Đó là quan điểm của cô con dâu Đài Loan, Anh Vân. Anh Vân tên đầy đủ là Vũ Thị Anh Vân, sinh năm 1991, tên Đài Loan là Ying Yun, công nhân tại một nhà máy thiết bị điện tử tại Đài Bắc.
Chang Shu Hao, sinh năm 1986, quản lý nhà máy nơi Vân làm việc.
Bức ảnh thời còn mới hẹn hò của Vân và Shu Hao.
Sinh ra và lớn lên tại Hải Dương. 18 tuổi, do kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên Vân quyết định đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Như bao người lao động xa quê khác, khác biệt văn hóa và cuộc sống khó khăn đôi khi khiến cô gái trẻ nản lòng. Vậy nhưng mỗi lần nghĩ về gia đình còn thiếu thốn nơi quê nhà, Vân lại không ngừng cố gắng.
Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng phụ nữ đi Đài Loan phần đông đều mong muốn kiếm một tấm chồng Đài để ổn định cuộc sống và ở lại kiếm tiền, cô gái trẻ tên Vân luôn nhắc nhở bản thân phải thật cố gắng kiếm nhiều tiền về trang trải nợ nần cho bố mẹ. Sau đó Vân sẽ lấy một anh chồng gần nhà để tiện bề phụng dưỡng cha mẹ lúc ốm đau.
Vậy nhưng người tính không bằng trời tính, cặp đôi Việt – Đài đã vượt qua sự ngăn cản của gia đình để kết hôn với nhau.
Sang làm việc được 3 năm thì Vân gặp chồng mình, khi đó đang làm quản lý nhà máy nơi cô làm việc.
“Cũng gọi là lấy chồng nước ngoài, nhưng mọi người thường nghĩ phải là phụ nữ xinh đẹp sang các nước châu Âu lấy chồng đại gia. Hoặc con gái Việt Nam sang Đài Loan theo diện kết hôn để định cư bên này kiếm tiền. Vợ chồng mình đến với nhau vì tình yêu, cũng trải qua đủ khó khăn, ngăn cấm của gia đình ấy. Mà không được hạnh phúc toàn màu hồng như thiên hạ nghĩ cứ đi nước ngoài lấy chồng là có tiền, là sướng đâu. Mình với chồng cũng bình thường như bao cặp vợ chồng khác thôi, thậm chí còn cãi nhau suốt” (cười).
Chuyện tình cảm của cả hai cũng trải qua không ít sóng gió. Nguyên nhân được Vân chia sẻ rằng, bố mẹ cô vốn không xác định cho con gái lấy chồng xa, đặc biệt là chồng Đài Loan.
"Ngày mình thông báo với bố mẹ mình yêu và muốn lấy anh Shu Hao, mẹ mình gọi sang nói rất nhiều. Mẹ bảo ngay từ ban đầu xác định để mình sang bên này mẹ đã không muốn vì chỉ có mình là con gái. Nhưng ngày đó tính cách mình ngang bướng lắm, cứ nhất định đi để kiếm tiền, lại nói ghét lấy chồng nước ngoài nên bố mẹ mới để cho mình đi.
Mẹ sợ mình yêu anh ấy khác biệt văn hóa sẽ khổ, sợ nhà chồng coi thường, đối xử không tốt với mình. Và trên hết là mẹ sợ lấy chồng Đài Loan, như một số người, mình sẽ rất ít khi quay trở lại Việt Nam nữa. Bố mẹ mình sợ mất con gái".
Vân cũng kể, ngày đó mẹ Vân rất gay gắt, bà thậm chí còn tuyệt thực mấy ngày không ăn uống gì để bắt cô về nước, với lí do kinh tế gia đình hiện tại đã ổn định hơn.
Vân và mẹ trong lễ cưới ở Việt Nam.
