sản của Táo Quân là tính trào phúng. Chương trình tập trung phản ánh và đả kích nhiều vấn đề nổi cộm trong năm, thuộc các lĩnh vực khác nhau từ xã hội, giáo dục, y tế đến kinh tế, giao thông.
Nhiều vấn đề từng được Táo Quân đả kích như nạn tham nhũng, hối lộ, dự án ma, tai nạn giao thông, bạo lực học đường, gian lận điểm thi, hủy hoại môi trường…
Nhiều câu nói nổi tiếng trong năm, những bài nhạc chế vốn bắt nguồn từ chương trình. Đặc biệt, Táo Quân còn mượn nhiều format game show để tăng tính hấp dẫn như Hoa Táo, Táo Idol…
Tuy vậy, format được sử dụng nhiều nhất vẫn là các Táo lần lượt vào chầu. Gần nhất, chương trình giữ format cũ, tức hình thức báo cáo.
Song, thay vì các Táo lần lượt vào chầu, khán giả có dịp theo dõi màn chầu đôi của Táo Xã hội và Táo Kinh tế. Qua đó, chương trình muốn đả kích vấn nạn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của người có cương vị, chức quyền.
Kể từ khi lên sóng, Táo Quân có nhiều năm được đánh giá là xuất sắc, là tiếng cười “tống cựu nghinh tân”. Chương trình luôn đạt rating cao và giá quảng cáo ở mức ngất ngưởng. Năm 2019, giá quảng cáo của Táo Quân lên tới 530 triệu đồng cho một đoạn TVC 30 giây.
Song, một vài năm gần đây, chương trình cũng hứng chịu ý kiến trái chiều. Năm 2019, Táo Quân bị phản ứng vì quảng cáo quá nhiều. Hay trước đó một năm, chương trình bị phản ánh là có nhiều câu thoại không phù hợp về cộng đồng LGBT.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng Táo Quân không còn hấp dẫn như xưa, và nhiều vấn đề nổi cộm trong năm không bị phê phán trong chương trình.
Theo Zing