Hé lộ thêm sự thật gây "sốc" trong vụ bạo hành trẻ nhiễm HIV

Hai trẻ từng sống tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em (NDBTTE) Linh Xuân cùng một cựu trưởng khoa tại trung tâm này vừa hé lộ thêm nhiều tình tiết “giật mình” về nạn bạo hành trẻ nhiễm HIV/AIDS đang gây phẫn nộ dư luận.

Phạt cả tiền trẻ nhiễm HIV?

“Nạn bạo hành đã diễn ra từ lâu rồi, hồi tụi con mới vô trường năm 2006. Đi vệ sinh mà quên đóng nắp bồn cầu tụi con cũng bị tát tai là chuyện bình thường”, em D. - học viên vừa trốn khỏi Trung tâm nói với các phóng viên vào sáng 8/4).

D. vừa bước qua tuổi 19 và chỉ còn 3 tháng nữa là có cơ hội thi tốt nghiệp THPT, nhưng vì không thể tiếp tục sống tại trung tâm nên em đành bỏ trốn. “Em rất muốn được tốt nghiệp lớp 12 nhưng không chịu nổi sự ghét bỏ của nhiều người ở trung tâm”, D. tâm sự.

“Sự ghét bỏ” mà D. đề cập bắt nguồn từ việc em, vốn là học viên nhiều tuổi nhất tại trung tâm, là một trong số những “đầu têu” viết và gửi đơn cầu cứu đến Sở LĐ-TB & XH TP.HCM hồi cuối năm 2014.

Bạn cùng ký tên với D., em T. cũng đã phải bỏ đi sau 9 năm sống tại trung tâm, cho biết các em vừa đối mặt với nạn bạo hành thường xuyên từ lâu vừa “khủng hoảng” với những hình phạt quy ra tiền.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiên-Giám đốc Trung tâm NDBTTE Linh Xuân tiếp nhận quyết định thanh tra hôm 7/4.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiên-Giám đốc Trung tâm NDBTTE Linh Xuân
tiếp nhận quyết định thanh tra hôm 7/4.

“Chỉ vì ủi đồ nhiều khiến đế bàn ủi bị đen mà tụi con bị phạt tiền nhiều lắm, trẻ lớn thì phạt 100.000đ, trẻ nhỏ thì 50.000đ, tụi con tính tổng số trẻ bị phạt chỉ vì vụ này đã gần 2.000.000đ”, T. uất ức cho biết. Người ra “sắc lệnh” phạt kỳ lạ kia chính là cô T mà trong trung tâm thường gọi là cô Linh.

Vì sao trẻ sống nơi Trung tâm NDBTTE Linh Xuân có tiền? Theo giải thích của cựu trưởng khoa Tuổi xanh, cô H.T, thì trẻ có tiền riêng do người thân cho hoặc học giỏi được trung tâm thưởng (120.000đ-150.000đ/một lần thưởng). Tiền riêng của các em, theo quy định của trung tâm là do phó khoa phụ trách quản lý.

Trút giận?

Cô H.T, người cũng xuất thân từ trẻ mồ cô nhưng phấn đấu đạt học vị cử nhân, chia sẻ rằng hồi còn công tác mình cũng từng bắt trẻ nằm giường mà vút vài roi.

“Có một số vi phạm mình cũng phải dùng đến roi để trẻ nhớ mà không tái phạm. Chỉ là cách dùng roi thế nào để trẻ tâm phục khẩu phục, chứ không thể bạ đâu đánh đó”, cô H.T nói.

Người có 11 năm gắn bó với trung tâm vừa nghỉ việc hồi tháng 3/2015 cũng nói thêm rằng “không phải ai ở Trung tâm cũng biết cách dùng roi” mà thậm chí không dùng roi, chỉ dùng tay, chân.

“Có thể họ không ác ý với trẻ không may bị đánh nhưng sự giận dữ nơi gia đình, ngoài xã hội theo họ vào trung tâm rồi trút giận lên trẻ vì thiếu kiềm chế”, cô H.T giải thích.

Theo Gia đình & Xã hội


Tin tức mới nhất