Cứ đến hẹn lại lên, mỗi năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, hội chị em khéo tay hay làm lại tất bật trong căn bếp để chuẩn bị mâm cỗ cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Khác với trước kia, mâm cỗ cúng Táo Quân hiện không còn quá cầu kỳ nhưng vẫn đủ trang trọng, có phần sáng tạo để bữa ăn không còn nhàm chán.

Sau khi chuẩn bị mâm cỗ tươm tất, hội chị em đã kịp lưu lại hình ảnh mâm cỗ của mình rồi chia sẻ lên mạng xã hội. Hầu hết các mâm cỗ đều đẹp mắt, rực rỡ sắc màu khiến dân tình không khỏi trầm trồ, thán phục.

Hậu ông Công ông Táo, chị em đua nhau khoe mâm cơm cúng quá đỉnh-1
Bởi sống ở Hải Phòng nên mâm cơm cúng nhà chị Dung Đào không thể nào thiếu nem hải sản. Để đĩa nem trông hút mắt, chị dùng tương cà tạo hình cành đào kèm vài hoa cà rốt tỉa. Món xôi gấc có tạo hình cá chép được mẹ đảm cẩn thận lựa chọn từ loại gạo nếp cái hoa vàng thơm dẻo. Với 10k đỗ xanh, 1 ít bột sắn dây, đường phèn và nước cốt dừa, chị làm nên những bát chè hoa mai thơm phức. Ngoài ra, mâm cỗ còn có canh xương hầm măng lưỡi lợn cùng tôm hấp đỏ tươi.

Hậu ông Công ông Táo, chị em đua nhau khoe mâm cơm cúng quá đỉnh-2
Tương tự nhà chị Thanh Huyền, chị Tô Hưng Giang (Hà Nội) năm nào cũng tự tay sắp sửa một mâm cỗ đầy đủ để tiễn ông Công ông Táo về trời. Là người cầu toàn nên các món ăn do chị làm lúc nào cũng phải trông rực rỡ, ấn tượng. "Chúng con làm mâm cơm với tấm lòng thành kính biết ơn và xin được tiễn chư ngài về trời", chị bày tỏ.

Hậu ông Công ông Táo, chị em đua nhau khoe mâm cơm cúng quá đỉnh-3
Bên cạnh những món truyền thống như nem rán, canh mọc... chị Huyền Hoàng (Hà Nội) khéo léo biến tấu gà luộc trở thành món quay vàng giòn. Ngoài ra còn có lườn ngỗng hun khói, khoai tây chiên hay bánh bao hấp lạ miệng. Cách bài trí đơn giản nhưng nhờ màu sắc của món ăn cùng bộ bát đĩa gốm sứ tinh tế đã khiến mâm cỗ hấp dẫn khó ngờ.

Hậu ông Công ông Táo, chị em đua nhau khoe mâm cơm cúng quá đỉnh-4
Khác với những năm trước, năm nay chị Trang Trần (Bắc Ninh) đã dậy từ 5h sáng để bị mâm cơm cúng ông Công ông Táo. Với quan điểm món ăn không chỉ ngon miệng mà còn đẹp mắt, chị đã chuẩn bị các món từ truyền thống đến hiện tại, gồm: Xúc xích và nem chua rán- Giò lụa - Rau củ luộc - Canh bóng Long Vân - Xôi cá chép và "đặc sản quê hương" bánh phu thê kèm trái cây tươi. Sau khi hoàn thành, chị nhận được lời khen ngợi từ bố chồng.

Hậu ông Công ông Táo, chị em đua nhau khoe mâm cơm cúng quá đỉnh-5
 Chị Thanh Huyền Nguyễn (Hà Nội) khéo léo chuẩn bị 9 món mặn và 1 món tráng miệng, gồm: Thạch rau câu tạo hình cá chép - Canh nấm linh chi - Gà ủ muối hoa tiêu và xông khói - Chả phượng - Viên thả lẩu - Salad Nga - Nấm kim châm chiên giòn - Tôm hấp - Rau cải chíp - "Bộ 3" xôi gấc, xôi xéo và xôi trắng. Cách trang trí tinh tế là vậy nhưng chị Huyền chỉ mất khoảng 3 tiếng hoàn thành với chi phí chỉ 500k mà thôi.

