Theo y học cổ truyền, bí đao có vị ngọt nhạt, tính mát với nhiều công dụng như: thanh nhiệt, làm tan đờm, làm mát ruột, giảm nhiệt, giải độc, giảm mỡ tích tụ trong cơ thể…
Trong bí đao chứa nhiều nước, nhiệt lượng thấp và không có chất béo. Đây cũng là loại quả chứa hàm lượng dầu thực vật cao, rất có lợi cho da và chăm sóc tóc.
Bước 1: Chọn bí đao
Bí đao non sẽ khiến nước trà có vị chua. Nên ta cần chọn bí già có những đốm vàng trên vỏ, hột cứng. Nếu không may chọn phải bí đao non thì bạn chỉ việc khoét bỏ ruột.
Bước 2: Thái lát và phơi
Thái bí đao thành khoanh dày 1 – 2cm để tránh bị dính vào mâm sau khi phơi. Phơi bí trong khoảng 2 – 3 nắng cho đến khi các lát bí khô hoàn toàn.
Bước 3: Sao bí
Để hương vị trà bí đao thơm ngon và bảo quản được lâu thì ta cần loại bỏ hết nước trong bí đao. Sau khi phơi thì sao bí trên chảo gang (không dùng chảo inox để tránh khét). Các lát bí chuyển sang màu vàng là việc sao bí đã đạt.
Bước 4: Bảo quản
Sau khi sao xong thì để nguội. Các lát bí khô được đựng trong lọ thủy tinh có nắp hoặc hút chân không để tủ lạnh và dùng dần. Không để ở ngoài kẻo bị mốc các chị em nhé!
Bước 5: Nấu trà bí đao
Cách tiện nhất là lấy chút bí khô hãm với nước sôi trong bình cách nhiệt như hãm trà đậu đen. Thêm chút mật ong, đường phèn nếu muốn trà có vị ngọt thanh.
Nếu bạn có thời gian thì có thể đun sôi bí đao tươi với lá dứa, khúc mía, la hán quả, râu mía và đường phèn. Vậy là có nồi trà bí đao để giải nhiệt cho ngày hè nóng bức rồi đó bạn!
Tuy nhiên, tránh lạm dụng trà bí đao uống thay nước lọc. Đối với trẻ em, người già và những người dễ bị lạnh bụng, tiêu chảy thì không nên uống nhiều trà bí đao và các loại nước giải nhiệt khác.
Hạn chế uống sau bữa ăn sử dụng nhiều thực phẩm tươi sống để tránh bị rối loạn tiêu hóa, không nên uống vào buổi tối.
Theo Pháp luật và bạn đọc