Đã hơn 100 năm trôi qua kể từ sau thảm họa tàu Titanic nhấn chìm hơn 1.500 người nhưng ám ảnh về vụ tai nạn nghiêm trọng nhất ngành hàng hải vẫn chưa bao giờ nguôi, nhất là với những nạn nhân may mắn sống sót trong đêm 14/4/1912 kinh hoàng ấy.
Cuộc sống của họ sau đó ra sao?
Mới đây, tạp chí Bright Side đã tổng hợp câu chuyện về một số người sống sót sau thảm họa Titanic, trong đó có 2 em bé bị chính người cha bắt cóc và đã ở trên con tàu Titanic hướng đến Mỹ.
Số phận ly kỳ của 2 em bé mồ côi trên còn tàu Titanic
Tháng 4/1912, hai anh em Michel Navratil (3 tuổi) và Edmond Navratil (2 tuổi) cùng cha mình, ông Michel (cùng tên với con trai lớn) trên con tàu Titanic trong lộ trình tới Mỹ. Ông Michel là một thợ may người Slovakia sống ở Nice, Pháp ly thân với vợ trước đó và 2 đứa bé sống cùng mẹ. Nhân dịp lễ Phục Sinh, hai đứa trẻ được đưa tới thăm cha và đã bị chính cha mình dàn dựng chuyện bắt cóc để đưa chúng tới Mỹ.
Hai bé trai Michel (bên phải) và Edmond Navratil (bên trái) (Ảnh: EAST NEWS)
Ông Michel đã đặt 3 vé hạng sang, dưới tên giả là người đàn ông góa vợ Hoffman cùng hai con Louis và Lolo, tới Mỹ nhằm làm lại cuộc sống mới. Nhưng không may, thảm họa đã xảy đến với con tàu Titanic.
Trong lúc "ngàn cân treo sợi tóc", Michel đã gửi được 2 đứa bé vào phao cứu sinh. Nhờ vậy Michel và Edmond sống sót trong vụ chìm tàu nổi tiếng.
Khi được đưa lên bờ, bởi còn quá nhỏ lại không có ai nhận là cha mẹ nên 2 đứa trẻ đã được một vị khách là Margarets Hays nhận bảo trợ cho tới khi người nhà tới nhận. Thời điểm sau đó, hình ảnh của Michel và Edmond ngập tràn trên các mặt báo. Giữa tháng 5/1912, mẹ của 2 đứa bé đã tới nhận lại con mình.
Lớn lên, Michel trở thành giáo sư tâm lý và kết hôn với bạn học. Ông sống phần đời còn lại ở Montpellier, Pháp và qua đời ở tuổi 92. Còn người em Edmond trở thành một kiến trúc sư, nhưng sau đó gia nhập vào quân đội Pháp trong thế chiến 2.
Edmond qua đời khi còn trẻ, ở tuổi 43.
Người phụ nữ "không thể chìm" và viện bảo tàng "hồi ức Titanic"
Margaret Brown, một trong số các nạn nhân may mắn sống sót trong thảm họa Titanic được mệnh danh là "người phụ nữ không thể chìm". Sinh năm 1867, là một nhà từ thiện và nhà hoạt động xã hội người Mỹ, Margaret kết hôn cùng một người chồng giàu có và sống trong nhung lụa.
Margaret Brown, một nạn nhân may mắn sống sót trong vụ chìm tàu Titanic (Ảnh: Wikipedia)
Vừa là nhân chứng lại vừa là nạn nhân sống sót trong vụ chìm tàu lịch sử, Margaret đã trở nên nổi tiếng. Câu chuyện của người phụ nữ này cũng trở thành đề tài cho bộ phim mang tên The Unsinkable Molly Brown (tạm dịch: Bà Molly Brown không thể chìm). Mặc dù tên thật của Margaret Brown không có chữ "Molly", nhưng người ta vẫn nhớ đến bà là Molly Brown từ sau bộ phim đó.
Tuy bộ phim có nhiều chi tiết hư cấu về bà Brown nhưng sự thực, Margaret Brown là người đã đứng trên boong tàu và chứng kiến cảnh tảng băng trôi va vào thân tàu.
Khi vụ tai nạn xảy ra, Margaret được đưa lên xuồng cứu hộ số 6 và lênh đênh suốt một đêm trên biển cùng nhiều người trước khi được tàu Carpathia cứu. Bà cũng chính là người đã yêu cầu xuồng cứu hộ này phải quay trở lại nơi xảy ra tai nạn để cứu thêm các nạn nhân, tuy nhiên chưa rõ họ có cứu thêm được ai nữa không.
