TP.HCM bước qua ngày thứ 6 của chiến dịch xét nghiệm vùng đỏ, vùng cam, tiến tới mở rộng vùng xanh trên toàn thành phố. Trong tổng số hơn 1,4 triệu mẫu xét nghiệm, 54.000 ca dương tính được phát hiện.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng nhận định số ca mắc trong cộng đồng ở mức có thể chấp nhận và không quá sức ngành y tế.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, đồng ý với nhận định của lãnh đạo ngành y tế: “Càng tìm được nhiều F0 qua test chủ động, chúng ta càng ở thế chủ động, không lúng túng như giai đoạn trước”.

Không nên quá hoang mang

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc xét nghiệm toàn bộ vùng đỏ, vùng cam của TP.HCM được thực hiện theo chủ trương trong Nghị quyết 86 của Thủ tướng. Trong vòng khoảng 6 ngày, thành phố phát hiện con số 54.000 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Chuyên gia này cho rằng trước đó, Covid-19 đã len lỏi và lây nhiễm sâu trong cộng đồng tại TP.HCM. Do đó, khi tăng cường xét nghiệm, số lượng F0 trong cộng đồng tăng cao là điều dễ hiểu.

“Chúng ta không nên quá hoang mang với số lượng F0 mới phát hiện. Dịch đang ở cộng đồng, không phải khu cách ly. Nếu để sót khoảng 50% số lượng F0 mới phát hiện, chỉ 1-2 ngày sau, con số lây nhiễm có lẽ rất lớn”, ông nói.

Hiểu đúng về con số 54.000 F0 vừa được phát hiện tại TP.HCM-1
Nhân viên y tế phát test nhanh cho người dân trong một con hẻm ở phường 11, quận Bình Thạnh. Ảnh: Duy Hiệu.

Về biện pháp kiểm soát F0 của TP.HCM, theo bác sĩ Khanh, ở giai đoạn trước, chúng ta cho rằng giãn cách xã hội là đủ để kiểm soát dịch. Điều này đã dẫn đến việc hàng loạt người bệnh có diễn biến nặng cùng lúc, hệ thống y tế không kịp trở tay.

Nếu để sót khoảng 50% số lượng F0 mới phát hiện, chỉ 1-2 ngày sau, con số lây nhiễm có lẽ rất lớn

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

“Khi virus âm thầm tấn công nhóm nguy cơ, chúng ta cần vét càng nhiều F0 càng tốt. Mục đích là biết được F0, nguy cơ của các thành viên trong gia đình họ, xác định người sắp, đang và có thể diễn biến nặng. Từ đó, cơ quan y tế sẽ có biện pháp khuyên họ tiêm vaccine, hướng dẫn chăm sóc y tế tại nhà hoặc chuyển đến bệnh viện nếu cần thiết. Làm được điều này, hệ thống điều trị sẽ không nặng gánh như trước”, bác sĩ Khanh nói thêm.

Theo bác sĩ Khanh, trong giai đoạn trước, thành phố lúng túng trong việc kiểm soát F0. Khi số ca dương tính tăng dồn dập, hệ thống điều trị không xoay xở kịp, từ đó dẫn đến tỷ lệ tử vong tăng cao.

“Nếu tính ngược lại giai đoạn trước, tỷ lệ F0 tại TP.HCM có thể rất cao. Chiến lược lần này của chúng ta thắng là nhờ test nhanh. Cho tới hiện nay, test nhanh với chủng Delta tương đối chính xác. Việc âm tính giả, dương tính giả rất thấp, do đó, trường hợp nào xét nghiệm nhanh dương tính thì xem như ca F0", chuyên gia này nhận định.

Hai lưu ý trong cuộc truy tìm F0

Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, nhận định xét nghiệm chỉ thực sự có ý nghĩa khi bóc được F0 ra khỏi cộng đồng để theo dõi và đảm bảo an toàn cho cộng đồng. F0 không triệu chứng đủ điều kiện về nơi lưu trú sẽ được khoanh vùng và phát túi thuốc an sinh ngay.

F0 nào ở khu vực đông dân cư, nhà cửa chật chội, hẻm đông người, bắt buộc phải đưa đi khu vực cách ly riêng biệt để theo dõi sức khỏe, tránh lây lan trong cộng đồng. Nếu không thực hiện được điều này, xét nghiệm chỉ tốn chi phí, mất thời gian và không mang lại hiệu quả.

Hiểu đúng về con số 54.000 F0 vừa được phát hiện tại TP.HCM-2
Người dân TP.HCM xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong đêm, thời điểm thành phố tầm soát cộng đồng cuối tháng 6. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Phát hiện ra F0 rồi để đó, F0 vẫn tiếp tục truyền bệnh thì không giải quyết được vấn đề, thậm chí phản tác dụng vì có thể gây lây nhiễm chéo trong quá trình lấy mẫu”, bác sĩ Tuấn nói.

