Người đàn ông ở Đắk Lắk cùng vợ liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng để kêu oan suốt 17 năm. Trong quá trình kêu oan, gia đình phải chịu sự kỳ thị của người thân và hàng xóm.

Ông Trịnh Công Minh (ngụ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) bị tạm giam 18 tháng, sau đó bị cấm đi khỏi nơi cư trú suốt 17 năm, ông đã gửi hàng trăm lá đơn kêu oan đến cơ quan chức năng.

Nỗ lực đấu tranh của ông cuối cùng cũng có kết quả khi VKSND Tối cao kết luận cơ quan tố tụng cấp huyện để xảy ra oan sai. Tuy nhiên, người đàn ông này đã qua đời trước khi được cơ quan chức năng xin lỗi.

Bị người thân xa lánh, hàng xóm kỳ thị

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tại thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana), bà Tố Thị Thanh Tâm (vợ ông Minh) cho biết vừa tiếp tục gửi đơn đến cơ quan chức năng đề nghị tổ chức xin lỗi và bồi thường cho chồng. 

Chưa tới 40 tuổi, nhưng hành trình kêu oan cùng chồng của bà Tâm đã kéo dài gần 20 năm. Sự ra đi đột ngột của ông Minh để lại căn nhà trống vắng, chỉ còn 3 mẹ con đùm bọc nhau qua ngày. 

"Anh Minh mất hơn 9 tháng do bệnh ung thư, căn nhà trước đây vắng vẻ thì nay càng trống hơn. Giờ mẹ con tôi lủi thủi nương tựa nhau sống", bà Tâm buồn bã.

Hành trình người vợ đi tìm công lý cho chồng mang án oan 17 năm-1
Bà Tâm kể lại thời gian dài cùng chồng đi khắp nơi gửi đơn. Ảnh: Minh Lộc.

Nhớ lại quãng thời gian cùng chồng đi khắp nơi gửi đơn kêu cứu, bà Tâm cho biết họ đã phải chịu sự kỳ thị, ruồng bỏ từ 2 bên nội, ngoại.

“Người thân thấy chồng tôi vào tù rồi bị tòa xét xử nên 2 bên quyết từ mặt. Bản thân tôi tin chồng bị oan nên cùng anh liên tục gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan cấp địa phương và Trung ương”, người vợ kể.

Theo bà Tâm, trong thời gian bị cấm đi khỏi nơi cư trú, ông Minh bị chính quyền địa phương và các cơ quan tiến hành tố tụng quản lý, theo dõi chặt chẽ.

“Họ quản lý chồng tôi như tội phạm. Nhiều hôm tại địa phương xảy ra vụ án nào là công an đến đập cửa vào nhà kiểm tra giữa khuya. Chồng tôi đi đâu cũng phải xin phép nên công việc làm ăn cứ dậm chân tại chỗ, người ta ngại hợp tác. Lâu dài rồi thua lỗ nặng nề, nay gia đình vẫn còn thiếu nợ nhiều tỷ đồng”, bà Tâm chia sẻ.

Người phụ nữ cho biết đến giữa tháng 3/2015 (gần 17 năm kể từ ngày bị tạm giam), chồng bà mới được VKSND huyện Krông Ana ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ba ngày sau, công an huyện ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Minh do đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm.

“Nhận được quyết định này, người thân cùng hàng xóm mới thay đổi cái nhìn đối với vợ chồng tôi. Cầm quyết định, anh Minh tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng, đề nghị tổ chức xin lỗi và bồi thường. Anh chưa được chứng kiến giây phút các cơ quan gây ra oan sai xin lỗi thì đã mất do ung thư", người vợ đau lòng nói.

Nhớ lời trăn trối của chồng, bà Tâm muốn cơ quan gây ra oan sai phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại về thể chất, tinh thần, cho gia đình suốt thời gian qua. "Việc xin lỗi là để lấy lại danh dự cho chồng tôi và để cho con cái không phải chịu sự kỳ thị của xã hội”, bà Tâm nói.

Chưa xác định được cơ quan gây oan sai

Theo quan điểm của Viện kiểm sát và Công an tỉnh Đắk Lắk, TAND huyện Krông Ana xét xử sơ thẩm, rồi bị cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại. Sau đó, công an huyện ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vì không chứng minh được ông Minh phạm tội.

Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 32 của luật Trách nhiệm bồi thường, TAND huyện Krông Ana phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Minh.

Hành trình người vợ đi tìm công lý cho chồng mang án oan 17 năm-2
Vợ chồng ông Minh liên tục gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng. Ảnh: Minh Lộc.

Còn theo TAND tỉnh Đắk Lắk, vụ án vướng mắc khi tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm nhưng VKS vẫn ra quyết định truy tố Trịnh Công Minh về hành vi Trộm cắp tài sản.

Sau đó, Công an huyện Krông Ana làm mất hồ sơ vụ án nên TAND cấp sơ thẩm không xác định được công an huyện điều tra những nội dung gì; hoạt động tố tụng diễn ra như thế nào; thu thập được những chứng cứ, tài liệu gì về việc chứng minh tội phạm... 17 năm sau, công an huyện mới ra quyết định đình chỉ vụ án, vì vậy lỗi thuộc về cơ quan tố tụng cấp huyện.

Không thống nhất trách nhiệm bồi thường, cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Lắk đã gửi báo cáo đến TAND Tối cao xin hướng dẫn. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, tòa án cấp trên vẫn chưa có văn bản trả lời.

Ông Lê Quang Tiến, Phó viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị này đã có văn bản đề nghị tòa án cùng cấp tiếp tục xin ý kiến TAND Tối cao đối với việc bồi thường và xin lỗi ông Minh. "Hơn 2 năm nay chưa nhận được phản hồi. Vừa qua, đơn vị đã có văn bản nhắc lại sự việc, gửi TAND Tối cao để xin chỉ thị", ông Tiến nói.

Khuya 2/2/1997, ông Minh đi bộ đến nhà người quen. Cùng thời điểm, công an phát hiện chiếc xe máy bị mất cắp dựng bên hông căn nhà này nên mời ông Minh về trụ sở làm việc. Sau đó, ông Minh bị khởi tố, tạm giam về tội Trộm cắp tài sản.

Tháng 10/1997, TAND huyện Krông Ana tuyên phạt ông Minh 12 tháng tù giam. Hai tháng sau, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm vì chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra chưa khách quan.

Ngày 26/6/1998 TAND huyện Krông Ana trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Gần một tháng sau, VKSND huyện Krông Ana mới ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Minh sau gần 18 tháng bị giam giữ. Ngày 27/7, Công an huyện Krông Ana quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai, TAND huyện Krông Ana tiếp tục trả hồ sơ cho VKS để bổ sung chứng cứ và sự việc đã kéo dài gần 17 năm.

 

Theo Zing