Sống sót sau thảm họa chìm tàu Titanic, Margaret Brown sau đó thành lập một quỹ quyên tiền từ những người giàu có để giúp đỡ các nạn nhân Titanic. Không dừng lại ở đó, bà còn dựng nên một viện bảo tàng nhỏ ngay tại quê hương Denver để trưng bày các kỷ vật liên quan đến sự kiện Titanic.
Năm 1932, Margaret qua đời ở New York vì bệnh ung thư.
Một góc trưng bày kỷ vật Titanic trong bảo tàng của Margaret tại quê nhà ở Denver (Ảnh: Internet)
Người phụ nữ sống sót trong 3 thảm họa chìm tàu
Được mệnh danh là "Miss Unsinkable" (tạm dịch là "Quý bà không thể chìm"), trường hợp của Violet Jessop được coi là có 1-0-2 trong lịch sử. Bà là người sống sót trong cả 3 vụ chìm tàu nổi tiếng của hãng White Star Line (Olympic, Titanic và Britannic). Violet là nhân viên phục vụ trên cả 3 con tàu và đều thoát chết trong gang tấc sau cả 3 vụ tai nạn tàu.
Ngày 10/9/1911, Olympic va chạm với tàu chiến Anh HMS Hawke ngoài Đảo Wight. Con tàu bị hư hại và được mang trở lại Belfast để sửa chữa. Ở thời điểm đó, hãng phải tạm ngừng công đoạn hoàn thiện tàu Titanic để ưu tiên chỗ cho Olympic. Một chân vịt của Titanic cũng được sử dụng thay thế vào tàu Olympic.
Chân dung Violet Jessop, người may mắn thoát chết trong 3 vụ tai nạn tàu (Ảnh: Internet)
Tháng 4/1912, Titanic thực hiện chuyến vượt biển đầu tiên và cũng là chuyến đi cuối cùng khi đâm vào một tảng băng trôi, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng. Khi con tàu đâm vào tảng băng và từ từ chìm xuống, Violet đang ngủ trong phòng. Tiếng đâm mạnh cùng với tiếng người hoảng hốt kêu la đã khiến bà tỉnh giấc. Ngay sau đó, người phụ nữ này đã nhanh chân chạy lên, hòa cùng dòng người tìm thuyền cứu hộ.
Năm 1914, Britannic được hạ thủy và thực hiện chuyến đi đầu tiên vào năm 1915. Đây là con tàu to nhất trong bộ 3 con tàu mà hãng White Star Line đã hy vọng sẽ thay thế được con tàu Titanic. Tuy nhiên, số phận của Britannic không khác gì "người anh em" của nó.
Ngày 21/11/1916, Britannic phát nổ ngoài khơi đảo Kea, Hy Lạp, khiến 30 người tử vong, nhưng Violet vẫn may mắn sống sót nhờ nhanh trí nhảy xuống biển. Bà được một thuyền cứu hộ cứu sống kịp thời.
Sau 5 lần 7 lượt thoát chết trong gang tấc, Violet tiếp tục theo đuổi công việc yêu thích là phục vụ trên tàu tới khi bà 60 tuổi. 84 tuổi, bà qua đời do bệnh tim.
Nữ diễn viên Mỹ sống sót trong thảm họa
Là một nữ diễn viên Mỹ chuyên đóng phim câm, Dorothy Gibson bước lên con tàu định mệnh ấy và may mắn sống sót trong thảm họa. Tháng 5/1912, chỉ 1 tháng sau vụ tai nạn, bà cho ra mắt bộ phim đầu tiên về con tàu Titanic, do chính bà viết kịch bản và thủ vai nữ chính mang tên Saved From the Titanic (tạm dịch là Giải cứu khỏi tàu Titanic).
Bộ phim nhanh chóng đạt được thành công vang dội, nhưng sau này bị lu mờ bởi bộ phim Titanic sản xuất năm 1997. Ngày nay, không còn ai nhớ tới bộ phim đầu tiên về thảm họa Titanic cũng như tên tuổi của diễn viên Dorothy Gibson nữa.
Dorothy Gibson, nữ diễn viên Mỹ đã có mặt trên chuyến tàu định mệnh (Ảnh: Internet)
Năm 1928, Dorothy Gibson chuyển đến Paris sống và dành toàn bộ phần đời của mình ở đó. Năm 1946, bà qua đời vì bệnh tim.