Phía bên nhà chồng cũng không mấy khả quan. Trong khi bố chồng và người thân nhà chồng rất quý cô gái nhỏ nhắn người Việt, thì mẹ chồng Vân lúc bấy giờ lại phản đối ra mặt. Có thể là "vơ đũa cả nắm", nhưng trong mắt một số người dân Đài Loan lúc bấy giờ, phần đông phụ nữ Việt Nam sang đó tiếng tăm không được tốt. Bà sợ Vân cũng giống như một số người Việt Nam xấu tính, "mồi chài" bắt ép con trai bà để được sinh sống ổn định bên này.
"Thực ra mẹ chồng mình là người tốt, mình hiểu mẹ chỉ đang lo lắng con trai mình bị lừa gạt trong tình yêu thôi. Vả lại, mối quan hệ con dâu mẹ chồng có phải dễ dàng mà vẹn tròn đâu. Ở Việt Nam các nàng dâu e dè mẹ chồng thì bên này người Đài Loan họ cũng vậy", Vân tâm sự.
Vân chia sẻ gia đình chồng cũng thuộc dạng khá giả, tuy không có của ăn của để nhưng đôi vợ chồng trẻ cũng đủ trang trải cuộc sống thường ngày. Hiện tại cả hai vẫn đang chú tâm cho công việc và chưa muốn sinh em bé cho dù bố mẹ hai bên rất mong có cháu bế.
Chia sẻ về quá trình yêu và tiến tới hôn nhân. Anh Vân cho biết, chuyện tình của cả hai người mang theo những tình huống dở khóc dở cười.
"Lúc quen nhau là mình làm ở công ty được 3 năm rồi. Nhưng mình làm ca đêm, chồng khi đó làm quản lý ca ngày. Thực ra hồi đó trẻ con lắm. Cũng có nghe mấy chị cùng ca nói có anh quản lý thích mình, nhưng lúc đó mải kiếm tiền, vả lại cũng xác định sang đây chỉ làm ăn chứ không yêu ai nên mình không có để tâm.
Thực ra trước chồng, mình cũng được một vài anh để ý. Vân thậm chí còn từng thề không lấy chồng Đài Loan đó, nhưng vì yêu anh ấy mà mình phản bội lời thề".
Anh Vân cho biết, thực tế chồng cô tính cách khá nhí nhảnh và trẻ con, thường hay làm nũng vợ.
Phân xưởng nơi Vân và Shu Hao làm việc có khoảng 100 nhân sự, phần lớn mọi người đều biết tên nhau. Cô gái Việt Nam khi đó tuy tính cách cũng khá hòa đồng, nhưng vì vẫn không tự tin về ngoại ngữ, phần vì không muốn vướng bận các mối quan hệ khác nên cũng ít giao tiếp với mọi người.
"Có mấy lần mình thấy chồng đi cùng các anh thợ máy đến xem mình làm việc. Họ cứ đứng nói một số câu bản ngữ, như tiếng "lóng" của dân Việt mình ấy, rồi cười. Khi đó mình tức lắm, nhưng vì là nhân viên của anh ấy, anh ấy có quyền giám sát công việc nên phải nhịn. Sau này mới biết lúc đó các anh chị trong phân xưởng trêu anh Hao sao không tỏ tình đi, rồi cười, chỉ có mình là không hiểu gì.
Đến gần Tết Nguyên đán, vì một số mặt hàng phải xuất đi gấp nên công nhân phải thay phiên nhau ở lại làm Tết. Mình phần vì nhà xa lại rảnh rỗi nên nhận trực thay cho các chị đã có gia đình. 27 Tết in lịch trực mới biết làm cùng ca chồng, quản lý. Lúc đó chỉ ấn tượng là ghét ghét do bữa nọ chỉ trỏ mình nên nhớ thôi chứ chưa có yêu đâu. Anh nhà mình thậm chí còn giả vờ không biết tên mình, hỏi tên trước mặt mọi người để mình phải nói nữa.
