- Vì sao chị quyết định bế con trai sang Singapore đoàn tụ với chồng thay vì ngược lại?
Anh Jack - chồng của Hoàng Oanh - mắc kẹt ở Singapore từ đầu tháng 3. Nhiều tháng qua, anh nỗ lực đăng ký với Đại sứ quán Việt Nam, chưa kể tôi làm hồ sơ bảo lãnh thăm thân nhưng đều không được. Vợ chồng xa cách nhau, lại đúng lúc sinh nở như thế này thật sự buồn lắm chứ.
Tôi chỉ ao ước gia đình được đoàn tụ, tận hưởng những ngày tháng thiêng liêng này. Do đó, kế hoạch chuyển sang hướng tôi và con sang Singapore. Anh Jack lập tức thông qua công ty xin bảo lãnh cho vợ con. Quá trình duyệt cũng khó khăn, mất khoảng hai tuần thì hai mẹ con được chấp nhận. Lúc này, Max đã vài tháng, có thể di chuyển bằng máy bay nên tôi phần nào an tâm.
Quan trọng hơn, khi ấy tình hình dịch ở Việt Nam lẫn Singapore đều được kiểm soát ổn định. Và khi sang đến Singapore, hai mẹ con tự cách ly 14 ngày tại nhà qua sự kiểm tra của chính quyền. Đây là may mắn và thuận tiện vì Max còn nhỏ, khó cách ly tại trại tập trung.
Ngay khi nắm được thông tin, hiểu rằng đây là cơ hội quý giá gia đình ở bên nhau, tôi quyết định thực hiện ước mơ suốt nhiều tháng qua. Ông bà hai bên ban đầu cũng lo lắng nhưng dần tin tưởng vào vợ chồng tôi.
Hoàng Oanh và con trai Max Cole.
- Chị nói gì trước ý kiến "Hoàng Oanh quá liều, đưa con đi máy bay thời điểm Covid-19 còn nguy hiểm"?
Từ khi bắt đầu kế hoạch, hai vợ chồng tôi và người thân tích cực tìm hiểu các thông tin cần thiết. Nhận được ngày chỉ định bay, tôi lập tức tìm vé. Trùng hợp hạng thương gia của chuyến bay hôm đó hoàn toàn trống.
Khoang thương gia còn có giường cho em bé nằm ngủ, giúp con thoải mái suốt hai giờ bay. Ngoài ra, hãng cho nhân viên theo sát hỗ trợ khách từ Sài Gòn đến Singapore. Do đó, tôi quyết định đặt ngay vé thương gia.
Ngoài ra, tôi bảo hộ kỹ lưỡng cả hai mẹ con. Do không có trang phục dành cho trẻ sơ sinh, tôi phải mua vải kháng khuẩn (làm khẩu trang y tế) về may đồ bảo hộ cho con. Tôi tính toán kỹ thời gian sinh hoạt của Max nhằm cho con bú sữa, đi vệ sinh trước khi vào sân bay. Việc này giúp con không phải cởi đồ bảo hộ trong quá trình di chuyển.
Sau đó, tôi hoàn toàn bế con trên tay, từ làm thủ tục an ninh đến kiểm soát vé lên máy bay. Tôi muốn hạn chế tiếp xúc tối đa người lạ ở sân bay. Ngoài ra, tôi phải đóng thùng đồ đạc, gửi sang Singapore từ nhiều ngày trước. Do đó, hai mẹ con không phải khệ nệ hành lý.
Dĩ nhiên, bậc làm cha mẹ, tôi bất an lắm chứ. Nhưng chuyến đi này chỉ có 1% liều lĩnh thôi, còn lại 99% là sự trách nhiệm, chuẩn bị kỹ lưỡng. Khi đến Singapore, tôi thở phào nhẹ nhõm, tạ ơn trời Phật phù hộ.
Tôi biết mình may mắn vì vẫn còn hàng trăm nghìn hoàn cảnh xa chồng, xa con, gián đoạn học tập lẫn việc làm, kẹt ở xứ người... Tôi cầu mong mọi điều bình an và mọi người có cơ hội đoàn tụ người thân, sớm trở lại cuộc sống bình thường.
- Cuộc sống hiện tại của chị ở Singapore ra sao?
Tôi đã hoàn tất cách ly theo quy định của Chính phủ Singapore. Tôi từng du lịch vài lần nên không có bỡ ngỡ, khác biệt văn hóa nào tại đây. Hiện hai vợ chồng sống ở một căn hộ chung cư. Anh Jack vẫn phải làm việc ở nhà. Còn tôi dành hết thời gian trong ngày chăm sóc cho con.
Ban đầu, tôi muốn xin cho cả bà ngoại theo sang cùng nhưng không được chấp thuận. Do đó, tôi biết mình sẽ phải tự chăm sóc con mà không có sự giúp đỡ của bà ngoại nữa. Nhưng khó khăn trở thành động lực, giúp mình cố gắng nhiều hơn.
Chỉ có điều hiện con biết lật, hay lật lung tung. Tôi cũng sợ lắm nên không dám rời con nửa bước.
Max vui đùa bên bố Jack.
- Max đón nhận bố như thế nào?
Thời gian kẹt ở Singapore, Jack luôn tranh thủ mọi lúc rảnh gọi điện đàn hát cho con. Đến lúc con chào đời, anh cũng giữ cách giao tiếp ấy qua video call. Nhờ vậy, con biết được mặt và giọng nói của bố.
Khi gặp nhau, Max nhận ra bố và rất quấn. Hai bố con bây giờ quấn quýt lắm, khiến nhiều khi tôi đùa: "Chồng chỉ biết con thôi mà quên mẹ rồi".
- Chị thấy Max giống bố hay mẹ nhiều hơn?
Con thừa hưởng dáng người dài, mái tóc màu nâu, da trắng giống bố. Còn đôi mắt lại thừa hưởng từ mẹ. Nên tôi hay gọi con là "Nhóc Tây mắt hí". