Trao đổi với PV, LS Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc công ty Luật TNHH Đông Hà Nội giải thích pháp luật hiện hành quy định về quyền im lặng như thế nào:


Quyền im lặng từ lâu đã được ghi nhận trong pháp luật của một số quốc gia trên thế giới. Theo đó, quyền im lặng là sự thể hiện quyền tự bảo vệ mình của người bị bắt, bị can, bị cáo khi không phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hay tự buộc mình có tội.

Luật pháp quốc tế công nhận quyền này và phán xử dựa trên chứng cứ.Theo đó, một công dân được mặc định là vô tội cho đến khi các cơ quan tố tụng chứng minh được người đó có tội.

Trước thời điểm bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực thi hành, pháp luật Việt Nam hiện hành không có bất cứ quy định nào về quyền im lặng.

Quyền này mới chỉ manh nha xuất hiện tại khoản 4, điều 31 Hiến pháp năm 2013, nó gắn liền với quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người bào chữa. Đây là quyền tự do dân chủ trọng yếu của công dân; trở thành nguyên tắc tố tụng căn bản phải được tôn trọng và triệt để thực hiện.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng


Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành 2003 không quy định người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, có quyền từ chối đưa ra lời khai, nhưng quy định họ có quyền được trình bày lời khai và tự bào chữa cho chính mình.

Nếu bị can vẫn giữ quyền im lặng, cơ quan điều tra không thể cưỡng chế khai báo được. Chỉ đến khi bộ luật Tố tụng hình sự 2015 ra đời thì quyền im lặng mới được quy định gián tiếp thông qua một số điều luật.

Điểm d khoản 1 điều 58 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt; Điểm c khoản 2 điều 59 về người bị tạm giữ; Điểm d khoản 2 điều 60 về bị can; Điểm h khoản 2 điều 61 về bị cáo đều có quy định những người nêu trên có quyền: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Ngoài ra, “quyền im lặng” còn được ghi nhận gián tiếp trong một số điều luật khác. Điểm b khoản 1 điều 73 quy định người bào chữa có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.

Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc, người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.

Tại khoản 3, Điều 309 cho phép tại phiên toà, trong giai đoạn xét hỏi, nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì HĐXX, kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án.

Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo được đặt câu hỏi với bị cáo khác về các vấn đề có liên quan đến bị cáo.

Cũng cần phải lưu ý rằng, quyền im lặng không loại trừ quyền khai báo của người có tội, do đó người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo có quyền khai báo sau khi được giải thích về quyền im lặng.

Việc nhận tội của bị can, bị cáo luôn được xem là tình tiết giảm nhẹ trong quyết định hình phạt đối với bị cáo.

Tuy nhiên, bộ luật Tố tụng hình sự 2015 mới được Quốc hội thông qua mà chưa có hiệu lực thi hành, nghĩa là cho đến thời điểm này, pháp luật Việt Nam không có bất cứ quy định nào về “quyền im lặng”.

Hoa hậu dùng "quyền im lặng" thế nào?

- Khi bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực thi hành, quyền im lặng sẽ bảo vệ bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ như thế nào, thưa luật sư?

Quyền im lặng sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn cho công lý, cho quyền con người và hoạt động tư pháp.

Hoa hậu Phương Nga tại phiên xử.


Nó thể hiện ở chỗ, công dân khi bị tình nghi và bắt buộc phải khai báo với cơ quan điều tra, họ có quyền giữ im lặng cho đến khi có sự hiện diện của luật sư do mình yêu cầu hoặc do cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định, việc điều tra, truy tố, xét xử sẽ được thực hiện trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu thập được mà không phụ thuộc quá lớn vào lời khai của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo.

Trường hợp hoa hậu Phương Nga là một ví dụ điển hình. Bị cáo Nga không trình bày lời khai của mình tại giai đoạn điều tra mà đến khi vụ án được đưa ra xét xử, bị cáo mới thực hiện quyền trình bày ý kiến của mình.

- Việc áp dụng quyền im lặng phải chăng là sự an toàn tuyệt đối cho bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ?

Quyền im lặng không bao giờ là tuyệt đối, quyền im lặng không đồng nghĩa với việc không nói gì, không khai gì, không trả lời, không làm gì khi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng yêu cầu người bị tình nghi thực hiện tội phạm thực hiện những nghĩa vụ của họ theo đúng quy định của pháp luật.

Rõ ràng, “thành khẩn khai báo” là một tình tiết giảm nhẹ quan trọng. Nếu trường hợp nào cũng sử dụng quyền im lặng thì chính đặc quyền này đã tước đi quyền được hưởng tình tiết giảm nhẹ trong tố tụng hình sự.

Trường hợp của bị cáo Nga, mặc dù tại giai đoạn điều tra, Nga thực hiện quyền im lặng, nhưng đến khi vụ án được đưa ra xét xử, bị cáo mới trình bày nội dung liên quan đến “hợp đồng tình ái”.

Vậy nếu lời khai trước tòa của bị cáo Nga được chứng minh là đúng thì bị cáo có thể chứng minh mình không phạm tội hoặc nếu có phạm tội, bị cáo vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo” theo quy định tại điều 46, bộ luật Hình sự.

Theo Vietnamnet