Ngày 29 Tết, ngày làm việc cuối cùng, cả xưởng chỉ có mình với anh Shu Hao ở lại bàn giao, thống kê sổ sách. Hôm đó ông xã mua nhiều bánh trái mang đến cho mình, nhưng mình không ăn. Lúc ấy mình cũng nhận ra anh Hao rất tâm lý. Phần vì thức đêm nhiều, làm ca mệt mỏi, phần vì sắp Tết mà phải xa gia đình, buồn nhớ nhà, nên ngày hôm đó trông mình uể oải lắm. Anh chồng mình lúc đó chỉ bảo em về kí túc nghỉ đi, anh làm nốt cho. Không hiểu sao lúc ấy mình đi về thật, ngủ một giấc 3 4 tiếng liền rồi vẫn đến xưởng chấm công.
Lúc gần về anh Shu Hao có mừng tuổi mình, nhưng mình không nhận. Nói mãi, anh bảo rằng phong tục Đài Loan cũng kiêng kị như bên Việt Nam, sợ nhất ngày Tết mừng tuổi ai đó mà bị trả lại nên mình nhận vậy. Lúc về kí túc xá, thấy đứa bạn Việt Nam năm đó bán bánh chưng, vẫn còn vài chiếc nên mình mua ủng hộ, nghĩ đem tặng lại anh Hao coi như có qua có lại. Bên này họ ít khi tự gói bánh chưng lắm.
Lúc mình quay lại xưởng đưa tặng anh cái bánh, anh có vẻ cảm động lắm nhưng khi đó mình cũng không hề nghĩ gì. Đến đêm giao thừa, mình lên nhà đứa bạn gái chơi và ở lại đó đến mồng 2, thì có một cuộc điện thoại gọi đến. Người đó giới thiệu là Shu Hao và hỏi có phải Vân không? Mình biết là anh ấy nhưng vẫn báo nhấm số rồi. Anh Hao gọi lại nói anh là người hôm trước mình tặng bánh chưng, muốn nhờ mình mua hộ thêm vài chiếc để nhà ăn Tết mà mình không có ở phòng.
Sau này mình mới biết chồng đã phải năn nỉ anh trưởng nhóm để xin được số điện thoại của mình, thậm chí còn đồng ý đổi ngày phép cho anh ấy. Công nhận chồng mình khi đó gan thật".
Ngày 19/2 năm đó, cả hai chính thức yêu nhau. Anh Vân cho biết, vô cùng cảm động vì sự ân cần, quan tâm của Shu Hao khi đó nên mới nhận lời.
"Chồng mình tốt lắm. Yêu nhau hơn 2 năm cũng có lúc mình chán nản vì gia đình hai bên e ngại khác biệt văn hóa, cùng mẹ chồng lúc đó phản đối rất ghê nên nhiều lúc mình khóc và muốn chia tay. Nhưng rồi những lúc như vậy, chính anh là người động viên mình cùng cố gắng, rằng anh chỉ yêu Vân, anh là người lấy Vân chứ không phải bố mẹ anh. Vậy là cố gắng yêu".
Shu Hao nói anh là người yêu Vân, lấy Vân, chứ không phải bố mẹ anh.
Vân cũng bật cười khi nhớ lại một kỉ niệm hài hước trước đám cưới.
"Mẹ chồng mình bên này cũng mê tín lắm. Ở Việt Nam hay đi chùa, bói toán bao nhiêu thì bên này người dân cũng vậy đó.
Yêu nhau được 2 năm, ngăn cấm giận dỗi đủ kiểu mà bọn mình không bỏ nên Tết năm đó mẹ chồng ra nghị quyết bắt anh Shu Hao nhà mình đưa đi xem bói. Nếu hợp nhau năm nay bà sẽ cưới vợ cho anh, còn không thì cả gia đình không ai được phản đối quyết định của bà nữa.
