Đại dương bao la luôn ẩn chứa nhiều bí ẩn mà chúng ta chưa thể khám phá hết. Trường hợp "mặt biển chia đôi" tại vùng vịnh Mexico cũng là hiện tượng kỳ lạ khiến nhiều người tò mò chú ý.

Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện hiện tượng này, hàng năm đều có không ít vụ việc liên quan đến hiện tượng "mặt biển hai màu" diễn ra tại các đại dương khác, nhưng để giải thích các hiện tượng kỳ lạ mà đôi lúc còn được gọi là "phép màu" này thì không phải ai cũng biết.
 
Hình ảnh mặt nước chia đôi ở vùng vịnh Mexico.
 

Ngày 23/6/2016, một nhiếp ảnh gia đã chụp lại hình ảnh “Nơi Sông Mississippi và Vịnh Mexico gặp gỡ” cho thấy tại vùng biển ngoài khơi bang Missisippi (Mỹ) là hai mảng nước gặp gỡ nhau gồm một dải màu xanh dương tuyệt đẹp (bên phải hình ảnh) và một nâu đục kém sắc (bên trái).

Hình ảnh này nhanh chóng lan truyền mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội bởi dù tiếp xúc với nhau nhưng hai dòng nước nhất quyết “mệnh ai người nấy lo", không chịu dung hòa vào làm một, tạo thành một ranh giới lạ lùng kéo dài giữa vùng biển rộng làm nên một cảnh tượng kì lạ hiếm thấy.

Mặc dù hiện tượng này có thể xảy ra ở mọi đại dương trên thế giới, nhưng hiếm nơi nào có được sự chia cắt rõ rệt như vậy. Lời giải cho hiện tượng này là gì?
 
Trước kia, nước biển trên Trái đất không mặn như ngày nay. Khi mưa xuống, nước mưa hòa tan muối và rửa trôi các chất khoáng trên đất liền và theo sông đổ ra biển. Vì vậy, đại dương là nơi tiếp nhận muối từ nhiều con sông trên đất liền nên độ mặn của biển lớn hơn hẳn. Chính sự chênh lệch này mà chúng không thể hoà lẫn vào nhau.

Thêm vào đó, theo một số lời giải thích của các nhà nghiên cứu thì mỗi một vùng biển trên Trái đất đều có hàm lượng muối khác nhau. Khi nước sông gặp nước biển, sự chênh lệch về hàm lượng muối trong nước sẽ khiến mật độ nước khác nhau, đến một mức độ nhất định sẽ không còn hòa vào nhau được nữa.

Cũng như khi ta pha một cốc nước muối, đến một lúc nào đó, nước sẽ không thể trung hòa được nữa và phần muối dư lại sẽ đọng phía dưới. Tương tự, khi hai dòng nước gặp nhau, đến khi có sự chênh lệch quá lớn giữa hai dòng nước sẽ khiến phần nước muối còn lại sẽ lắng xuống và chảy bên dưới phần nước ngọt.

bien-tu-tach-doi
Hai màu nước khác hẳn nhau. Mặc dù hiện tượng này có thể xảy ra ở mọi đại dương
 trên thế giới, nhưng hiếm nơi nào có được sự phân biệt 2 màu rõ rệt như ở đây.


Theo Trung tâm nghiên cứu hàng hải đại học Louisiana, hiện tượng như ở vịnh Mexico không xảy ra quanh năm mà theo định kỳ, thường thì hiện tượng này xuất hiện vào mùa hè với diện tích vùng biển bị ảnh hưởng là khác nhau. Nhìn hình ảnh người ta cứ ngỡ rằng có vẻ “không liên quan gì đến nhau” nhưng thực chất nước sông Mississippi đang ngày càng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự sống ở khu vực Vịnh Mexico.
 
Mặc dù nhìn từ trên cao vùng biển mang một màu sắc đẹp lạ nhưng những gì diễn ra trong lòng nó lại đầy sự biến động và được người ta gọi là “vùng biển chết”. Khi nước sông giàu dinh dưỡng, ni-tơ và phot-pho cùng các chất khác "gặp gỡ" với nước biển ở vùng vịnh Mexico sẽ tạo điều kiện cho các loài tảo “bùng nổ dân số”, làm thay đổi chuỗi thức ăn sinh học và giảm lượng oxi tại vùng biển này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các sinh vật dưới đại dương.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hoàng hoạt ở vùng Biển Đen và Vịnh Mexico. Hơn nữa, Vịnh Mexico đang là nguồn cung cấp chủ yếu cho ngành công nghiệp hải sản ở Mỹ. Do đó, nếu “vùng biển chết” này mở rộng và trở nên tồi tệ hơn, ngành ngư nghiệp ở vùng ven biển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Trí thức trẻ