Đêm 12/9, "bà hỏa" xuất hiện tại tòa nhà dạng chung cư mini ở ngách 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm cả 9 tầng, bao vây 45 căn hộ với khoảng 150 người sinh sống.
56 người tử vong, hàng chục người khác bị thương là hậu quả vô cùng thương tâm của vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng này.
Về nguyên nhân vụ cháy, Công an Hà Nội căn cứ vào kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), xác định là chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực bình ắc quy, thuộc phần đầu xe mô tô sử dụng động cơ xăng.
Dù nhà chức trách công khai nội dung trên, nhiều luồng ý kiến trong dư luận vẫn hoài nghi và đưa ra những nhận định như: Xe xăng ở trạng thái tắt máy không thể cháy; nhân chứng nhìn thấy lửa bắt nguồn từ xe điện...
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên báo Dân Trí đã có cuộc trao đổi với Trung tá Phạm Ngọc Bảo - Phó phòng Giám định kỹ thuật, cháy, nổ Viện Khoa học hình sự, người trực tiếp tham gia khám nghiệm hiện trường vụ cháy trên.
Hiện trường tan hoang nhưng vẫn để lại dấu vết
"Cháy hết rồi thì xác định kiểu gì?", Trung tá Bảo trích lại câu hỏi được bàn luận rất nhiều trên mạng xã hội sau khi cơ quan chức năng công bố nguyên nhân vụ cháy.
"Hiện trường khi đó tan hoang vì bị tác động nhiệt. Nhưng dù có cháy hết, thì dưới con mắt của người có chuyên môn, vẫn sẽ tìm được dấu vết", vị giám định viên trả lời.
Theo Trung tá Bảo, vụ cháy xảy ra vào đêm 12 thì sáng 13/9, anh và một giám định viên khác nhận chỉ đạo của lãnh đạo Viện Khoa học hình sự xuống hiện trường hỗ trợ Công an TP Hà Nội tham gia hoạt động khám nghiệm, giám định hiện trường.
Trung tá Phạm Ngọc Bảo.
Chia sẻ về "đặc thù" của giám định nguyên nhân cháy, Trung tá Bảo cho biết công tác này phải kết hợp 2 hoạt động. Thứ nhất là xác định các dấu vết tồn tại khách quan tại hiện trường. Thứ 2 là giám định những mẫu vật chứng thu được từ hoạt động khám nghiệm hiện trường của cơ quan tiến hành tố tụng.
Căn cứ vào kết quả 2 hoạt động trên, giám định viên mới đưa ra được kết luận về nguyên nhân cháy.
Khi tới hiện trường, anh Bảo và đồng nghiệp tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, theo trình tự: Quan sát dấu vết tổng thể - đánh giá chiều hướng tác động nhiệt - tìm, xác định, khoanh vùng cháy đầu tiên - tìm điểm xuất phát cháy.
Hiện trường vụ cháy.
Qua quan sát từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, các giám định viên xác định vụ cháy tại phố Khương Hạ bắt nguồn từ tầng một của tòa nhà. Nhiệm vụ khoanh vùng cháy sẽ tập trung tại khu vực này.
Theo Trung tá Bảo, tầng một của tòa nhà có khoảng 81 phương tiện, gồm xe máy, xe điện và xe đạp. Các xe được xếp sát nhau, ngăn nắp.
Những thông tin ban đầu mà anh Bảo và đồng nghiệp tiếp nhận được khi đó là vụ cháy xuất phát ở khu vực lắp đặt bảng điện, công tơ điện và từ một xe máy điện để gần đó.
Những dấu vết "biết nói"
Giải thích với phóng viên, anh Bảo cho biết các dấu vết tại hiện trường tồn tại khách quan dưới tác động ngọn lửa và nhiệt của đám cháy. Các dấu vết này sẽ phản ánh quá trình cháy trên từng loại chất liệu, vật liệu có tại hiện trường.
Tại tầng một tòa chung cư mini trên, giám định viên tìm thấy các dấu vết muội đen, dấu vết bong tróc phồng rộp ở trần nhà, sàn, tường; dấu vết cong vênh biến dạng, thay đổi màu sắc, nóng chảy của các vật cháy...
Tư liệu về hiện trường vụ cháy của Trung tá Bảo.
"Ở trên tường, dưới sự tác động của nhiệt sẽ có cơ chế hình thành của sự bong tróc. Bởi, giữa bề mặt tường và gạch sẽ tồn tại những ô khí nhỏ giữa 2 bề mặt. Khi gặp nóng, khí sẽ giãn nở ra, gây bong tróc.
