Học tập sự bao dung từ khán giả Mỹ

Người Mỹ, đứng trên đỉnh của quyền lực và giàu có, sống trong thế giới vật chất, vẫn vô cùng bao dung và người yêu người. Họ yêu những ca sĩ hát quốc ca nước họ, dù có thể ít ai trong số đó trọn vẹn như điều họ mong muốn.

Nhắc tới quốc ca Mỹ là nhắc tới Whitney Houston, người đầu tiên tạo nên tượng đài khi biến nó thành một đẳng cấp đầy học thuật mà lại công phá thị trường âm nhạc một cách mãnh liệt nhất từ màn trình diễn năm 1991 tại giải Super Bowl. Nhờ có Whitney, quốc ca Mỹ đã đạt được vô số kỉ lục và có sức phổ biến rộng rãi nhất trong tất cả các bài quốc ca trên thế giới.

Whtiney hát quốc ca năm 1991

Nhưng ít ai biết rằng, để có được màn trình diễn chuẩn mực năm 1991, Whitney đã từng trải qua một màn trình diễn không mấy thành công vào năm 1988.

Màn trình diễn năm 1988

Khi đó, cô hát cao thanh quản, nhiều đoạn lên cao strain và nhiều lúc phải nghỉ lấy hơi vì chưa quen bài hát. 

Nếu so sánh, có thể thấy, ở lần đầu trình diễn quốc ca này, Whitney làm chưa được tốt và không hay như năm 1991. 

Nhưng hãy để ý thái độ của khán giả lúc đó mà xem. Họ vẫn vỗ tay rào rào để tán thưởng Whitney và tỏ thái độ ngưỡng mộ, vì biết rằng cô đã cố gắng rất nhiều. Và Whitney cũng rất hạnh phúc khi hát xong vì nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ phía khán giả. 

Chính điều này đã tạo động lực, tiếp thêm sức mạnh cho Whitney phấn đấu rèn luyện bản thân tốt hơn nữa, để tạo nên kiệt tác vào năm 1991.

Đến năm 1999, Whitney được mời hát quốc ca trong tình trạng ốm yếu, mất giọng hoàn toàn do nghiện ngập. 

Whitney hát quốc ca năm 1999

Cô hát quốc ca với giọng hát khàn đục, không còn giữ được những note cao lộng lẫy, vỡ giọng liên tục. 

Ấy vậy mà, khán giả vẫn dõi ánh mắt theo cô đầy tự hào trong từng câu hát và vỗ tay rầm rộ khi cô hát xong. Những đứa trẻ non nớt khi nghe xong còn nhảy múa hân hoan vui sướng. Chẳng một lời chê trách, chẳng một lời mỉa mai.

Trong số các ca sĩ Mỹ thì Christina Aguilera được mời hát quốc ca khá nhiều lần. 

Điều lạ kì là, Christina chưa bao giờ hát quốc ca theo đúng chuẩn, tức là phải hào hùng, lồng lộng. 


Cô lúc nào cũng vậy, tự biên tự diễn quốc ca theo phong cách, gu nhạc cá nhân của chính mình, biến nó thành Xtina style đậm đặc. Lúc thì cô luyến láy cao thấp đến chóng mặt, lúc lại giật giọng, chạy note điên đảo, có lúc còn gào thét hoang dại, quằn quại đến dữ dội.


Thế rồi sao? Cũng có một số ý kiến chê bai Christina. Nhưng cô vẫn liên tiếp được mời hát quốc ca trước đông đảo người xem.


Và hãy để ý, khán giả nghe trực tiếp vẫn tỏ ra nghiêm trang, lòng đầy tự hào khi Christina hát. Họ thậm chí còn reo lên mỗi khi cô nhảy lên note cao để phô diễn giọng hát.


Mariah Carey thì bỏ toàn bộ tính hùng tráng để phiêu quốc ca như một bản tình ca “I love you, my man”, không quên chèn thêm cú whistle quãng 6 cao vút. 

Kết quả, cô vẫn được khen ngợi nồng nhiệt và được mời hát thêm vài lần nữa.

Bằng một cách nào đó, khán giả Mỹ luôn kết nối được với ca sĩ để cảm nhận họ, dù ca sĩ đó hát quốc ca theo cách nào chăng nữa. 

Và nếu ca sĩ hát hỏng hay hát không trọn vẹn, họ vẫn mở lòng đón nhận ca sĩ. 

Người Mỹ yêu quốc ca khi nó được vang lên, dưới bất kì hình thức nào, chứ không phải chỉ trưng nó trong viện bảo tàng với lớp áo hào nhoáng. 

Giống như một đứa con dù đẹp hay xấu, khỏe mạnh hay ốm yếu vẫn luôn được cha mẹ yêu thương chứ không phải đẻ ra con đẹp thì giữ, con xấu thì vứt bỏ.

Truyền thống của người Việt

Người ta nói đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại. Bản thân Mỹ Linh đã lên tiếng nhận sai sót khi hát quốc ca vì bắt tone thấp. 


Nếu được, khán giả nên ủng hộ Mỹ Linh đầu tư nghiêm túc để hát quốc ca thêm nhiều lần nữa. Giống như những gì khán giả Mỹ từng làm với Whitney Houston. 


Diva hay nhân tài trưởng thành, tạo nên được kì tích cũng phần lớn nhờ thái độ của quần chúng. Đó là lí giải cho việc vì sao nước Mỹ lại giàu có, nhiều con người vĩ đại đến thế, còn Việt Nam cứ mãi nghèo, tụt hậu, con người bị vùi dập không thương tiếc.

Đức Long
Theo Vietnamnet