Hồ McDonald không chỉ là hồ lớn nhất, dài nhất và sâu nhất trong quần thể của Vườn Quốc gia Glacier, bang Montana (Mỹ) mà đây còn là nơi được thiên nhiên ban tặng cho những loại đá đủ màu sắc, tạo nên vẻ đẹp mê hồn cho du khách mỗi khi đến thăm.

Những viên sỏi đủ màu sắc đẹp như tranh vẽ.

Vườn quốc gia Glacier ở bang Montana của Mỹ, nằm gần biên giới với Canada được là nơi hội tụ của hơn 700 loại hồ khác nhau. Trong số này có khoảng 200 hồ có diện tích hơn hơn 2ha, hơn chục hồ có diện tích hàng ngàn mẫu Anh được bao bọc bởi các dãy núi.

Điều này đã tạo nên sự khác thường cho các loại hồ ở Montana. Hơn nữa, nước hồ ở đây cũng khá trong, độ ẩm cao, nhiệt độ thấp quanh năm nên các sinh vật phù du không có điều kiện sinh sôi nảy nở. Nhờ đó mà du khách khi tới thăm quan hồ có thể nhìn thấy rõ mọi chi tiết ở đáy hồ với độ sâu hơn 10m.

Một trong những đặc điểm đặc trưng và nổi bật nhất của một số hồ nước ở Montana chính là sự hiện diện của các loại đá màu và đá cuội với đủ màu sắc khác nhau, từ đỏ thẫm, nâu, xanh lá cây cho tới xanh da trời, vàng, tím...

Nước hồ trong vắt như gương và nhiệt độ khá thấp nên ít có sinh vật phù du sinh sống.

Từ trên cao có thể nhìn xuống tận đáy hồ.


Khung cảnh huyền ảo tưởng chỉ có trong tranh.


Trong số này, tiêu biểu nhất là hồ McDonald (ở phía Tây của Vườn quốc gia Glacier), nơi tập trung nhiều loại đá màu và đá cuội nhất. Hồ McDonald không chỉ là hồ lớn nhất, với diện tích bề mặt hơn 2.000 ha mà còn là hồ dài nhất với hơn 15 km và sâu nhất (khoảng 141 m) trong số các hồ trong quần thể của Vườn quốc gia Glacier.

Màu sắc của đá dưới hồ được quyết định bởi việc có chứa sắt hay không. Ví dụ, đá màu đỏ tươi ở dọc con đường mòn Grinnel Glacier là do quá trình lắng đọng của khoáng sản ở môi trường biển nông, nơi mà sắt bị ô-xy hóa do thủy triều dâng. Loại đá màu này thường thô ráp hoặc có vết nứt của bùn cổ. Đá màu xanh đậm được hình thành ở vùng nước sâu hơn so với đá đỏ. Mặc dù loại đá này cũng có hàm lượng sắt tương tự như đá đỏ, song quá trình ô-xy hóa lại ít hơn và chậm hơn.

Những viên sỏi đủ màu sắc, kích cỡ khác nhau.




Đá xanh thường gặp nhiều hơn ở hồ Otokomi, trong khi đá đỏ thẫm tập trung chủ yếu ở ven bờ hồ McDonald và dọc nhánh sông McDonald, quanh hồ Trout là nơi tập kết của đá đỏ và xanh giàu hàm lượng sắt. Các loại đá màu này đang quy tụ quanh Vườn quốc gia Glacier và được hình thành vào các thời điểm khác nhau.

Khi các dòng sông băng chảy tới đã phá vỡ các khối đá lớn thành nhiều mảnh nhỏ và cuốn chúng đi theo dòng nước. Rất nhiều viên đá nhỏ sau đó đã lắng đọng ở các hồ, kể cả hồ nhỏ ven núi và lấp đầy lòng hồ. Chính sự xói mòn của dòng nước đã làm cho những viên đá, sỏi trở nên nhẵn, sạch và mịn hơn.

Ngoài vẻ đẹp tự nhiên của các viên đá màu dưới lòng hồ, Vườn quốc gia Glacier còn nổi tiếng bởi sự đa dạng của các loài động vật có vú, trong số đó có sóc Urocitellus Columbianus, cừu Bighorn và dê núi.

(Nguồn: Amusing Planet)
 Theo Trí Thức Trẻ