Đêm trước hôm dẫn mẹ đi xem bói, chồng mình lo lắng lắm. Anh thậm chí còn bàn với mình hay là đến nhà ông thầy trước mẹ, trình bày hoàn cảnh và nhờ ông nói giúp tuổi 2 đứa hợp nhau. Tuy nhiên mình không đồng ý lừa mẹ chồng như vậy, vì Vân nghĩ hôn nhân là do số phận, nếu thực sự ý Trời đã quyết hai đứa mình không hợp thì mình sẽ thôi, để không phải ảnh hưởng đến anh sau này.
Có một sự bất ngờ là, trước đó mẹ chồng mình xem sách, nói tuổi hai đứa không hợp nhau. Mà ông thầy mẹ và chồng đến xem lại nổi tiếng xem tình duyên rất tốt, chỉ nhìn ảnh là biết đôi nào nên duyên hay tan vỡ. Đến lượt chúng mình, vừa nhìn tấm ảnh của mình do mẹ đưa, lại thêm ngày tháng năm sinh, ông thầy cứ khen tấm tắc. Thầy nói bát tự của mình tốt cho chồng, sau này lấy nhau về mình sẽ giúp đỡ anh ấy gặp nhiều may mắn, hơn nữa lại mắn con và rất hiếu thảo với bố mẹ chồng.
Tối đó về mẹ vào buồng suy nghĩ suốt 1 đêm, hôm sau gọi mình đến và bảo chuẩn bị về Việt Nam gặp gỡ thông gia. Suy cho cùng, mình nghĩ không phải mẹ chồng ghét bỏ gì mình đâu. Mà là người mẹ nào cũng thương con cả. Nay có niềm tin rằng mình sẽ yêu thương con trai mẹ và tốt với gia đình chồng nên mẹ đồng ý thôi."
Mẹ chồng, bố chồng của Vân trong lễ cưới tại Hải Dương.
Kết hôn từ tháng 7 năm 2015, Anh Vân cho biết hiện tại cô đang cảm thấy rất hạnh phúc, được bố mẹ chồng yêu thương. Dù nhà chồng muốn con dâu ở nhà nghỉ ngơi, để chồng kiếm tiền là đủ nhưng bản thân Vân vẫn muốn đi làm vì không muốn phụ thuộc chồng về kinh tế. Cuộc sống tuy không hoàn hảo, vợ chồng vẫn có những lúc xích mích với nhau vì những vấn đề nho nhỏ, hay đôi chút khác biệt văn hóa cũng khiến nàng dâu xứ Đài cảm thấy nhớ Việt Nam, nhưng Vân cho rằng, không có ai là hoàn hảo và tình yêu với người chồng Đài Loan là thứ khiến cô không ngừng cố gắng.
"Nếu cuộc sống chỉ toàn những điều tốt đẹp, bạn xinh xắn, lấy được chồng giàu, ngày ngày hưởng thụ và hạnh phúc, mình nghĩ đó là điều tất yếu. Bản thân Vân không dám tự nhận mình giỏi giang, xinh đẹp hay lấy được chồng giàu sang. Vì thực tế cuộc sống của vợ chồng mình bên này cũng chỉ đủ ăn, thậm chí chưa bằng người khác, nhưng mình cảm thấy mình đang hạnh phúc.
Chia sẻ câu chuyện của bản thân, là để các bạn nữ có ý định lấy chồng Đài Loan hiểu được phần nào cuộc sống bên này. Cũng để xóa bớt đi định kiến con gái Việt sang Đài Loan lấy chồng đều là ham giàu, đều thủ đoạn trong mắt nhiều người.
Cuộc sống ở đâu cũng sẽ có những khó khăn, cách mà hai người đối mặt và trân trọng nhau mới quyết định nên hạnh phúc của một gia đình". Anh Vân cho biết.
Thanh Nhàn
Theo Vietnamnet