Ngày 21/6, Hà Nội có văn bản hoả tốc về việc tiếp tục duy trì, thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.
Căn cứ tình hình thực tế và đề xuất của các đơn vị về việc nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch, từ 0h ngày 22/6, UBND thành phố Hà Nội cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà đảm bảo khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, ngồi không quá 50% công suất chỗ ngồi và không quá 20 người, đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Nhà hàng rượu, quán rượu, bia, bia hơi chỉ được phép bán hàng mang về.
Chính quyền yêu cầu chủ các cơ sở dịch vụ phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Khách hàng phải khai báo y tế, lập danh sách, kiểm soát, đối chiếu thông tin khách hàng hàng ngày.
Hà Nội giao các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định trong công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, UBND TP yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao ý thức, trách nhiệm các cấp, các ngành và người dân về công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ cao.
Các đơn vị duy trì chế độ thường trực 24/24/7 để sẵn sàng triển khai ngay các biện pháp truy vết khoanh vùng xử lý kịp thời khi phát sinh các ca bệnh hoặc các trường hợp liên quan.
Thường xuyên nắm bắt, cập nhật danh sách thông tin của người lao động tại địa phương gắn với thông tin di biến động trong khu vực; kiểm tra phương án phòng chống dịch, đánh giá nguy cơ trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đảm bảo mọi phương án sẵn sàng khi tình huống phát sinh.
Sở Y tế chỉ đạo toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh trên bàn thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong khuôn viên; thường xuyên sàng lọc các nguy cơ tiềm ẩn; tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố đang phát sinh ca mắc mới trong cộng đồng. Tăng cường tổ chức tầm soát, xét nghiệm sàng lọc chủ động tại các khu vực có nguy cơ cao để đánh giá nguy cơ, khả năng lây nhiễm, đề xuất phương án phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Công an thành phố chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường các chốt trực lưu động để kiểm tra lượng phương tiện ra vào các cửa ngõ của thành phố.
Quản lý toàn bộ lưu lượng phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, gắn với di biến động của lực lượng lao động, người dân giao thương giữa Hà Nội và các địa phương vẫn ghi nhận các ca mắc mới như TP.HCM, Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh và thành phố Đà Nẵng.
Đề nghị Cụm Cảng hàng không Nội Bài kiểm soát toàn bộ danh sách hành khách thường trú, lưu trú trên địa bàn thành phố trên các chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội, để kịp thời giám sát khi có tình huống phát sinh.
Toàn bộ người dân thực hiện nghiêm việc khai báo y tế online trong thời gian 24 giờ từ khi quay trở về thành phố.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo chính quyền, lực lượng chức năng cơ sở, tổ Covid-19 cộng đồng rà soát, nắm bắt, quản lý danh sách người từ các địa phương khác trở về Hà Nội, trong đó lưu ý người từ TP.HCM, Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh và thành phố Đà Nẵng để quản lý, giám sát chặt chẽ.
Chính quyền khuyến cáo nhân dân Thủ đô chỉ di chuyển qua các địa phương nêu trên trong trường hợp thực sự cần thiết, thực hiện đầy đủ thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị