Hoàng hậu là vị trí mà biết bao nhiêu người mơ ước, bởi vì khi ngồi vào vị trí này, bất kỳ cô gái nào cũng có thể trở thành một bà hoàng với nhung lụa bao quanh, vàng bạc châu báu, xa xỉ phẩm và hàng ngàn đặc ân quyền quý sang trọng.
Tuy nhiên, mặt trái của việc ngồi vào vị trí này chính là dễ bị xoáy vào những thói hư tật xấu của chính những điều xa xỉ bên trên. Chỉ cần sa đà một chút thôi là có thể trở thành một Hoàng hậu mang danh hoang phí muôn đời và có thể trả giá bằng chính mạng sống của mình như vị Hoàng hậu tai tiếng bậc nhất nước Pháp - Marie Antoinette.
Tuổi thơ êm đềm của Công chúa Marie Antoinette từng được Mozart muốn lấy làm vợ
Chân dung Hoàng hậu Marie Antoinette. (Nguồn ảnh: History.com)
Trước khi trở thành một hoàng hậu tai tiếng với những bê bối xung quanh tình tiền, quyền lực, Marie Antoinette vốn chỉ là một cô Công chúa nhỏ, sinh ra trong hoàng tộc nước Áo vào năm 1755 với mẹ là Công tước nước Áo, đồng thời cũng là Nữ hoàng nước Hung và Bohmen, còn cha là vua của nước Đức. Sinh ra trong một gia đình đầy quyền lực như thế, Marie đã mang theo rất nhiều tước hiệu cao quý như nữ Công tước Áo, Công chúa đế triều, Công chúa vương triều của Hung và Bohmen.
Và cũng chính vì cái gốc quyền quý của gia đình như vậy, mà ngay từ khi còn bé, Marie đã được đào tạo bài bản để trở thành một nữ quý tộc với lối ăn mặc luôn luôn là váy phồng cao cấp, mái tóc được bới cao chỉn chu, trên người lúc nào cũng được trang hoàng bằng hàng trăm loại trang sức đắt tiền. Ngoài ra, Công chúa nhỏ Marie còn được giáo dục kỹ lưỡng với các môn học nhảy múa, diễn kịch, lịch sử, hội họa, đọc và viết, kiến thức chính trị, toán học và ngoại ngữ.
(Nguồn ảnh: History.com)
Công chúa cũng thừa hưởng được nét đẹp từ người mẹ Nữ hoàng của mình, nên ngay từ những năm đầu đời, Marie luôn được khen ngợi bởi nhan sắc chim sa cá lặn với đôi mắt to, trong xanh, chiếc mũi nhỏ xinh xắn, đôi môi đỏ rực, tóc màu bạch kim và đôi má lúc nào cũng hây hây hồng. Chưa hết, nhan sắc của Marie thậm chí còn làm điên đảo biết bao nhiêu cậu bé thanh niên cùng thời, trong đó, nổi tiếng nhất còn có thần đồng âm nhạc Mozart.
Sử sách ghi lại rằng, vào năm 1762, khi cả hai còn là những đứa trẻ, lời đồn về tài năng thiên bẩm giúp Mozart mới 6 tuổi được mời lên kinh đô Vienne trình diễn trước văn võ bá quan triều đình Áo đã vang khắp châu Âu.
Buổi trình diễn của cậu bé đã khiến toàn thể người dự khán kinh ngạc và nhiệt liệt tán thưởng. Khi được Nữ hoàng hỏi muốn nhận được phần thưởng gì sau buổi biểu diễn, cậu bé Mozart đã đề nghị xin được cưới Công chúa Marie Antoinette làm vợ.
(Ảnh minh họa)
Tuy lời đề nghị này được Nữ hoàng khéo léo từ chối, nhưng điều đó cũng chứng minh phần nào về nhan sắc khó cưỡng của Công chúa Marie Antoinette. Sau này Mozart thường kể lại về hồi ức của mình với trang giai nhân Marie và không thể tin được rằng trong tương lai, đó sẽ là một bà hoàng để lại nhiều tai tiếng.