Giải pháp thứ 2 theo bác sĩ Tuấn là đảm bảo 5K thật tốt khi xét nghiệm. Mỗi một găng tay chỉ được dùng cho một người. Nếu thiếu găng tay, sau mỗi lần lấy mẫu, nhân viên y tế phải khử khuẩn thật kỹ và tối đa chỉ dùng một găng cho 3, 4 người.

Nếu không thay găng tay hoặc khử khuẩn kỹ, sau mỗi lần lấy mẫu, một ca dương tính sẽ lây cho rất nhiều người.

“Lực lượng y tế cần đặt biệt quan tâm vấn đề này. Người dân khi đi xét nghiệm phải chú ý nếu phát hiện tình trạng trên, dứt khoát không cho lấy mẫu và thông báo kịp thời cho người phụ trách”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh để đạt được mục tiêu xét nghiệm tìm F0, cần đảm bảo không xảy ra lây nhiễm chéo trong quá trình lấy mẫu. Giải pháp chuyên gia này đưa ra là giao việc lấy mẫu cho người dân, nhân viên y tế đóng vai trò giám sát và hỗ trợ nếu cần.

“Tự lấy mẫu test nhanh Covid-19 không khó, hầu như ai cũng có thể làm được. Trong quá trình lấy mẫu tại cộng đồng, nhân viên y tế có thể sàng lọc người chưa tiêm vaccine và tiêm ngay cho họ. Làm được điều này thì quá tốt”, bác sĩ Khanh nói.

Nhanh chóng phủ vaccine

Theo bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, TP.HCM có khá nhiều con hẻm nhỏ. Một số khu nhà trọ đông đúc, nhiều hộ cư dân sống gần gũi. Ở những nơi này, chỉ cần một ca dương tính, có thể sẽ lây cho cả khu vực.

“Tôi đề nghị phải đặc biệt ưu tiên xét nghiệm và phủ vaccine với tất cả cư dân tại khu vực này. Nếu không cuộc chiến ‘phong thành’ của chúng ta khó thành công như mong muốn”, bác sĩ Tuấn nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định TP.HCM đang đi đúng hướng trong biện pháp chống dịch. Việc xét nghiệm toàn thành phố có thể gây tốn kém kinh phí nhưng có thể dự báo được tình hình dịch, từ đó thành phố nắm được thế chủ động.

“Thực tế lây nhiễm tại TP.HCM càng chứng minh rằng chỉ có tiêm vaccine mới mang lại cơ hội kiểm soát được được đại dịch. Con đường miễn dịch tự nhiên vẫn còn rất xa và chúng ra phải đánh đổi bằng tính mạng con người”, ông nói thêm.

Hiểu đúng về con số 54.000 F0 vừa được phát hiện tại TP.HCM-3
Nhân viên y tế mang vaccine đến từng nhà để tiêm cho người cao tuổi ở TP.HCM. Ảnh: Hoàng Giám.

Theo chuyên gia này, Việt Nam nói chung và TP.HCM chưa có đủ số lượng vaccine như mong muốn. Tín hiệu mừng là vaccine “nội” đang đến rất gần.

“Xếp về khoa học, Nano Covax được sản xuất theo công nghệ kinh điển, hiệu quả đã được chứng minh. Vaccine nội được tiêm đại trà là tín hiệu rất mừng cho cuộc chiến chống dịch của chúng ta”, bác sĩ Khanh nói.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, kể từ ngày 27/4 đến hết 27/8, thành phố đã lấy 1.465.335 mẫu, trong đó có 906.400 mẫu đơn và 558.935 mẫu gộp, với 5.199.391 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...).

Tổng số mẫu chưa có kết quả là 10.236 mẫu, trong đó có 7.080 mẫu đơn và 3.156 mẫu gộp. Số lượng test nhanh kháng nguyên đã thực hiện là 4.702.563 test.

Trong chiến dịch xét nghiệm hiện tại ở TP.HCM, số lượng F0 được theo dõi, điều trị tại nhà tăng vọt. Tính đến 28/8, số hợp F0 đang cách ly, theo dõi tại nhà là 74.425 người và 26.505 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 tại khu cách ly tập trung quận, huyện là 16.962 người.

Thành phố đang điều trị 39.611 bệnh nhân Covid-19 tính đến ngày 28/8. Trong đó, 2.175 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.758 bệnh nhân nặng đang thở máy và 18 trường hợp phải can thiệp ECMO. Tổng số tử vong cộng dồn từ ngày 1/1 đến nay là 8.368 ca.

Theo Zing