- Những người thầy lớn trong đời chị gồm những ai?

Bên cạnh thầy An Thuyên phát hiện, cho tôi cơ hội học tập, cô Hà Thủy trực tiếp giảng dạy kỹ thuật thanh nhạc và truyền lửa, còn một người thầy tôi luôn trân trọng là nhạc sĩ Hà Dũng - người giúp định hướng con đường âm nhạc và bản lĩnh sân khấu của ca sĩ chuyên nghiệp. Nếu như thiếu đi 1 trong 3 người thầy này, tôi sẽ không được như hôm nay.

Tôi rất may mắn khi bước chân vào nghề được những thầy cô đầy kinh nghiệm dạy bảo. Thầy Thuyên nghiêm khắc nhưng mẫu mực và độ lượng. Ông rất thương tôi, thường gọi cô trò nhỏ là "bông hoa quỳnh".

Cô Hà Thủy đã nâng tầm giọng hát tôi. Qua năm tháng rèn luyện cùng cô, tôi từ hát bản năng thành người có nền tảng kỹ thuật khá vững chắc. Mỗi khi mệt mỏi hay buông xuôi, tôi luôn được cô thắp lửa, tiếp thêm động lực để tiến lên.

Thời còn là cô gái rụt rè, nhút nhát và bỡ ngỡ với showbiz, nhạc sĩ Hà Dũng giúp tôi tự tin, mạnh dạn trên sân khấu. Sau mỗi đêm diễn, ông luôn là người đầu tiên nhận xét thẳng thắn, công tâm để tôi biết mình yếu ở đâu mà khắc phục.

Mỗi người thầy ở mỗi giai đoạn trong đời đều vô cùng quan trọng. Tôi mãi mãi biết ơn họ.

Hồ Quỳnh Hương: Tôi đâu có nhiều tiền, tạm ổn thôi-1
Hồ Quỳnh Hương 2 lần tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội năm 2002 và Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội năm 2013.

- Hồ Quỳnh Hương tuổi mộng mơ, cắp sách đến trường trông thế nào?

Ngày nhỏ, tôi gầy guộc, nhỏ người, nước da rám nắng do bay nhảy nhiều. Tôi yêu thích văn nghệ, thường xuyên tụ tập đám bạn hàng xóm tổ chức hát múa, đóng kịch…

Ở trường, tôi cũng rất nghịch ngợm, tham gia không sót trò quấy phá nào của học sinh. Chắc do mình cởi mở nên khá đông bạn bè và được thầy cô quý mến, đến giờ vẫn thường giao lưu với bạn học phổ thông. 

Vì ham chơi, lần nào về nhà tôi cũng làm mất một cái dép, một bên giày, thường xuyên bị mẹ đánh đòn và phạt nhiều. (cười)

- Thời chị học cao đẳng, đại học thế nào? Đã từng bị cô Hà Thủy siêu khó tính "gõ đầu" như bao sinh viên khác?

Trường quân đội rất kỷ luật và nền nếp, chỉ một tiếng kẻng, chúng tôi biết giờ nào đi ngủ, thức dậy, giờ ăn, giờ học... Tất cả phải chuẩn chỉnh, nghiêm khắc, ai không chấp hành nội quy sẽ bị phạt ngay.

Tôi từ người quen tự do, ở nhà được bố mẹ chiều chuộng phải mất một thời gian làm quen. Từ đầu, tôi xác định phải học nghiêm túc và chăm chỉ, những bài tập luyện thanh khó đến mấy cũng cố vượt qua.

Cô Hà Thủy nổi tiếng khó tính. Những lúc tôi học chưa đạt yêu cầu, cô cũng nổi nóng nhưng sau đó lại động viên và an ủi. Là sinh viên, việc bị "gõ đầu" bình thường, tôi cũng như mọi người thôi.

Cứ thế, tôi đã được nuôi ăn ở, học hành, thậm chí được nhận trợ cấp hằng tháng nhờ thành tích học giỏi, luôn đạt loại A.

Khi trở lại học đại học, tôi gặp chút áp lực do mình đã nổi tiếng nhưng cũng là thuận lợi khi mình đã có kinh nghiệm biểu diễn, giọng hát cũng trưởng thành hơn nhiều. 