Hậu ông Công ông Táo, chị em đua nhau khoe mâm cơm cúng quá đỉnh-6
Không chỉ có các mẹ đảm, cô nàng độc thân Đào Quỳnh Nga (Hà Nội) cũng tranh thủ ngày này trổ tài vào bếp để tự tin "chống lầy". Mâm cỗ nhà Quỳnh Nga gồm 9 món: Canh miến nấm mọc - Chả mỡ - Súp lơ luộc - Bò xào rau củ - Bánh chưng - Khoai lang chiên - Salad dầu dấm - Đùi gà chiên xù - Hành muối. Để có thể hoàn thành tươm tất, Quỳnh Nga đã đi chợ từ sáng mua nguyên liệu rồi về chế biến.

Hậu ông Công ông Táo, chị em đua nhau khoe mâm cơm cúng quá đỉnh-7
 Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, chị Vũ Thanh Hoa (Hà Nội) lại chuẩn bị một mâm cơm cúng chỉn chu để báo cáo với Thần linh, gia tiên và đặc biệt là các vị Táo Quân về một năm đã qua. Năm nay, chị đã chuẩn bị 9 món: Canh măng nấu móng giò - Giò xào - Nem hải sản - Bóng xào thập cẩm bào ngư - Bánh chưng - Gà nướng Tây Bắc - Bánh màn thầu - Xôi gấc hình cá chép - Hành muối. Chị Hoan bày trí đơn giản, sang trọng.

Hậu ông Công ông Táo, chị em đua nhau khoe mâm cơm cúng quá đỉnh-8
 Bởi 23 tháng Chạp rơi vào ngày thường nên chị Bùi Trang (Sài Gòn) đã tranh thủ dậy từ 5h30 sáng để chuẩn bị nguyên liệu cũng như chế biến. Chị chia sẻ, "công tác" nấu xôi đậu biếc, hấp tôm và bày biện trái cây vừa kịp tới 7h30 để yên tâm đi làm. Chị hy vọng với sự chuẩn bị đơn giản nhưng vẫn tươm tất này sẽ được ơn trên ghi nhận để năm mới căn bếp gia đình luôn ấm lửa, no đủ và bình an.

Hậu ông Công ông Táo, chị em đua nhau khoe mâm cơm cúng quá đỉnh-9
 Mâm cỗ đậm chất vị xưa của gia đình chị Đào Hạnh (Hà Nội) với 7 món: Tôm hấp - Canh bóng thậm cẩm - Rau củ luộc - Bò xào ớt chuông - Xôi gấc cá chép - Nem rán - Gà luộc - Trái cây. Các món quen thuộc nhưng nhờ cách trang trí mà trở nên mới lạ không ngờ khiến dân tình bày tỏ: "Nhìn đã đủ yêu thương chứ sao nỡ ăn".

Hậu ông Công ông Táo, chị em đua nhau khoe mâm cơm cúng quá đỉnh-10
Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chị Thiên Cầm (Hà Nội) được nghỉ Tết sớm. Chị đã tranh thủ ra chợ sắm ngay một bộ bát đĩa men lam kiểu xưa cũ để về bày biện thức ăn sao cho ấn tượng. Mâm cơm cúng mùa dịch nhà chị gồm mặn và chay. Mâm mặn gồm 9 món đặc sắc thì món chay chỉ gồm: Bánh trôi nước - Xôi tam sắc và trái cây tươi.

Hậu ông Công ông Táo, chị em đua nhau khoe mâm cơm cúng quá đỉnh-11
 Góp vui cùng các chị em đó là mâm cỗ tiễn Táo Quân về trời của nhà chị Hà Anh (Hưng Yên) với đầy đủ các món truyền thống như canh măng, gà luộc, tôm hấp... được trình bày công phu. Ngoài ra, 3 chú cá chép giúp đưa ông Táo về trời là điều nổi bật trong tục lễ ngày 23 tháng Chạp ở nhà mẹ đảm này. 

Dĩnh Anh 
Theo Vietnamnet