Trở thành Hoàng hậu Pháp và bắt đầu những tháng ngày ăn chơi phóng đãng
(Ảnh minh họa)
Vào năm 15 tuổi, Công chúa Marie được gả sang cho Thái tử nước Pháp – Louis XVI thông qua một cuộc hôn phối chính trị giữa các hoàng tộc với nhau. Sau đó, Marie chính thức trở thành Công nương nước Pháp.
Đám cưới của cặp đôi quyền lực này diễn ra không lâu sau đó. Ngày lên xe hoa và tiến từ quảng trường vào cung điện để chính thức trở thành người của hoàng gia Pháp, nhan sắc của tân Công nương Marie Antoinette đã khiến hơn 50.000 người ở thủ đô Paris tràn ra ngắm nhìn và chào đón. Thậm chí đám đông phấn khích trước Marie tới mức, đã có ít nhất 30 người bị giẫm đạp đến chết vì chen nhau chiêm ngưỡng nhan sắc của nàng.
Không lâu sau khi Loius XV băng hà, chồng nàng trở thành Vua vào năm 1774. Marie Antoinette chính thức lên ngôi Hoàng hậu nước Pháp khi chưa đầy 20 tuổi. Lên ngôi Hoàng hậu vào cái tuổi còn quá trẻ, dường như Marie vẫn chưa quen với kiểu cách của một bà hoàng cùng những lễ nghi rờm rà và những quy tắc nghiêm khắc. Vì thế Hoàng hậu Marie thường xuyên cảm thấy chán nản.
Chưa kể, việc cả triều thần ai ai cũng lén dòm ngó nhan sắc của nàng, trong khi người chồng Hoàng đế Louis XVI thì dửng dưng, bỏ mặc nàng để lao vào những thú vui như săn bắn, sưu tầm đồ quý đã khiến Marie như một con chim buồn bã sống trong lồng, không hề có tự do và tình yêu.
(Ảnh minh họa)
Thế là sau những ngày cô đơn, chỉ biết vui vầy với âm nhạc và hội họa trong cung điện, Hoàng hậu Marie đã bạo gan lẻn ra ngoài cùng với hai cận thần để thăm thú cuộc sống bên ngoài cho khuây khỏa. Nào ngờ, chính những lần vi hành này đã khiến vị Hoàng hậu trẻ tuổi sa đà vào những thú chơi trần tục của thành Paris, nào là đánh bạc, uống rượu, khiêu vũ trong những bữa tiệc xa hoa…
Thậm chí, bà còn có thú vui ngâm mình trong những bồn tắm dát vàng có đầy rượu vang đỏ đắt tiền và ăn những thứ sơn hào hải vị được tìm kiếm mang về cung điện từ khắp nơi trên thế giới.
(Ảnh minh họa)
Chưa hết, những thú vui của Marie ngày càng tăng nhanh chóng về độ xa xỉ như bà rất mê thời trang, đặc biệt là những chiếc váy phồng được thiết kế cầu kỳ, sang trọng, tất nhiên cái giá của chúng cũng không hề rẻ. Ngoài ra bà còn thích sưu tầm giày, bà có một thợ đóng giày riêng và tất cả những đôi giày bà có đều phải làm nên từ các loại vật liệu đắt tiền nhất.
Sắc đẹp lộng lẫy với chiều cao 1m68, vòng một 93, vòng eo 58 và trang phục xa hoa của Hoàng hậu trẻ tuổi này đã đi vào giai thoại, lan rộng khắp nước Pháp và toàn châu Âu.
Hoàng hậu Marie Antoinette còn nổi tiếng với việc thường xuyên tổ chức những cuộc vui chơi xa hoa tột đỉnh, không tiếc tiền mở các vũ hội và cho mời rất đông công tước, công nương trong và ngoài nước tham dự với khoản kinh phí khổng lồ lấy từ ngân sách, trong khi tình hình tài chính của đất nước ngày càng tồi tệ.
Điều này đã kéo theo sự phẫn nộ của dân chúng toàn nước Pháp lúc bấy giờ, nhưng Hoàng hậu Marie nào có quan tâm, bà vẫn ngày đêm đắm mình trong những cuộc chơi và sử dụng tiền của ngân khố một cách vô tội vạ.
