Trưa tháng 7, cái nóng oi ả làm trán bà Asyl lấm tấm mồ hôi. Người phụ nữ mặc váy dài qua mắt cá chân, áo khoác đen, đội khăn Hijab che kín tóc, ngồi ở góc đường trông quầy thức ăn.

Trên chiếc bàn con, Asyl đặt vài túi chà bông cá, lạp xưởng bò... Tất cả đều là thức ăn Halal (thực phẩm được phép ăn theo giáo lý đạo Hồi). Thi thoảng, vài cư dân trong hẻm ghé mua, để kịp chuẩn bị bữa trưa.

Tầm 12h30, những người đàn ông trong hẻm đi làm lễ tại thánh đường Jamiul Anwar. Họ mặc sarong (xà rông), đầu đội nón Kahpeh truyền thống của người Chăm, thời gian làm lễ kéo dài 15 phút.

Đó là nhịp sinh hoạt tại con hẻm 157, đường Dương Bá Trạc (quận 8, TPHCM), nơi sinh sống của cộng đồng người Chăm gần 3.000 người.

Hẻm TPHCM độc lạ: Trẻ em học vần chữ Ả Rập, người lớn không rượu bia-1
Hẻm 157 là nơi có cộng đồng người Chăm lâu đời sinh sống (Ảnh: Diệp Bình).

Họ là cư dân quê gốc An Giang đến TPHCM lập nghiệp từ thập niên 50, một vài người từ Malaysia sang định cư.

Người Chăm theo đạo Hồi hành lễ cầu nguyện 5 lần trong ngày, sử dụng lịch riêng, viết chữ từ phải sang trái. Trước khi hành lễ, họ phải rửa tay, chân, mặt để thanh tẩy, đó là lý do thánh đường có khu vực riêng gắn nhiều vòi nước.

Hẻm TPHCM độc lạ: Trẻ em học vần chữ Ả Rập, người lớn không rượu bia-2
Người dân tranh thủ mua thức ăn Halal cho buổi trưa (Ảnh: Diệp Bình).

Dọc con hẻm, có khá nhiều quán ăn Halal, người dân tự mở để phục vụ nhu cầu ăn uống. Theo quan niệm của họ, thịt heo tuyệt đối không được sử dụng, các loại thịt khác phải được giết mổ theo quy định Hồi giáo.

Những tiệm hủ tiếu cá, cơm tấm gà... khá đắt khách, được người dân ghé ăn vào mỗi buổi sáng. Đồng thời, cư dân trong hẻm cũng không sử dụng rượu bia, bởi theo giáo luật, đây là điều nghiêm cấm. Các tiệm tạp hóa hoàn toàn vắng bóng loại thức uống này.

Vì thế, người lớn trong hẻm không bao giờ say xỉn, các buổi tiệc tùng họ luôn dùng nước ngọt hoặc nước lọc.

Ông Amine Mohammed, quê Châu Đốc, An Giang, đến hẻm 157 sinh sống từ 20 năm trước. Ông cho biết trong tháng Ramadan, họ sẽ nhịn ăn từ bình minh đến khi mặt trời lặn.

"Thậm chí, nước bọt cũng không được nuốt vào mà phải nhổ ra", ông Amine Mohammed mô tả.

Hẻm TPHCM độc lạ: Trẻ em học vần chữ Ả Rập, người lớn không rượu bia-3
Những quán ăn Halal xuất hiện dọc con hẻm 157 (Ảnh: Diệp Bình).

Tháng Ramadan theo lịch Hồi giáo, không có ngày cố định theo dương lịch. Thời gian này, con hẻm khá yên ắng, các tiệm ăn cũng đóng cửa khá nhiều.

Ông Amine Mohammed cho biết khi cơ thể đã thích nghi, việc nhịn ăn là bình thường, họ vẫn có thể sinh hoạt, làm việc.

Hẻm TPHCM độc lạ: Trẻ em học vần chữ Ả Rập, người lớn không rượu bia-4
Anh Ali chuẩn bị tiết học lúc 18h30 tại thánh đường Awar (Ảnh: Diệp Bình).

Hơn 50 năm trước, khu vực này nức tiếng với nghề dệt. Phụ nữ Chăm khéo léo đã làm ra những tấm vải mềm mại, rực rỡ sắc màu, được thương nhân từ Malaysia, Indonesia... ưa chuộng. Công nghệ may phát triển, nghề dệt cũng dần lùi vào ký ức.

"Ngày trước, người phụ nữ hiếm khi ra ngoài, hoặc đi đường phải có chồng theo cùng. Họ đã cởi mở hơn nhiều trong xã hội hiện nay, phụ nữ buôn bán, tháo vát và quán xuyến gia đình giỏi", ông Amine Mohammed. Người vợ quá cố của ông Amine Mohammed là người Kinh, theo đạo chồng sau khi kết hôn.

Hẻm TPHCM độc lạ: Trẻ em học vần chữ Ả Rập, người lớn không rượu bia-5
Lớp học có khoảng 20 thành viên ở độ tuổi từ 5-10 tuổi (Ảnh: Diệp Bình).

Khoảng 18h30, con hẻm rộn ràng tiếng trẻ em đến thánh đường Jamiul Anwar. Các em được học bảng chữ cái, vần chữ Ả Rập, sắp xếp theo ngôn ngữ của người Chăm.

"Lớp học sẽ dạy về văn hóa tôn giáo cho các em để các thế hệ nối tiếp có thể đọc được Thiên kinh Qur'an", anh Ali, giáo viên tại lớp học này chia sẻ.

Theo anh, trẻ em Chăm khoảng 5 tuổi là đã đến lớp, khoảng 15 tuổi có thể đọc viết trôi chảy. Cũng từ lớp học này, nhiều người đã du học Malaysia hoặc Indonesia để nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ.

Hẻm TPHCM độc lạ: Trẻ em học vần chữ Ả Rập, người lớn không rượu bia-6
Các em được học chữ theo vần Ả Rập (Ảnh: Diệp Bình).

Hẻm TPHCM độc lạ: Trẻ em học vần chữ Ả Rập, người lớn không rượu bia-7
Lớp học ngôn ngữ Chăm là cách cư dân hẻm 157 giữ gìn văn hóa truyền thống (Ảnh: Diệp Bình).

Lớp học có khoảng 20 thành viên, các em ngồi trên những bàn nhựa, nắn nót viết chữ. Cũng trong không gian này, người Chăm hẻm 157 cũng hay tụ họp sinh hoạt, thực hiện các nghi lễ theo truyền thống.

Ông Haji Kim Sô (72 tuổi) được bầu làm Hakim (giáo cả), tức người đứng đầu có sự am hiểu về giáo lý, giáo luật và phẩm chất tốt.

Ông phụ trách quản trị cộng đồng người Chăm khu vực này, cho biết TPHCM có tổng cộng 16 giáo khu, riêng thánh đường Jamiul Anwar đã được xây dựng từ năm 1966, trùng tu năm 2006.

Bà con tại hẻm 157 sinh sống hòa thuận, duy trì nếp sống, nếp sinh hoạt, giữ nguyên vẹn nét văn hóa của dân tộc mình hơn chục năm nay.

Trời tối, sau giờ tan học, trẻ con nhanh chân đi bộ về nhà, bởi bố mẹ đang đợi. Trong gian bếp, mùi thức ăn xào nấu thơm lừng tỏa ra, họ quây quần cùng nhau bên mâm cơm và trò chuyện.

Theo Dân Trí