Còn về các dấu vết muội đen, điều kiện để muội đen bám trên bề mặt vật liệu là khi nhiệt độ khói cao hơn nhiều so với bề mặt hình thành dấu vết, còn khi nhiệt độ đám cháy gần cân bằng với bề mặt thì sẽ không hình thành dấu vết muội đen (Thời điểm bắt đầu cháy, nền nhà, tường, sàn sẽ nguội nên bám muội đen, còn khi đã cháy được khoảng thời gian, các bề mặt nóng lên bằng nhiệt độ lửa sẽ không ám muội)", Trung tá Bảo nói.
Dấu vết tại hiện trường.
Dựa vào cơ chế hình thành trên, anh Bảo và đồng nghiệp xác định, khoanh vùng được nơi xảy ra cháy đầu tiên - khu vực giáp tường phía nam, cách tường phía đông khoảng 2,3m thuộc tầng một bên trong khu nhà ở nhiều căn hộ - nơi lắp đặt bảng điện, công tơ điện.
Xe xăng tắt máy có tự cháy được không?
Trước những đồn đoán về nguyên nhân cháy do xe điện, Trung tá Bảo đã miêu tả lại khu vực xuất phát cháy.
Theo anh Bảo, thực tế có một xe điện đỗ gần nơi khởi phát ngọn lửa. Tuy nhiên, 4 cục ắc quy (pin) của chiếc xe này vẫn còn nguyên và chỉ bị lửa tác động từ ngoài vào.
"Nếu nguồn cháy từ bên trong, vật sẽ cháy rụi, còn cháy từ bên ngoài, các dấu vết sẽ thể hiện tác động từ ngoài vào", Trung tá Bảo giải thích.
Trung tá Bảo chỉ chiếc ắc quy bị chập mạch điện dẫn đến cháy.
Trong khi đó, ở khu vực xuất phát cháy, các giám định viên phát hiện những dấu vết nóng chảy tại các chi tiết hợp kim nhôm của giảm xóc, dấu vết biến đổi màu sắc... trên một xe máy xăng.
"Bình ắc quy đã cháy tan tành", Trung tá Bảo nói về chiếc xe trên và cho biết, khi so sánh với những xe máy khác, bình ắc quy của những phương tiện này vẫn còn, chỉ bị cháy phần bên ngoài.
Khám nghiệm chi tiết hơn, anh Bảo phát hiện những dấu hiệu nhiệt theo chiều từ khu vực đặt bình ắc quy xuống hệ thống giảm xóc của xe. Bên cạnh đó, vị giám định viên tìm thấy các dấu vết nóng chảy, vón cục của dây điện nối tới khu vực bình ắc quy của xe nghi vấn.
Sau khi thu thập, những mẫu vật chứng tại hiện trường được đưa về cơ quan giám định.
7 ngày sau vụ cháy, kết luận của cơ quan chuyên môn khẳng định nguyên nhân cháy là "chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực bình ắc quy thuộc phần đầu xe mô tô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga) gây cháy, sau đó cháy lan vào khu vực cáp điện, các hộp công tơ điện gắn trên tường phía nam tầng một và cháy lan ra xung quanh".
Tòa nhà nơi xảy ra vụ cháy.
Trung tá Phạm Ngọc Bảo giải thích, ắc quy xe máy luôn có điện. Đầu ra của ắc quy là những đường dây nối tới cầu chì, các bộ phận, thiết bị tiêu thụ điện.
Trong quá trình sử dụng, ắc quy sẽ dễ bị xóc, cọ sát, va chạm làm lỏng các ốc ở đầu cực, kết hợp với đặc điểm thời tiết nóng ẩm tại Việt Nam dẫn đến dễ bị ôxy hóa đầu cực, vỏ dây cách điện.
"Khi đó, dây điện hoặc đầu cực cọ sát vào thành, khung ắc quy có thể gây chập mạch điện", vị giám định viên đưa ra nhận định, đồng thời chỉ ra nhiều vụ cháy khác cũng bắt nguồn từ ắc quy một chiếc xe xăng đang ở trạng thái tắt máy, như vụ hỏa hoạn làm 5 người tử vong tại tập thể Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) hồi tháng 4/2022.
Đưa ra khuyến cáo, Phó phòng Giám định kỹ thuật, cháy, nổ Viện Khoa học hình sự đề nghị người dân cần thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra xe cộ, thay vì thói quen "hỏng mới đi sửa".
Theo Dân Trí