'Tôi từng bị đâm thủng ruột phải điều trị 2 tháng tại bệnh viện. Làm nghề này, va quẹt xe, thương tích là chuyện như cơm bữa. Anh em trong đội không ai không bị. Tuy vậy, tôi và anh em không có ý định chùn bước. Nếu sợ thì chúng tôi đã không làm, đã làm thì không sợ' - hiệp sĩ Lâm Hiếu Long, thành viên nhóm hiệp sĩ Sài Gòn chia sẻ.
Hiệp sĩ Long kể về những nguy hiểm của nghề săn bắt cướp
Phát hiện cướp sau vài phút quan sát
Anh Long hiện đang làm nghề môi giới xế hộp. Thời gian làm việc khá thoải mái nên anh quyết định gia nhập nhóm hiệp sĩ Sài Gòn từ năm 2010. Được anh em trong nhóm chia sẻ về kiến thức nghiệp vụ, Long đã trực tiếp tác chiến sau đó không lâu.
8 năm theo nghề, Long và các đồng đội của mình đã bắt "nóng", bắt "nguội" hàng trăm tên cướp. 80% trong số này là cướp của, cướp giật đồ dùng, trang sức; 20 % còn lại là lừa đảo, giả danh lừa đảo.
"Ra đường, chỉ cần quan sát vài phút là có thể phát hiện được đó là cướp, bởi hành động của chúng lén lút không như người bình thường. Trực giác của mình mách bảo khá đúng nên 10 trường hợp thì chỉ sai 1" - anh Long chia sẻ.
8 năm bắt cướp, anh Long và đồng đội đã vây bắt thành công hàng trăm tên.
Khi phát hiện hành tung của người tình nghi là cướp, anh Long sẽ tiến hành theo dõi đối tượng, sau đó chờ đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thì truy bắt tại trận.
Anh kể về một người phụ nữ chuyên lừa đảo mà anh và đồng đội phải mất 1 tháng theo dõi mới bắt được. Đây cũng là vụ việc mà anh nhớ nhất trong 8 năm qua.
"Người phụ nữ đó đi về từ Bến Tre lên Sài Gòn mỗi ngày, sau khi thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm tài sản xong thì bắt xe về quê. Thủ đoạn của đối tượng này là giả vờ sang chảnh, có tiền rồi mua hàng ở các cửa hàng điện tử. Khi nhân viên giao hàng đến thì giả vờ quen biết chủ quán và đòi giảm giá, lấy hóa đơn mua hàng. Thời điểm phát hiện đối tượng, tôi đã phải theo dõi bà ta từ Sài Gòn xuống Bến Tre và ngược lại".
Bị đâm thủng ruột nằm viện 2 tháng
Nhóm của Long có 7 thành viên ở các độ tuổi khác nhau. Tiêu chí để trở thành thành viên của đội hiệp sĩ không quá khó. Đầu tiên là thể hiện được điểm nổi trội của bản thân, phù hợp với nghề. Sau đó là thái độ sống, tính cách trung thực, không vì danh lợi, đoàn kết.
Anh Long nói rằng cách đây 2 tháng, nhóm vừa đào thải 1 thành viên vì lý do "thích thể hiện", đi đâu cũng khoe mình là hiệp sĩ. Các thành viên của nhóm vẫn thường xuyên gặp nhau để trao đổi công việc, thông tin cùng những kiến thức nghiệp vụ.
Khi tiến hành vây bắt đối tượng, anh Long sẽ tùy tình hình để ra tay hành động một mình hoặc nhờ sự trợ giúp từ đồng đội. Tuy nhiên để bắt trọn ổ của bọn cướp, theo anh nên có ít nhất 2 người.
Năm 2013, trong quá trình bắt một tên cướp, anh Long đã bị đối tượng này đâm một nhát vào vùng bụng bên phải, vết thương sâu chạm đến phần ruột. Anh nhập viện trong tình trạng khá nguy kịch. Mổ 2 lần và nằm viện điều trị suốt 2 tháng mới lành hẳn. Toàn bộ viện phí đều do anh và gia đình chi trả.
"Sau lần đó, ba mẹ mình bắt mình từ bỏ công việc nguy hiểm này. Người yêu cũng liên tục dọa chia tay nếu mình còn làm hiệp sĩ. Nhưng cái bản chất đã ngấm vào máu rồi. Thấy cái xấu diễn ra trước mặt mà không làm gì được thì cảm thấy áy náy, bứt rứt lắm" - anh Long chia sẻ.
Anh Long nói, vũ khí mà các tên cướp thường dùng là dao, súng, súng tự chế, bình xịt hơi cay,...
Mong có sự hỗ trợ về kiến thức pháp luật, trang thiết bị khi bắt cướp
Khi hay tin 2 đồng đội của mình ngã xuống trên hành trình bắt cướp, anh Long nghiêng mình trước sự hy sinh đầy quả cảm ấy. Anh nói, khi đã lựa chọn thì bản thân và các đồng đội đều lường trước những sự cố nguy hiểm có thể xảy ra. Tuy nhiên, không ai cảm thấy sợ hãi hay chùn bước trong hành trình giảm thiểu cái xấu đang từng ngày diễn ra ngoài xã hội.
Hiện tại, số điện thoại đường dây nóng của đội săn bắt cướp Sài Gòn mỗi ngày nhận được hơn 40 cuộc gọi; ngày lễ, con số này tăng lên 60. "Gọi điện báo tin cướp giật cũng có, hăm dọa cũng có, thậm chí còn mang người thân các hiệp sĩ ra uy hiếp nữa. Những trường hợp như thế mình cứ bình tĩnh xử lý thôi. Hạn chế tiết lộ thông tin cá nhân càng tốt" - anh Long chia sẻ.
Nhóm hiệp sĩ của Long hoạt động không có quỹ. Các vết thương trên cơ thể hay hỏng hóc xe cộ, máy móc đều tự chi trả. "Sau khi bắt cướp, một số Mạnh Thường Quân cũng ủng hộ ít tiền, có người còn cho cả áo giáp. Tiền đó thì để anh em mua thêm thuốc thang khi cần" - anh Long nói.
Nếu được sự hỗ trợ từ nhà nước và các cơ quan chức năng, anh mong rằng các hiệp sĩ đường phố sẽ được trang bị thêm kiến thức nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và đặc biệt là các trang thiết bị bảo vệ trong lúc vây bắt cướp.
Dù phía trước còn nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng anh Long và đồng đội quyết tâm không chùn bước.
Theo Baodatviet