Mới đây, hình ảnh một con trâu bị người dân treo cổ trên cây cao cho đến chết mới được hạ xuống đất được cư dân mạng chia sẻ một cách chóng mặt. Theo chia sẻ, hình ảnh trên được ghi lại trong 1 lễ hội đầu năm ở Yên Bái.

Hình ảnh trong clip cho thấy, một con trâu đen được người dân buộc thừng dắt đến gốc cây, sau đó họ dùng những sợi dây thừng dài buộc cổ trâu cột vào một cành cây to.


Hình ảnh con trâu được người dân buộc thừng dắt lại gốc cây để chuẩn bị khai hội. Ảnh: facebook


Một lúc sau, có người cầm loa hô lớn, nhiều người nhanh chóng xúm lại kéo sợi dây thừng treo cổ trâu lơ lửng trên cây, nâng lên hạ xuống liên tục cho đến khi con trâu chết hẳn mới chặt dây thả xuống. Rất đông người dân trong làng tập trung theo dõi sự việc.

Ngay sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đoạn clip trên đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng những hình ảnh lễ hội này quá dã man, và nên thay thế bằng hình thức khác hoặc chỉ thực hiện hành động tượng trưng trong lễ hội thì sẽ hợp lý và nhân văn hơn.

"Xem mà sợ quá, lễ hội là nhằm thể hiện đặc trưng văn hóa phong tục của từng vùng miền, nhưng việc treo cổ con trâu cho đến chết như vậy thì quá dã man và phi nhân đạo. Thiết nghĩ ban quản lý lễ hội nên thay thế bằng hình thức khác", tài khoản A.T. chia sẻ.

"Mình nhớ có tục chém lợn trong lễ hội đã thấy dã man rồi, nay lại cả treo cổ trâu trên cây nữa. Vẫn biết đây là phong tục và lễ hội lâu đời của các địa phương nhưng làm như vậy thật dã man, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh lễ hội đầu xuân", tài khoản Q.H. bày tỏ quan điểm.

Được biết, những hình ảnh trên được ghi lại từ năm 2014 trong lễ hội treo cổ trâu ở đền Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, lễ hội treo cổ trâu ở đền Đông Cuông chính là phương pháp giết mổ gia súc thô sơ của cư dân Văn Yên trước đây. Bởi đây là cách làm cho con vật chết nhanh nhất mà lại không gây nguy hiểm với những người xung quanh.


Con trâu bị buộc dây thừng treo cổ lên cành cây cho đến chết


Lễ hội này mỗi năm tổ chức 1 lần vào ngày Mão đầu tiên của năm mới và ngày Mão bất kỳ của tháng 9 âm lịch nên đã thu hút nhiều người đến xem, rồi dần dần được nghi lễ hóa trong lễ hội đền Đông Cuông. 

Trong lễ hội đầu năm ở đền Đông Cuông không thể thiếu trâu trắng bởi nó là biểu tượng cho tấm lòng thành kính của người dân dâng lên Thánh Mẫu. Vì là bữa tiệc đầu năm, dân còn thiếu thốn nên chưa thể cúng trâu đen, cỗ đầy. Còn trong lễ hội cuối năm phải cúng trâu đen là vì trâu đen thịt ngon hơn trâu trắng, là thứ ngọt ngào nhất mà người dân thu hoạch được sau một năm làm việc vất vả. Việc làm này như một sự trả ơn, vì trước đó Thánh Mẫu đã phù hộ cho nhân dân có mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện phòng văn hoá thông tin huyện Văn Yên (Yến Bái) cho biết, lễ hội treo cổ trâu vẫn được tổ chức thường niên vì đó là lễ hội lâu đời của người dân ở xã Đông Cuông.


Theo trí thức trẻ