Sam Kean là tác giả người Mỹ có sách khoa học bán chạy với các tác phẩm như Chiếc thìa biến mất, Tâm trí tội phạm đã xuất bản tại Việt Nam. Dưới đây là bài viết của ông trên Science History mang tên Phẫu thuật thẩm mỹ trong tù: Liệu diện mạo mới có mở ra cuộc sống mới?:
Tất cả những gì Jenny (nhân vật đã được đổi tên) mong muốn là trông mình bình thường. Thuở thơ ấu, Jenny sống ở Canada, một vụ tai nạn xe hơi đã để lại những vết lõm và sẹo ở mũi khiến cô vô cùng tự ti. Cô cảm thấy mình không bao giờ hòa nhập được với bạn bè.
Thời niên thiếu hư hỏng, Jenny trộm cắp để kiếm tiền thỏa cơn nghiện ma túy. Cuối những năm 1950, ở tuổi 28, cô bị giam giữ tại nhà tù Oakalla gần Vancouver.
Cô đã tận dụng tối đa thời gian ở đó tham gia các lớp học đánh máy, ngữ pháp tiếng Anh và tham gia tư vấn về ma túy. Cô nỗ lực hoàn lương nhưng vẫn không thể thoát khỏi ám ảnh nguồn cơn đau khổ của mình - chiếc mũi xấu xí, vẹo vọ.
Ngày nọ, cô nghe tin một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tình nguyện sửa mặt miễn phí cho tù nhân. Tên ông là Edward Lewison. Ông cho rằng sẹo và dị tật khuôn mặt khiến một số người trở thành những kẻ bị xã hội ruồng bỏ và đẩy họ vào con đường phạm tội.
Bác sĩ Cesare Lombroso mô tả chi tiết đặc điểm khuôn mặt liên quan đến các nhóm tội phạm khác nhau bao gồm hiếp dâm, cướp, trộm và ám sát (theo thứ tự 1-4).
Lý thuyết liên kết ngoại hình và hành vi tội phạm không phải là điều mới mẻ.
Một thế kỷ trước, bác sĩ Cesare Lombroso (người Italy) cho rằng các nét trên khuôn mặt - hàm hô, trán dốc, tai to - là dấu hiệu của người có xu hướng phạm tội, một phần vì những đặc điểm đó gợi nhắc tới nguồn gốc vượn hoang dã không có khả năng kiểm soát xung lực.
Lombroso thậm chí còn cho biết ông có thể chỉ ra tội phạm từ ảnh chụp. Tuy nhiên, lý thuyết của Lombroso đã bị bác bỏ vào những năm 1950.
Trong khi đó, Lewison cho rằng các khiếm khuyết trên khuôn mặt đã đẩy con người vào đường phạm tội, đặc biệt với trẻ em. "Khi lớn lên, những đứa trẻ này trở nên yếu đuối và không thể kiếm sống lương thiện. Không hòa nhập được vào cộng đồng, chúng phạm tội như một cách để trả thù xã hội" - bác sĩ Lewison nói.
Lewison lý luận phẫu thuật thẩm mỹ có thể giải quyết được vấn đề. Bằng cách trao cho ai đó một khuôn mặt mới, ông có thể mang lại cho họ một cuộc sống mới.
Vị bác sĩ này có nhiều cơ hội để kiểm tra lý thuyết của mình tại nhà tù Oakalla - nơi đầy rẫy những chiếc mũi gãy, sẹo, răng khấp khểnh và tai vểnh. Ông sửa các khiếm khuyết không lấy tiền.
Kết quả ban đầu đã khiến ông phấn khởi. Nữ tù nhân từng dập mũi do tai nạn xe hơi đã trở nên vui vẻ, hòa đồng hơn. Khi ra tù, cô ổn định cuộc sống, không còn dính líu tới ma túy. Lewison nói: "Cô ấy coi ca phẫu thuật này là một bước tiến quan trọng để được xã hội chấp nhận".
Lối vào tòa nhà chính của Nhà tù Oakalla năm 1991. Ảnh: Heritage Burnaby
Năm 1956, Lewison đưa ra báo cáo về 450 ca phẫu thuật thẩm mỹ (chủ yếu là mũi, phần còn lại là tái tạo tai, hàm, xóa sẹo). Trong 10 năm sau đó, 42% trong số tù nhân trên bị bắt lại. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều mặt bằng chung: 72% số tù nhân tái phạm tội.
