Quấy rối tình dục (QRTD) là một trong những vấn đề xảy ra rất thường xuyên trong xã hội không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, đặc biệt với giới nghệ sĩ.

Nhiều người, kể cả khán giả nữ có hành động sờ soạng nghệ sĩ khi họ đang biểu diễn hoặc đưa ra bình luận đùa cợt về cơ thể người nghệ sĩ mà không nhận thức rằng đó cũng là quấy rối tình dục. Nghệ sĩ nữ hay nam cũng đều có thể bị tổn thương cơ thể lẫn tinh thần vì những hành động quấy rối đó.

Không có sự khác biệt về quy định giữa quấy rối người nam và người nữ

Gần đây, Wren Evans bị khán giả nữ thò tay tháo thắt lưng khi biểu diễn trong một sự kiện. Trước đó, MONO, HIEUTHUHAI hay nhiều ca sĩ, diễn viên khác bị khán giả nữ chạm vào cơ thể.

Tình trạng quấy rối càng nghiêm trọng ở Hàn Quốc khi văn hóa thần tượng phát triển. Fan cuồng thậm chí đột nhập vào nhà riêng hoặc nhà vệ sinh để gặp thần tượng. Họ cũng yêu cầu thần tượng phải nắm tay, có cử chỉ thân mật trong các sự kiện ký tặng.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty luật TNHH TGS (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nhận định hành vi quấy rối này có thể được thể hiện dưới những dạng khác nhau như hành động (có tính chất đụng chạm: sờ soạng, sàm sỡ, vuốt ve, ôm ấp…) hoặc bằng lời nói (bao gồm các nhận xét với ngụ ý về tình dục, những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ…).

Hành vi quấy rối cũng có thể thể hiện bằng hành vi phi lời nói (gồm các cử chỉ, biểu hiện không đúng đắn, ngôn ngữ cơ thể kiểu khiêu khích, cái nhìn gợi tình…) nhằm mục đích tình dục và trái với mong muốn của đối tượng đích.

Hiện nay, tại Việt Nam, khái niệm về QRTD mới chỉ được quy định cụ thể trong Bộ luật Lao động năm 2019 về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động (Khoản 3, Điều 8) và quy định cụ thể hơn đối với hành vi QRTD tại Khoản 9 Điều 3.

Theo đó, “quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động”.

Như vậy, hành động sờ soạng hay bình luận khiếm nhã mang xu hướng tình dục giới nghệ sĩ cũng có thể được xem như quấy rối tình dục.

Hậu quả nghiêm trọng khi khán giả nữ quấy rối nghệ sĩ nam ở showbiz Việt-1Hậu quả nghiêm trọng khi khán giả nữ quấy rối nghệ sĩ nam ở showbiz Việt-2
MONO, HIEUTHUHAI và nhiều nghệ sĩ nam ở cả Việt Nam lẫn thế giới bị quấy rối khi đi diễn hoặc trên mạng xã hội.

Đặc biệt, luật sư chỉ ra vì quấy rối tình dục được thể hiện dưới dạng lời nói hoặc hành động. Do vậy, chỉ cần có hành vi này thì người thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định.

Pháp luật hiện hành không có quy định về đối tượng chịu tác động của hành vi quấy rối tình dục bắt buộc phải là nam hay nữ.

Thực tiễn cho thấy hiện nay, cả nam giới và phụ nữ đều có thể là đối tượng bị quấy rối tình dục và pháp luật thực định chỉ quy định việc truy cứu trách nhiệm pháp lý trên cơ sở hành vi mà không phụ thuộc vào đối tượng chịu tác động. Do vậy, không có sự khác biệt về quy định giữa quấy rối người nam và người nữ.

Đồng nghĩa, đối tượng quấy rối và bị quấy rối là nam hay nữ thì người thực hiện hành vi sai trái cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hành vi quấy rối tình dục có thể chịu mức phạt lên tới 50 triệu đồng

Trước câu hỏi, mức xử phạt cho hành vi quấy rối như thế nào, luật sư cho biết QRTD tại nơi công cộng hay nơi làm việc đều là những hành vi vi phạm pháp luật, đáng bị lên án và phải chịu những biện pháp xử phạt hành chính.

Căn cứ quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, đối với hành vi QRTD tùy mức độ hành vi mà bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đồng đến 8 triệu đồng và buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là xin lỗi công khai, trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu.

Đối với hành vi QRTD tại nơi làm việc, Khoản 3 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định “Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, hành vi QRTD tại nơi làm việc bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, trong quá trình làm việc mà người lao động bị “quấy tối tình dục” thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước.

Hậu quả nghiêm trọng khi khán giả nữ quấy rối nghệ sĩ nam ở showbiz Việt-3
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn nhận định hành vi quấy rối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy tính chất nghiêm trọng của sự việc.

Đối với hành vi quấy rối tình dục bằng hình ảnh trên mạng xã hội, điểm g Khoản 3 và điểm b Khoản 4 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định, người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hành chính như sau:

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Tùy theo mức độ nghiêm trọng mà hành vi quấy rối, làm phiền người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Theo Tiền Phong