(Ảnh minh họa)
Đáng sợ hơn là Hoàng hậu còn cho xây dựng cung điện Petit Trianon bên cạnh cung điện Versailles mà Louis XVI dành cho nàng. Cung điện Petit Trianon vẫn còn tồn tại đến ngày nay với những trang trí nội thất tuyệt vời, tinh xảo, một nhà hát ngay trong khuôn viên và điện thờ thần tình yêu trong vườn.
Marie Antoinette còn cho xây dựng một nơi nghỉ mát nông thôn theo kiểu Wienne. Ở đây, nàng thường đóng giả làm cô gái vắt sữa bò. Những chiếc âu đựng sữa bằng sứ được tạo theo khuôn ngực của chính Hoàng hậu (như hình tượng của nàng Helen thành Troy).
Cái kết của một Hoàng hậu xinh đẹp và tai tiếng bậc nhất châu Âu
(Nguồn ảnh: History.com)
Tuy nhiên, tất cả kéo dài không bao lâu thì vụ án kim cương 2.800 carats đã đưa hình ảnh của Hoàng hậu Marie Antoinette xuống bùn lầy mặc dù có thể nói, đây là một sự vụ từ trên trời rơi xuống và Hoàng hậu không liên quan.
Chuyện là có một vị Tổng giám mục vì quá đam mê trước nhan sắc và sự quyền quý của Hoàng hậu mà đã bị một nhóm người lợi dụng. Đám người này giả mạo tự xưng là thân tín của Hoàng hậu và muốn sắp xếp cho vị Tổng giám mục và Hoàng hậu một cuộc gặp gỡ nho nhỏ, đám người này cũng nói luôn là Hoàng hậu rất thích kim cương.
Vì thế Tổng giám mục đã chuẩn bị một chuỗi kim cương tinh xảo và cực kỳ đắt tiền để đi gặp Hoàng hậu. Nhưng tất nhiên, đây chỉ là một cái bẫy và ngay sau đó, chuỗi kim cương bị cướp mất. Vụ án lan truyền với tốc độ chóng mặt trên khắp châu Âu, và dù không liên quan nhưng chính vì sự phung phí ăn chơi của mình, Marie đã làm không ít người ghét, gọi bà bằng danh xưng "Hoàng hậu chúa chổm".
(Ảnh minh họa)
Sau lần này, biết mình bị quá nhiều người căm phẫn, và tuổi cũng không còn trẻ, Hoàng hậu Marie liền thay đổi tâm tính, lui về trở lại thành một bà Hoàng nền nã, một người vợ chu đáo và một người mẹ của 4 đứa con.
Tuy nhiên, đã quá muộn cho một đài các phóng đãng quay đầu. Tháng 7/1789, Cách mạng Pháp bùng nổ và giành thắng lợi. Ngày 21/1/1793, vua Louis chồng bà bị hành quyết. Sau đó bà bị giam cầm, cũng trong thời gian này, con trai bà qua đời vì căn bệnh lao, con gái bị tách khỏi mẹ (hai người con trước đó nữa đều đã qua đời khi tuổi còn nhỏ).
(Nguồn ảnh: History.com)
Ngày 14/10, Marie Antoinette bị đem ra xét xử trước tòa án cách mạng. Cũng giống như đức vua, bà bị xử có tội và kết án tử hình. Ngày 16/10/1793, Marie Antoinette bị dẫn ra quảng trường Concorde, nơi xử án. Lúc này, bà mới chỉ 38 tuổi, nhưng hình hài tiều tụy, trong bộ quần áo rách rưới của nông dân, mái tóc bạc, xơ xác. Hình ảnh mà mọi người nhìn thấy lúc này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh Hoàng hậu lộng lẫy và cao ngạo 4 năm về trước.
Giờ phút cuối cùng, Marie Antoinette vẫn gắng ngồi thẳng, cất cao đầu trong tư thế đường hoàng của một vị Hoàng hậu. Lưỡi dao vung lên, và mái đầu rơi xuống, kết thúc cuộc đời của người phụ nữ đã từng có thời rạng rỡ quyến rũ, có sức mê hoặc và đặt chân lên tột đỉnh vinh quang khắp nước Pháp và toàn bộ châu Âu.
Theo Trí Thức Trẻ