Năm 1950, Enrico Fermi đã đặt ra một câu hỏi mà đến nay vẫn chưa có ai giải đáp được. Đó là: Vũ trụ có hàng tỉ ngôi sao, vậy thì tại sao ngoài chúng ta, chẳng có một nền văn minh nào khác xuất hiện?

Giới khoa học đặt cho câu hỏi này một cái tên: "Nghịch lý Fermi", và dành rất nhiều năm để giải đáp nó, đồng thời đưa ra vô vàn giả thuyết, một số thực sự hợp lý. Một trong số đó là "Lý thuyết sở thú" - chính là thứ chúng ta sẽ đề cập ngay trong bài viết này.

Trái đất có thể là một sở thú khổng lồ

Giả thuyết sở thú được đưa ra từ năm 1973 bởi nhà thiên văn John Ball thuộc viện MIT. Ông cho rằng có thể người ngoài hành tinh có thật, nhưng họ đang cố tình lẩn tránh chúng ta.

Tại sao? Vì họ đã đạt đến trình độ công nghệ quá hiện đại, có thể quan sát chúng ta một cách dễ dàng, và họ không muốn sự hiện diện của mình ảnh hưởng đến sự phát triển của Trái đất. Hay nói cách khác, Trái đất giống như một sở thú khổng lồ đối với họ mà thôi.

Lý thuyết này thực ra rất có lý, xét trên một thực tế mà các chuyên gia đã tìm ra: sự sống có thể đã phát triển sớm và với tốc độ nhanh hơn trên các hành tinh khác. Cụ thể, tốc độ phát triển của nhân loại trong 100 năm trở lại đây có thể tiết lộ khả năng phát triển của những hành tinh có sự sống từ trước chúng ta cả trăm triệu năm.

Ball cho biết: "Các nền văn minh khác trẻ hơn chúng ta khoảng 100 năm sẽ không thể tìm ra cách liên lạc trong vũ trụ, vì 100 năm trước chúng ta cũng không làm được. Nhưng với những nền văn minh tồn tại trước ta khoảng 1000 năm thì chắc chắn có thể, bằng những công nghệ mà con người vẫn chưa thể tìm ra".

Và nếu lý thuyết này là đúng, vậy thì lý thuyết do Stephen Hawking đưa ra cũng đúng: những nền văn minh ngoài Trái đất vượt trội hơn so với chúng ta, và chúng ta chẳng là gì nếu so với họ. Giống như cái cách loài người nhìn vào những sinh vật khác không có trí tuệ trên Trái đất này.

Gần đây, Stephen Hawking cho rằng chúng ta không nên tìm cách liên lạc với người ngoài hành tinh, vì nếu như đụng phải một nền văn minh hiếu chiến, họ có thể không do dự mà tấn công Trái đất.

Người ngoài hành tinh sẽ chẳng coi chúng ta ra gì

Nhưng nhìn chung, dù có lý hay không thì đây cũng chỉ là một trong vô vàn giả thuyết được đặt ra về người ngoài hành tinh. Các nhà khoa học vẫn phải tiếp tục hành trình đi tìm bằng chứng để chứng minh chúng.

Từ giờ đến lúc đó, chúng ta chưa phải lo gì đâu, ngoài việc sáng dậy sớm đi học làm, tối về ăn cơm với mẹ là được rồi.

 

Theo Trí Thức Trẻ