Với sự phát triển của điện ảnh Việt, lực lượng hóa trang cũng từng bước được nâng cấp về mặt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của nhà làm phim lẫn khán giả.
Dần thu hẹp khoảng cách
Phim Cám của đạo diễn Trần Hữu Tấn (ra rạp từ ngày 27-9) thu hút sự chú ý với tạo hình của các nhân vật, trong đó có Cám do Lâm Thanh Mỹ thủ diễn.
Cám trong dị bản kinh dị lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám có tạo hình lạ lẫm. Nửa khuôn mặt biến dạng khiến Cám tự ti, luôn dùng khăn che lại. Để có được tạo hình này, đạo diễn và nhà sản xuất phải nhờ vào bàn tay tài năng của các chuyên gia hóa trang.
"Chúng tôi hạn chế sử dụng kỹ xảo nhất có thể vì việc hóa trang tạo hình diễn viên sẽ mang đến lợi thế nhiều hơn. Diễn viên được hóa trang sẽ cảm nhận được lớp hóa trang trên cơ thể và dễ có cảm xúc hơn là tự tưởng tượng khi diễn trên phông xanh rồi về hậu kỳ kỹ xảo. Sự chân thật, cảm xúc trong diễn xuất của diễn viên dễ truyền tải đến khán giả, khiến họ tin hơn vào câu chuyện" - đạo diễn Trần Hữu Tấn phân tích.
Chuyên gia hóa trang Chang Belevia (trái) trên trường quay phim “Cám”. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Theo ông Tấn, ngành hóa trang trong điện ảnh Việt đã tiến bộ rất nhiều. "Chúng ta chưa bằng được Hollywood hoặc những nền điện ảnh lớn nhưng cũng đã tiệm cận họ bằng thực lực của mình. Tôi cũng như nhà sản xuất luôn thẳng thắn hỏi đội ngũ hóa trang có làm được tạo hình đó như kịch bản yêu cầu hay không, rồi hai bên cùng thảo luận về chi phí, thời gian để có được hiệu quả tốt nhất" - ông thông tin.
Theo những người trong cuộc, vài năm gần đây, số lượng phim kinh dị, ma mị trong nước ngày càng tăng. Các phim này đều sử dụng phương pháp hóa trang đặc biệt, giúp đội ngũ làm nghề tăng cả số lượng lẫn chất lượng. Họ chia sẻ kinh nghiệm với nhau, giúp nhau tiến bộ. Nhìn chung, lực lượng hóa trang Việt Nam đã dần thu hẹp khoảng cách với điện ảnh nước ngoài về kỹ thuật.
Không ngừng học hỏi
Hóa trang bình thường chỉ là tạo hình nhân vật về răng, tóc, khuôn mặt… để vẻ ngoài hợp với yêu cầu của đạo diễn, kịch bản. Với hóa trang đặc biệt, chuyên gia tốn nhiều công sức hơn và đa phần khâu chuẩn bị mất từ vài tháng trở lại. Việc chuẩn bị trước mọi thứ ở phần tiền kỳ sẽ giúp tiết kiệm thời gian tối đa khi đến trường quay.
Chuyên gia hóa trang Chang Belevia (tên thật Thùy Trang, từng tham gia hóa trang nhân vật trong nhiều phim: Tết ở làng Địa Ngục, Kẻ ăn hồn, Cám, Hai Muối…) cho biết đội hóa trang của chị khi thực hiện phim Cám đã quy tụ đến 8 người mới đủ làm mọi việc trên trường quay.
Trước đó, Chang Belevia mất gần nửa năm để nghiên cứu về tạo hình nhân vật, mua nguyên vật liệu, lấy số liệu từ gương mặt diễn viên thủ vai, nặn đất sét làm khuôn rồi đổ silicon tạo hình. Sau đó, phần được tạo hình sẽ thử lên người diễn viên, bảo đảm họ an toàn về da và thoải mái về cảm xúc để có thể lột tả nhân vật. Công đoạn này cũng tiến hành vài lần mới ổn. Khi ra trường quay, chị phải mất thêm 4 giờ để hóa trang nhân vật Cám hoàn chỉnh.
Thực tế cho thấy ngành hóa trang phim Việt hiện nay đã có nhiều tiến bộ. Số lượng các phim kinh dị tăng cũng góp phần tạo nên môi trường cho lực lượng hóa trang trau dồi, học hỏi, nâng cao tay nghề. Nhà sản xuất, đạo diễn cũng có nhiều yêu cầu về hóa trang đặc biệt hơn so với trước đây và chịu đầu tư chi phí, thời gian. Khó khăn thường thấy là khâu mua nguyên vật liệu - thường phải đặt mua ở nước ngoài và chờ khoảng một tháng hoặc hơn mới có. Nếu đặt mua quá gấp, giá cả sẽ rất cao.
Việc ngành hóa trang trong phim Việt tiến bộ là một tín hiệu đáng mừng. Bởi lẽ, điều này giúp đạo diễn, biên kịch, nhà làm phim dám nghĩ và thực hiện những ý tưởng mà trước đây vốn rất khó khăn về hóa trang.
"Người làm hóa trang phải đam mê, nhiệt huyết mới theo đuổi được nghề này. Không chỉ phải theo sát đoàn phim quay ở nhiều tỉnh, thành, mà họ còn phải học hỏi không ngừng, cập nhật kiến thức từ nước ngoài về các kỹ thuật mới, cách sử dụng nguyên vật liệu mới..." - chuyên gia hóa trang Chang Belevia cho biết.
Theo Người Lao Động