Khi ông Miura không còn bí ẩn 

Thất bại ở AFF Cup 2014, sau đó là SEA Games 28, nhưng chiếc ghế của HLV Miura vẫn được đảm bảo, bởi ông nhận được sự ủng hộ của các cầu thủ lẫn người hâm mộ. 

Một điểm khiến ông Miura trở nên hấp dẫn và có thể giữ được chiếc ghế của mình bất chấp những thất bại của đội tuyển ở các giải đấu quan trọng vừa qua đó chính là sự bí ẩn.

Sự bí ẩn, khiến các cầu thủ nỗ lực để giành suất đá chính, sự bí ẩn giúp họ quyết tâm hơn vì tin rằng chỉ cần cố gắng sẽ được trao cơ hội và vì thế tinh thần của toàn đội luôn ở mức cao. Sự bí ẩn trong tập luyện, lối chơi và chiến thuật khiến đội tuyển dưới thời HLV Miura mang lại cảm giác họ vẫn chưa thể hiện sức mạnh tốt nhất của mình. 

Và vì thế, người ta tin rằng ông Miura sẽ còn giúp đội tuyển tiến bộ hơn nữa.  

miura-ee121
HLV Miura bây giờ đã không còn bí ẩn

Tuy nhiên, càng ngày sự bí ẩn của ông Miura càng mất đi và bắt đầu xuất hiện hình ảnh của một HLV có phần bảo thủ và cố chấp trong việc sử dụng nhân sự cũng như chiến thuật. 

Bất chấp phong độ của cầu thủ ấy ra sao, ông vẫn tin dùng những học trò đã ăn cơm tuyển cùng ông ngày mới sang Việt Nam, trong khi không trao cơ hội cho các nhân tố mới. Lối chơi của đội tuyển ngày càng đơn điệu với bóng dài và thiên về thể lực, thiếu đi sức sáng tạo, kỹ thuật vốn là điểm mạnh của cầu thủ Việt Nam. 

Và khi sự bí ẩn mất đi, vị chiến lược gia người Nhật đã tạo nên một hiệu ứng ngược đầy tiêu cực. Việc chỉ tin dùng một nhóm cầu thủ thân quen, bất chấp phong độ của họ ra sao, thậm chí nhiều cầu thủ mới trở lại sau chấn thương vẫn được đá chính, đã khiến ông Miura trở nên dễ đoán. Nguy hiểm hơn, đấy chính là mầm mống cho những bất công khi nhiều cầu thủ cảm thấy ức chế vì không được trao cơ hội. 

Tính cạnh tranh của đội tuyển mất đi, và theo đó tinh thần toàn đội cũng đi xuống. Những trận đấu gần đây nhất của đội tuyển thể hiện rõ điều ấy, riêng trong cuộc đọ sức với Đài Loan (TQ), 2 điểm mạnh nhất là tinh thần và khả năng tranh chấp thì chúng ta đều thất bại trước đối thủ chứ chưa cần bàn đến chuyên môn. 

Ông Miura liệu có thay đổi và giúp ĐT Việt Nam tiến bộ? 

Sở dĩ HLV Miura thất bại và bị đánh giá thấp ở Nhật Bản là do sự cố chấp và bảo thủ trong triết lý bóng đá của mình. Người Nhật cho rằng, mặc dù là "vua thất bại" với tỷ lệ số trận giành chiến thắng chỉ trên 20% nhưng vị lược gia này lại không chịu thay đổi với những lý thuyết ông học được từ Đức để phù hợp với bóng đá và cầu thủ Nhật Bản vốn mạnh về kỹ thuật và sáng tạo. 

Ông Miura là mẫu HLV đề ra đấu pháp và sơ đồ chiến thuật trước sau đó tuyển chọn cầu thủ phù hợp với triết lý bóng đá của mình chứ không phải mẫu nhà cầm quân xây dựng đội bóng dựa trên những gì mình đang có cho phù hợp với tố chất cũng như phát huy điểm mạnh của các cầu thủ. 

3434-424c7
Dưới thời HLV Miura, những cầu thủ như Văn Quyết, Công Vinh... phải làm quen với vị trí trái sở trường để phù hợp với triết lý bóng đá của ông thầy người Nhật. 

Lối chơi của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Miura chưa bao giờ cho thấy sự sắc nét, ngay cả hiệu quả trong tấn công cũng ngày càng kém đi. Chúng ta chưa bao giờ chơi giỏi bóng dài, lại không sở hữu những tiền đạo có thể hình và thể lực lẫn tốc độ tốt nhưng lại luôn trung thành với những đường chuyền vượt tuyến và các bài đánh tạt cánh, đánh đầu từ 2 biên. Trong khi khu trung tuyến hoàn toàn không sử dụng những tiền vệ có khả năng tổ chức cũng như sáng tạo. 

Tuy nhiên, như đã nói rất khó để vị chiến lược gia người Nhật thay đổi triết lý bóng đá của mình. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu đặt niềm tin vào HLV Miura và muốn thành công thì phải sự đồng bộ từ CLB cho đến đội tuyển, nghĩa là phải đào tạo ra những mẫu cầu thủ có lối đá phù hợp. Bóng đá Việt Nam, cầu thủ Việt Nam đều cần phải thay đổi. Rõ ràng điều này là rất khó và tốn nhiều thời gian. 

Chiến thắng trước Đài Loan (TQ) dù chỉ là may mắn, nhưng cũng giúp hy vọng vượt qua vòng loại của ĐT Việt Nam vẫn còn nguyên. Nhưng sau chiến thắng ấy, có lẽ chẳng mấy ai tin chúng ta có thể đánh bại Iraq và Thái Lan. 

HLV Miura sẽ không thay đổi, và liệu các cầu thủ có kịp thay đổi cho đến lúc có được chiến thắng để hoàn thành mục tiêu đề ra, khi mà lúc này niềm tin vào ông thầy người Nhật đã bắt đầu lung lay dữ dội?

Theo Trí thức trẻ