"Long Covid" là thuật ngữ để chỉ những di chứng kéo dài ở người đã khỏi Covid-19. Những người mắc Long Covid có thể gặp phải các triệu chứng, từ khó thở và mệt mỏi đến suy giảm nhận thức, tồn tại nhiều tuần hoặc vài tháng.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới phát hiện nhiều trường hợp Long Covid cảm thấy tốt hơn sau khi tiêm vaccine Covid-19. Điều này xảy ra với cả những người mắc Covid-19 dù đã tiêm vaccine.
Nhiều người gặp di chứng cảm thấy tốt hơn sau khi tiêm vaccine
Khi biến chủng Omicron có khả năng lây nhiễm cao lan rộng, gây ra số ca mắc Covid-19 tăng đột biến, các câu hỏi về Long Covid càng trở nên cấp thiết.
Alba Azola, Trợ lý giáo sư về y học vật lý và phục hồi chức năng tại Johns Hopkins Medicine ở Baltimore (Mỹ) cho biết: "Ước tính có khoảng 10-30% người mắc Covid-19 gặp di chứng kéo dài sau khi khỏi bệnh".
Bệnh nhân được điều trị các di chứng hậu Covid-19 tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York (Mỹ). Ảnh: Mountsinaihealthsystem.
Theo Nature, TS Akiko Iwasaki, Giáo sư sinh học miễn dịch tại Đại học Yale ở New Haven, Connecticut, cho biết các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, sương mù não, không thể nhớ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết khó thở, ho, đau tức ngực hoặc đau dạ dày, đau đầu và khớp cũng nằm trong danh sách dài các triệu chứng tiềm ẩn của Long Covid.
Theo TS Iwasaki, Long Covid có thể thực sự gây suy nhược. Ngay cả những người mắc Covid-19 nhẹ hoặc không triệu chứng cũng có thể gặp di chứng kéo dài. Nhiều người bị mất việc làm, một số không thể rời khỏi giường.
“Nhiều người còn gặp các triệu chứng rất nghiêm trọng khiến họ không thể làm công việc thường ngày. Những việc đơn giản như đi tắm có thể là nhiệm vụ lớn đối với họ”, ông Iwasaki cho hay.
Hội chứng hậu Covid-19 khiến nhiều người mệt mỏi trong thời gian dài sau khi khỏi bệnh. Ảnh: Centralclinic.
Một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 4/2021 bởi Nhóm hỗ trợ Covid kéo dài Survivor Corps cho thấy 42% những người bị Long Covid cảm thấy tốt hơn sau khi tiêm vaccine.
Trong cuộc khảo sát khác của nhóm khác, LongCovidSOS, khoảng 58% người được hỏi cho biết các triệu chứng của họ đã cải thiện sau khi tiêm chủng.
Những cuộc khảo sát này cho thấy rằng nhiều người - nhưng không phải tất cả - gặp di chứng kéo dài có phản ứng tích cực với vaccine.
Tiến sĩ Iwasaki cho biết: "Họ có thể đã mất một số triệu chứng, vẫn còn những triệu chứng khác. Vì vậy, đây không phải là cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng thường có sự cải thiện sau khi tiêm chủng".
Là bác sĩ đã nghiên cứu Long Covid từ tháng 4/2020, TS Azola chứng kiến một loạt phản ứng ở bệnh nhân Covid-19 với việc tiêm chủng.
"Một số báo cáo cải thiện, một số thì thấy lại xuất hiện triệu chứng thường kéo dài trong 1-2 tuần. Nhiều người khác nói rằng việc tiêm phòng hoàn toàn không ảnh hưởng các triệu chứng của họ", TS Azola chia sẻ.
Vì sao vaccine Covid-19 hiệu quả với một số người gặp di chứng kéo dài?
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định chính xác lý do vaccine dường như làm giảm các triệu chứng Long Covid ở một số người, nhưng có một số giả thuyết được đưa ra.
Tiến sĩ Iwasaki nói: "Có thể có tàn dư của virus tồn tại trong một số mô gây tình trạng viêm mạn tính. Nếu đúng như vậy, kháng thể và phản ứng tế bào T mạnh mẽ mà vaccine tạo ra có thể loại bỏ mầm bệnh hoặc ổ chứa virus".
Nếu lý thuyết này là đúng, quá trình đó sẽ giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn, thậm chí có khả năng hồi phục hoàn toàn.
Một khả năng khác là mắc Covid-19 có thể kích hoạt phản ứng tự miễn dịch trong cơ thể.
"Nếu điều đó xảy ra, vaccine tạo ra một số loại cytokine có thể tác động các tế bào tự hoạt động, khiến mọi người cảm thấy dễ chịu hơn. Cytokine là các phân tử được sản xuất bởi cơ thể giúp điều hòa phản ứng miễn dịch", chuyên gia này nhận định.
Trong trường hợp đó, việc cải thiện các triệu chứng rất có thể chỉ là tạm thời vì những cytokine đó không tồn tại lâu.
Vaccine có ngăn ngừa được di chứng kéo dài ở người mắc Covid-19 sau tiêm hay không vẫn là vấn đề cần nghiên cứu thêm. Ảnh: Bridgemi.
Vaccine có ngăn ngừa Long Covid ở người bị nhiễm virus sau tiêm chủng?
Dù tiêm chủng làm giảm nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, các nhà khoa học chưa rõ liệu nó có bảo vệ người bệnh khỏi di chứng kéo dài nếu mắc bệnh sau tiêm - nhiễm trùng đột phá - hay không.
Tiến sĩ Iwasaki cho biết: "Có những kết quả rất mâu thuẫn về điều đó. Nghiên cứu, được công bố vào tháng 9/2021 trên tạp chí The Lancet, cho thấy tỷ lệ những người bị nhiễm trùng đột phá phát triển các di chứng kéo dài trên 28 ngày thấp hơn 49% so với những người chưa tiêm".
Tuy vậy, theo Reuters, dữ liệu mới cho thấy vaccine Covid-19 có hiệu quả cao trong việc bảo vệ chống lại bệnh nghiêm trọng, nhưng không làm giảm nguy cơ gặp di chứng ở những người mắc bệnh dù đã tiêm phòng.
Nghiên cứu trước được đăng trên medRxiv vào ngày 8/11/2021 so sánh hơn 9.000 người được tiêm vaccine Covid-19 với cùng số người chưa tiêm trong 6 tháng.
Kết quả cho thấy so với những bệnh nhân không được tiêm chủng, người nhiễm trùng đột phá có nguy cơ gặp các biến chứng do Covid-19 - chẳng hạn phải nhập viện chăm sóc đặc biệt, cần hỗ trợ thở hoặc hình thành cục máu đông - thấp hơn nhiều.
Nhưng các biến chứng khác của virus, bao gồm di chứng Long Covid, có nguy cơ tương đương. Thậm chí, ở những người trên 60 tuổi bị nhiễm trùng đột phá, tỷ lệ này rất yếu hoặc toàn toàn không có.
"Vaccine vẫn là phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa bất kỳ biến chứng nào của Covid-19, bao gồm cả Long Covid, vì chúng ngăn ngừa nhiễm trùng ngay từ đầu. Tuy nhiên, những phát hiện này cho thấy người mắc bệnh dù đã tiêm vaccine vẫn nên cảnh giác về các biến chứng tiềm ẩn", tiến sĩ Maxime Taquet, chuyên gia của Đại học Oxford, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Theo Zing