Có lẽ cho đến tận ngày nay, thông tin về tam cung lục viện có hàng trăm mỹ nữ của các Hoàng đế Trung Hoa không còn làm chúng ta quá bất ngờ. Và tất nhiên, thời nào cũng vậy, người ta nói nữ nhân một khi đã sống chung với nhau thì có khối chuyện xảy ra thì nói chi hàng trăm phi tần chốn hậu cung lại chung chồng và đua nhau tranh sủng.
Nào là đố kỵ, ghen ghét, thậm chí là đánh ghen diễn ra mỗi ngày khiến hậu cung vô tình trở thành một chiến trường mà người thường bên ngoài ít được biết đến.
Những màn đánh ghen đó, có lẽ chúng ta đã biết phần nhiều, nào là phá thai, nào là vu khống hãm hại đối thủ, cho đến dùng thuốc độc kết liễu mạng sống của tình địch cũng không phải hiếm. Tuy nhiên, giữa những trò đánh ghen cay độc đẫm máu đó, cũng có không ít màn đánh ghen phải gọi là… văn minh hơn, không máu me, không bạo lực như màn đánh ghen có 1-0-2 của vị Hoàng hậu trong triều đại Nam – Bắc Triều của Trung Hoa phong kiến dưới đây, nhưng cái giá phải trả cho màn đánh ghen này quá đắt…
(Ảnh minh họa)
Hoàng hậu hiền lành có cuộc sống yên ả
Vị Hoàng hậu đó không ai khác chính là Viên Hoàng hậu. Sử sách không ghi chép nhiều về lai lịch cũng như tuổi thơ của bà, chỉ biết bà có tên là Viên Tề Quy, sinh vào khoảng năm 405, trong một gia đình quan viên, với cha là Viên Đam, mẹ là Vương Thị.
Bà được hứa hôn từ nhỏ với Lưu Nghĩa Long Hoàng tử (tức là Lưu Tông Văn Đế sau này), bởi cha bà và Lưu Tông Vũ Đế - cha của Lưu Nghĩa Long là hai người bạn rất thân thiết. Việc hứa hôn này là một việc phải nói là hết sức bình thường vào thời đó. Sau này chính thức kết hôn, bà trở thành Hoàng tử phi và được chồng yêu thương hết mực.
Sau đó, Lưu Tông Vũ Đế qua đời vào năm 422, huynh trưởng của Lưu Nghĩa Long là Thái tử Lưu Nghĩa Phù lên ngôi, lấy hiệu là Lưu Tông Thiếu đế. Tuy nhiên, chưa tròn hai năm sau, Lưu Tông Hiếu đế bị một số quan đại thần phế vị, vì cho rằng ông không đủ khả năng trị nước, chỉ lo ham chơi suốt ngày. Và thế là Lưu Nghĩa Long chính thức lên ngôi, lấy hiệu Lưu Tông Văn Đế, còn Viên Tề Quy chính thức trở thành mẫu nghi thiên hạ. Bà hạ sinh cho chồng được hai người con là Thái tử Lưu Thiệu và công chúa Lưu Anh Nga.
(Ảnh minh họa)
Câu chuyện cuộc đời của bà có thể nói là yên ả và bình thường trong khoảng thời gian này, vì trước sau, chồng bà vẫn yêu thương bà hết mực, sủng ái và vô cùng chiều chuộng bà. Tuy nhiên, sóng gió kéo tới khi có sự xuất hiện của một phi tần khác, chính vị phi tần này là nguồn cơn của đòn đánh ghen "hòa bình" của Viên Hoàng hậu, khiến bà phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Hoàng hậu thử lòng Hoàng đế bằng 30 vạn lượng bạc
Vị phi tần kia, không ai khác chính là Phan Thục phi, một người phụ nữ nham hiểm nhưng rất khéo léo, có tài ăn nói lại trẻ trung xinh đẹp muôn phần, ăn đứt chính cung Hoàng hậu Viên Thị. Vì thế, dù mới vào cung, Phan Thục phi rất được Lưu Tông Văn Đế sủng ái.
Về phần Phan Thị thì ngoài ngọt nhạt để lấy lòng Hoàng đế, cô ta còn có một sở thích khác đó chính là châm chọc Viên thị Hoàng hậu. Ả luôn ba hoa khắp tam cung lục viện về tình yêu và sự sủng ái mà Lưu Tông Văn Đế dành cho mình, có lần ả còn nói rằng, sẽ có ngày mình soán ngôi được Hoàng hậu và leo lên vị trí mẫu nghi thiên hạ.
