Bác sĩ chuyên khoa cảnh báo một hiểu lầm trầm trọng khi đi nâng mũi

Nâng mũi, hay còn được gọi bằng sửa mũi hay chỉnh hình mũi, là một thủ thuật thẩm mỹ thay đổi và tái tạo dáng mũi hài hòa, thanh thoát hơn.

Khi có ý định nâng mũi, nhiều chị em cảm thấy hoang mang khi có nhiều phương pháp nâng mũi khác nhau. 

Trong đó, nâng mũi cấu trúc là phương pháp thường được hội chị em "rỉ tai" nhau nhiều nhất. Nhiều người còn cho rằng nâng mũi cấu trúc là "phương pháp toàn năng", giúp thay đổi toàn bộ khuyết điểm của mũi, mà không quan tâm đến những biến chứng có thể xảy ra.

Hiểu lầm trầm trọng khi nâng mũi, dễ biến chứng không thể sửa chữa-1

Nâng mũi cấu trúc là phương pháp chỉnh sửa lại dáng mũi từ sống mũi, đầu mũi cho đến trụ mũi. Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ kết hợp giữa sụn tự thân và sụn sinh học.

Đồng thời, phải cấu trúc lại toàn bộ chiếc mũi nên thời gian thực hiện sẽ lâu hơn so với các phương pháp nâng mũi thông thường.

Ths, BSCKII Cao Ngọc Duy (Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Thẩm mỹ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho hay: "Không phải ai cũng cũng được chỉ định nâng mũi. Những người mắc bệnh máu khó đông, bệnh nan y hay đang điều trị hoá chất, xạ trị… đều không phù hợp để thực hiện nâng mũi".

Bên cạnh đó, bác sĩ Cao Duy cũng cảnh báo việc mọi người quá lạm dụng về nâng mũi cấu trúc, vị bác sĩ nói: "Thực ra, phương pháp nâng mũi cấu trúc chưa chẳn đã là tốt. Vì khi nâng mũi cấu trúc, chúng ta cần phải can thiệp mạnh vào cấu trúc của mũi.

Cho nên nếu sau đó có bất cứ bất thường gì hay là gặp sự cố gì thì mũi của các bạn sẽ không thể trở về trạng thái nguyên bản được".

Nâng mũi cấu trúc đòi hỏi tay nghề bác sĩ cần phải có kỹ năng phẫu tích chính xác, có kinh nghiệm trong kỹ thuật lấy sụn, ghép sụn để dựng trụ mũi, tái tạo chóp mũi, kinh nghiệm đánh giá sự tưới máu, nuôi dưỡng của các tổ chức mô tại vị trí ghép sụn... để hạn chế tối đa các tai biến, biến chứng.

Nếu không, nâng mũi cấu trúc có thể gây nhiễm trùng, khiến mũi co rút, biến dạng, lộ sống mũi, khiến đầu mũi bóng đỏ, nghiêm trọng hơn là thủng da mũi, hoại tử mũi...

Hiểu lầm trầm trọng khi nâng mũi, dễ biến chứng không thể sửa chữa-2
BSCKII Cao Ngọc Duy.

Do đó, bác sĩ Cao Duy cho rằng, mũi cấu trúc chỉ nên là biện pháp cuối cùng dành cho những ca mũi hỏng, mũi lỗi, mũi mổ nhiều lần, mũi gặp biến chứng trong phẫu thuật nâng mũi. Còn những trường hợp mũi làm lần đầu thì nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn.

Nên nâng mũi như thế nào để đảm bảo an toàn?

Hiểu lầm trầm trọng khi nâng mũi, dễ biến chứng không thể sửa chữa-3

Bác sĩ Cao Duy cho hay, phương pháp nâng mũi tốt nhất đó là "can thiệp tối thiểu, sau đó khéo léo chỉnh sửa tối đa". Quan trọng nhất đó là phải lựa chọn chất liệu nâng mũi tốt. Ngoài ra, mọi người cũng cần lựa chọn những dáng mũi phù hợp với khuôn mặt mình, không nên quá lạm dụng mà lựa chọn dáng mũi quá cao vì rất dễ biến chứng..

Trước khi tiến hành phẫu thuật, chị em cần phải nắm rõ tiền sử bệnh lý của mình và khai báo thành thật với bác sĩ. Nhờ vậy bác sĩ sẽ tiên liệu được trước những rủi ro, từ đó đưa ra phương án phù hợp với cơ địa của bạn.

Một điều quan trọng nữa mà chị em cần phải ghi nhớ là tìm hiểu kỹ cơ sở thực hiện, trình độ tay nghề bác sĩ… đảm bảo hết những yếu tố này thì mới có thể có một chiếc mũi đẹp như mong muốn.

Theo Phụ nữ Việt Nam