Như vậy, mức chênh lệch lên tới 30%. Lewison đánh giá đây là thành công.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận xu hướng nhỏ nhưng đáng lo ngại. Một số bệnh nhân tận dụng khuôn mặt đẹp đẽ hơn để chuyển từ tội ác bạo lực sang lợi dụng lòng tin của người khác để lừa đảo.
Trong khi đó, các nhà phê bình nhận thấy một số vấn đề với phương pháp luận của Lewison. Khi so sánh tỷ lệ tái phạm, ông sử dụng tất cả tù nhân nói chung làm nhóm đối chứng. Nhưng khi lựa chọn người phẫu thuật, Lewison chỉ chọn những tù nhân đã phạm 5 tội trở xuống.
Ông bỏ qua những người phạm nhiều tội nhất và do đó có nhiều khả năng quay trở lại nhà tù nhất.
Thứ hai, Lewison không tính đến các yếu tố tâm lý. Nhiều tù nhân đến từ những gia đình nghèo, không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế. Việc Lewison đề nghị sửa khuôn mặt miễn phí cho họ là hành động tử tế trong cuộc sống mà họ hiếm khi được nhận.
Sự quan tâm của Lewison có thể đã thúc đẩy họ thay đổi cuộc sống của mình.
Tương tự, một số bệnh nhân có thể cảm thấy biết ơn và muốn đền đáp lòng tốt bằng cách trở thành những người tử tế hơn. Khuôn mặt mới của họ có thể không liên quan gì đến cải thiện hành vi.
Cuối cùng, ngoài phẫu thuật, một số bệnh nhân của Lewison còn tham gia các hoạt động tích cực tại nhà tù. Bởi vậy, khó xác định chính xác phẫu thuật thẩm mỹ hay hoạt động nào giúp cuộc sống của các phạm nhân chuyển hướng.
Hình ảnh trong phim 'Khuôn mặt một người phụ nữ' kể về nhân vật nữ đã thoát khỏi quá khứ tội phạm của mình sau khi phẫu thuật sửa khuôn mặt bị biến dạng. Ảnh: MGM
Dù còn nhiều sơ hở nhưng nghiên cứu của Lewison đã truyền cảm hứng cho một loạt các phân tích trong những thập kỷ tiếp theo liên quan đến hàng nghìn tù nhân. Các bác sĩ chủ yếu thực hiện phẫu thuật mũi, tai và răng, loại bỏ các vết rỗ, làm căng vùng má, hút mỡ ở eo và làm căng bọng mắt.
Trong 9 nghiên cứu về chủ đề trên, có tới 6 lần các tác giả ghi nhận phẫu thuật thẩm mỹ làm giảm tỷ lệ tái phạm tội, 2 lần không có tác dụng và trong 1 nghiên cứu, tỷ lệ trở lại nhà tù của những người đã phẫu thuật cao hơn.
Do những vấn đề về phương pháp luận và thay đổi lớn trong xã hội, các chương trình phẫu thuật thẩm mỹ cho tù nhân đã chấm dứt vào những năm 1980. Tuy nhiên, gần đây, xu hướng này đang quay trở lại.
Nhiều bằng chứng cho thấy ngoại hình sáng thực sự mang lại cho mọi người một động lực lớn trong cuộc sống. Những học sinh đẹp trai nhận được nhiều sự chú ý hơn từ giáo viên, được bạn bè yêu thích hơn. Sau khi tốt nghiệp, nhóm người này sẽ kiếm được mức lương cao hơn cùng nhiều lợi ích khác.
Các tổ chức phi lợi nhuận đã xuất hiện ở Hawaii, Arizona và California (Mỹ) để giúp những cựu tù nhân sửa mặt, xóa hình xăm. Ngay cả khi một tiểu bang trả cho các bác sĩ 100.000 USD cho mỗi ca phẫu thuật, kinh phí vẫn rẻ hơn so với tiền bỏ ra để giam giữ ai đó.
Chúng ta có thể không bao giờ biết chắc chắn liệu Lewison có đúng khi nói rằng việc làm cho ai đó đẹp hơn có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ. Nhưng dù ở trong tù hay bên ngoài, chúng ta không thể thoát khỏi sự chi phối của sức mạnh và sự quyến rũ của cái đẹp.
Theo Vietnamnet