(Ảnh minh họa)
Một lần, trước mặt Viên Hoàng hậu, Phan Thục phi khoe rằng, một khi cô ta cần tiền thì Hoàng đế sẽ không bao giờ từ chối, dù số tiền cô ta muốn là bao nhiêu. Hoàng hậu Viên Thị vô cùng tức giận, vì bình thường, bà biết chồng Lưu Nghĩa Long Văn Đế của mình là người rất tiết kiệm, mỗi lần ban cho Hoàng hậu chỉ được khoảng vài ba vạn đồng là nhiều thì hà cớ gì lại có thể tặng cho một Thục phi số lượng tiền bất kể số lượng kia.
Để giải tỏa sự ngờ vực và ấm ức trong lòng, đồng thời muốn làm bẽ mặt Phan Thục phi vì cô ta dám nói xằng nói bậy về chồng, Hoàng hậu Viên Thị liền bày kế thử lòng Lưu Nghĩa Long. Hoàng hậu mượn danh của Phan Thục phi ngỏ ý đòi Hoàng đế cho 30 vạn đồng, số tiền phải nói là gấp 10 lần Lưu Nghĩa Long hay ban cho Hoàng hậu. Ngờ đâu, chẳng mấy chốc sau đó Lưu Nghĩa Long đã đưa ngay đến 30 vạn đồng không thiếu một xu nào. Và rồi, Viên Hoàng hậu nhìn số tiền mà thẫn thờ, uất nghẹn không nói nên lời.
(Ảnh minh họa)
Màn đánh ghen im lặng đến chết có 1-0-2 trong lịch sử Trung Hoa
Từ đó, cho hả cơn giận chồng, bà cho người báo với Lưu Nghĩa Long rằng mình đang mang bệnh nặng, không muốn gặp ai, cũng không muốn nói chuyện với bất kỳ ai. Bà luôn tìm cách tránh gặp mặt Lưu Nghĩa Long, ông đến cung thì bà đóng cửa, ông cho gọi thì bà cáo bệnh, ông xuất hiện ở đâu thì bà tránh tới nơi đó. Chưa kể cơn giận của bà còn lây sang tới người con trai Thái tử, bà đã tránh gặp mặt và nói chuyện với con luôn.
Và suốt những tháng ngày vì giận chồng, sống trong nỗi cô đơn buồn bã, không giao thiệp, tiếp xúc hay ăn uống gì nhiều, bà đã lâm bệnh nặng và qua đời. Thậm chí, tới tận khi nhắm mắt xuôi tay, bà vẫn kiên quyết không làm hòa với người chồng Hoàng đế của mình.
Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Văn Đế Lưu Nghĩa Long nắm chặt tay Hoàng hậu Viên Thị, hỏi bà có muốn nhắn nhủ điều gì với ông không, nhưng bà chỉ nhìn chồng bằng ánh mắt căm hờn, rồi kéo chăn che kín mặt, kiên quyết không thèm nhìn mặt ông. Bà qua đời khi chỉ mới 36 tuổi.
(Ảnh minh họa)
Sau khi Viên Hoàng hậu qua đời, nghe kể lại cớ sự về cái chết của mẹ mình, Thái tử Lưu Thiệu rất giận dữ và thề quyết tâm trả thù cho mẹ mình. Thái tử đã bày mưu tạo phản không lâu sau đó, tự tay giết chết cha ruột và vị Phan Thục phi nham hiểm ngày nào. Cái giá phải trả cho đòn đánh ghen có 1-0-2 trong lịch sử Trung Hoa phong kiến này phải nói là quá đắt.
Thế đấy, thời nào cũng vậy, dù Hoàng hậu, cung tần mỹ nữ hay nữ tử dân thường đi chăng nữa thì cũng đều là đàn bà, cũng đều biết giận hờn và ghen tuông. Nhưng im lặng đến chết có lẽ là đòn đánh ghen vừa độc lạ, lại vừa hiếm có ai dám làm. Bởi khi im lặng là tự chuốc vào mình những nỗi uất ức, buồn bã và những cơn giận dữ thấu trời xanh không sao xả ra được để gây đòn tâm lý khiến đối phương phải bị giày vò về mặt tinh thần, cuối cùng ai cũng phải trả giá và cái giá lại rất đắt, chính là mạng sống.
Theo Thời Đại