Thời kỳ phong kiến ở Trung Quốc là một hệ thống quyền lực triều đình tập trung cao độ. Do đó, hoàng đế là người có quyền lực hơn cả và được ví như con trời (thiên tử).
Đội ngũ đi theo hầu hạ hoàng đế nhiều không kể hết, nhưng trong đó tiêu biểu nhất là các phi tần trong hậu cung. Khi hoàng đế còn sống, họ không chỉ chịu trách nhiệm sinh con nối dõi mà còn là minh chứng cho một triều đại thịnh vượng cũng như quyền lực của đế vương.
Theo phong tục, khi hoàng đế qua đời, một số phi tần cũng sẽ phải an táng theo. Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều có chung số phận.
PHI TẦN KHÔNG ĐƯỢC SỦNG ÁI NHƯNG VẪN PHẢI LÀM TRÒN BỔN PHẬN
Trong hậu cung, có một số phi tần không được hoàng đế sủng ái, đa số những người này đều sẽ được phân phó nhiệm vụ canh giữ lăng tẩm.
Vì họ không được sủng ái khi còn sống nên cũng không được “đi theo” hoàng đế sang thế giới bên kia. Những người này không còn lựa chọn khác nên phải về trông giữ lăng mộ cho hoàng đế.
Tưởng như được sống sót là điều may mắn, nhưng thực tế cuộc sống của những người ở lại không bằng những thê thiếp đã bị chôn vùi.
Dù là thê thiếp không được sủng ái thì dù sao họ cũng là cung nữ của hoàng đế, cuộc sống của họ tốt hơn nhiều so với cung nữ bình thường. Họ chưa chắc đã được ăn những món sơn hào hải vị nhưng bù lại được đối xử nhẹ nhàng và có chừng mực.
Mặt khác, việc không được sủng ái còn giúp họ tránh xa những âm mưu tranh đấu chốn cung đình, có thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất, ăn một số món mình thích nên cuộc sống cũng không đến nỗi tồi tệ.
Tuy nhiên khi hoàng đế qua đời, họ sẽ trở thành những người cung nữ chăm sóc cho lăng mộ. Một khi đã trở thành cung nữ của lăng, họ phải ăn uống thanh đạm. Sở dĩ họ phải ăn uống như vậy là để bày tỏ lòng thành kính với hoàng đế đã băng hà cũng như sự tiếc thương đối với sự ra đi của bậc quân vương.
Khi còn làm phi tần ở trong cung, những người này vẫn có thể ngắm hoa trong vườn và mặc một số bộ y phục đẹp và sang trọng.
Nhưng sau khi trở thành người canh gác lăng của vua, họ buộc phải mặc thường phục mỗi ngày và để mặt mộc. Đây cũng là một trong những quy định để bày tỏ sự thành kính với hoàng đế.
SỐNG KHÔNG BẰNG CHẾT
Mặc dù còn sống nhưng trong lòng những người phi tần này đã phải chịu đựng sự dày vò nghiêm trọng. Tinh thần suy nhược lâu ngày cũng sẽ dẫn đến suy sụp và thay đổi. Vì vậy thường có cung nữ canh giữ lăng mộ phát điên.
Còn có một lý do khác khiến cuộc sống của các cô gái này trở thành “thảm kịch”. Đó là một số thê thiếp từng xuất thân trong các gia đình lớn và có một cuộc sống được nuông chiều.
Nhưng bây giờ họ bị đưa vào một nghĩa trang và trở thành người bảo vệ lăng nên mọi việc nặng nhọc đều phải tự làm. Hơn nữa, công việc của người trông coi lăng là phải kiểm tra hàng ngày để mọi thứ ở bên trong phải sạch sẽ. Một khi phát hiện có thất thoát hay bụi bẩn thì họ sẽ bị nghiêm trị.
Thêm vào đó, trước đây các phi tần trong cung tuy không được hoàng đế sủng ái nhưng ít nhất cũng có thể tiêu khiển, tán gẫu để tìm niềm vui. Nhưng khi hoàng đế băng hà, họ buộc phải giữ khuôn mặt u sầu.
Hơn nữa, thời phong kiến rất chú trọng nghi thức tế lễ nên mỗi khi đến lễ hội lớn, công việc của các phi tần và thê thiếp rất nhiều. Với những lý do được kể trên, tích tụ lâu ngày cũng sẽ khiến lòng người dần “méo mó”, mất đi những cảm xúc bình thường.
Một số người sẽ đặt ra câu hỏi vì sao những phi tần này lại chấp nhận cuộc sống bi kịch đến như vậy. Câu trả lời duy nhất đó là “họ không dám”.
Nếu không may để xảy ra vấn đề gì thì gia đình họ sẽ bị liên lụy. Vì vậy các phi tần canh giữ lăng chỉ có thể chịu đựng từng ngày cho đến khi suy sụp tinh thần, cuối cùng cũng cạn kiệt sức lực mà qua đời.
Theo Pháp Luật Bạn Đọc