Huyền thoại tennis sống sót kì diệu trong vụ tai nạn Titanic
Richard Norris Williams, tay vợt tennis gốc Thụy Sĩ nổi tiếng của làng thể thao Mỹ đã có mặt trên con tàu Titanic năm 1912. Khi ấy, Richard đang phấn đấu cho sự nghiệp quần vợt của mình. Ông có mặt trên tàu cùng cha thẳng tới Mỹ để sẵn sàng cho việc thi đấu trong đội tennis của trường ĐH Harvard tại giải Ivy League.
Lúc con tàu gặp nạn, Richard đã bám vào phao cứu sinh, cố gắng vượt qua nỗi hoảng sợ và đau đớn khi cha ông bị chiếc chân vịt khổng lồ nghiền nát khi nhảy xuống nước. Thời điểm đó, chân của Richard bị tê cóng vì lạnh và gần như mất hết cảm giác. Ông đã phải lê từng bước suốt hàng giờ đồng hồ trên sàn tàu cứu hộ để hy vọng khôi phục lại cảm giác cho đôi chân. Và sức mạnh tinh thần cũng như ý chí của Richard đã giúp ông chiến thắng.
Chân dung Richard Norris Williams, tay vợt huyền thoại của Mỹ đã sống sót trong thảm họa Titanic (Ảnh: Wikipedia)
Chỉ vài tháng sau thảm họa Titanic, ông đoạt danh hiệu đôi nam US Nationals rồi tiếp tục giành được nhiều danh hiệu cao quý khác ở các giải Grand Slam trước khi được lưu danh vào ngôi nhà các tay vợt huyền thoại năm 1957.
Năm 1968, ông qua đời ở tuổi 77.
Hai mẹ con thoát chết nhờ linh cảm
Eva Miriam Hart, một trong 700 người may mắn sống sót trong vụ chìm tàu Titanic được nhớ tới là 1 trong những nhân chứng nhỏ tuổi nhất. Năm 1912, khi ấy Eva mới 7 tuổi, bước lên con tàu định mệnh với cha mẹ.
Vào đêm 14/4/1912, họ thao thức không ngủ vì mẹ của Eva bỗng cảm thấy khó chịu, bồn chồn trong người. Eva kể lại: "Đêm đó, mẹ tôi quyết định thức trắng vì bà nói rằng bà cảm thấy bất an, lo lắng".
Khi con tàu gặp nạn, cô gái Eva bé nhỏ được cha quấn trong chăn và đặt vào tay mẹ, rồi đưa 2 người xuống thuyền cứu hộ. Nhờ đó, họ vẫn sống sót nhưng cha cô đã qua đời trong thảm họa ấy. Câu nói cuối cùng của ông để lại cho Eva là: "Cầm tay mẹ con và hãy là một cô bé ngoan!".
Gia đình ông bà Hart và cô con gái nhỏ Eva, 7 tuổi (Ảnh: Internet)
Sau thảm họa, hai mẹ con Eva quay trở về Anh sinh sống. Lớn lên, Eva hoạt động trong Đảng bảo thủ của Anh. Người phụ nữ này đã từng có những chia sẻ chi tiết về vụ tai nạn Titanic với báo giới. Năm 1996, bà qua đời tại nhà riêng ở tuổi 91.
Tháng 4/2014, bức thư của mẹ Eva được bán đấu giá tại Anh với mức giá 100.000 bảng Anh (khoảng hơn 3 tỉ đồng). Bức thư được bà Hart viết chỉ vài giờ sau khi con tàu Titanic chìm xuống đại dương. Theo một số chuyên gia, đây là bức thư duy nhất còn tồn tại sau thảm kịch Titanic.
Trong thư, bà Hart viết: "Các thủy thủ nói rằng con tàu đã có chuyến khởi hành tuyệt vời tính cho tới lúc này. Thậm chí thời tiết cũng ủng hộ họ, chẳng hề có bão tố nào đe dọa. Thời tiết thật đẹp, chỉ có điều gió mạnh và lạnh quá. Chỉ có Chúa mới biết điều gì sẽ xảy ra".
Bà cũng gửi gắm vài lời tới mẹ bà ở quê nhà: "Mỗi khi con nhắm mắt lại, con lại nhìn thấy những gì mình đã bỏ lại ở Anh mà ra đi, con hy vọng mọi người ở nhà đều ổn cả. Hãy để lá thư này là một lá thư viết về những điều tốt lành… Con đã gặp nhiều người thú vị trên chuyến tàu này và cho tới giờ chuyến đi diễn ra thật tuyệt. Nhưng dù sao đây vẫn là những ngày, những đêm dài nhất trong cuộc đời con".
Một đoạn trong bức thư bà Hart viết vài giờ trước khi con tàu Titanic chìm (Ảnh: Internet)
Mộc
Theo Vietnamnet