- Nhiều sinh viên trường nhạc sợ đi học vì thầy cô quá khắt khe, hay nặng lời khi họ làm chưa tốt. Ngược lại, dạy hát chưa bao giờ dễ dàng, từng có giảng viên ngất giữa lớp vì quá tải cảm xúc. Từng là trò và giờ là thầy, chị nhìn nhận thế nào?

Tôi nghĩ đã làm nghệ thuật đừng sợ thầy cô khắt khe, sự khó tính hay nói nặng cũng chỉ muốn học sinh học tốt hơn.

Ngay từ đầu đã không chịu được áp lực học tập, sau này bạn làm nghề sẽ không trụ nổi bởi môi trường nghệ thuật khắt khe hơn rất nhiều. Là học sinh, bạn làm sai chỉ bị thầy cô phê bình; là ca sĩ, bạn có thể bị công chúng chỉ trích, thậm chí quay lưng.

Hồ Quỳnh Hương: Tôi đâu có nhiều tiền, tạm ổn thôi-2
Hồ Quỳnh Hương trên sân khấu.

Khi dạy, tôi luôn hỏi từ đầu về khả năng chịu áp lực nghề nghiệp của các bạn. Nếu không chịu được, bạn nên chuyển nghề vì nghệ thuật luôn phải tiếp xúc và đối diện với số đông.

Tôi từng tham gia dạy ở Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, sau vì không thể thu xếp công việc nên chuyển sang nhận đào tạo học trò tại nhà và trung tâm nghệ thuật.

Tôi dạy học sinh theo năng lực của từng người. Mỗi bạn đều có giáo án riêng, không áp dụng chung. Tôi chỉ nghiêm khắc trong giờ học, ngoài đời vẫn là người chị, đồng nghiệp của các bạn. Tôi luôn kiểm soát cảm xúc khi dạy học, tránh tạo không khí căng thẳng, học sinh sẽ sợ và không tiếp thu được bài.

- Nhiều học trò nổi tiếng nhưng chẳng biết công chị "rút ruột" truyền lửa, vì sao vậy?

Tôi muốn âm thầm làm người đứng sau, các bạn thành công chính là kết quả học tập của cả cô và trò. Nhiều khi cứ khoe người học hay người dạy, vô hình trung lại tạo áp lực cho các bạn. Tôi dặn các bạn cứ theo học nhưng không nhất thiết phải nói học cô Hương.

- Người ta nói "Hồ Quỳnh Hương chẳng có gì ngoài tiền" - có phải lý do chị kiên trì theo nghề giáo dù không mang lại thu nhập cao?

Trời! Tôi đâu có nhiều tiền, cũng tạm ổn thôi. Với tôi, dạy học là niềm yêu thích, mong muốn chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều năm làm nghề cho người trẻ. Vì vậy, tôi xác định không kiếm tiền bằng nghề dạy học, sẽ kiếm tiền bằng công việc khác để nuôi đam mê.

Hồ Quỳnh Hương: Tôi đâu có nhiều tiền, tạm ổn thôi-3
Myra Trần là một trong những học trò của Hồ Quỳnh Hương.

Tôi yêu quý và ngưỡng mộ các thầy cô của mình. Chính vì học được rất nhiều điều hay từ họ, tôi khát khao truyền tải đến học sinh, chỉ đơn giản vậy thôi.

- Quỹ thời gian của chị hiện rất eo hẹp, ngoài tất bật kinh doanh còn trở lại ca hát và dành thời gian vun vén tình yêu, thời gian và tâm trí nào dành cho việc dạy học?

Tôi có trợ lý lo việc sắp xếp thời gian, thông báo lịch học đến các bạn. Hiện tại, tôi ít dạy cơ bản mà thiên về dạy kỹ năng. Các học sinh hầu hết hát khá ổn, tham gia các bài học thời lượng ngắn và cô đọng nên việc học và trả bài rất nhanh.

- Chị mong muốn, kỳ vọng gì nhất trong sự nghiệp giảng dạy?

Giống như các thầy cô, tôi mong muốn học trò hát thật tốt, giữ được ngọn lửa trong tim, thành công trong sự nghiệp và trở thành nghệ sĩ thực thụ về nghề nghiệp lẫn đạo đức. Riêng tôi sẽ luôn luôn dạy học trò bằng tất cả tâm huyết cùng lòng yêu nghề.

Theo Vietnamnet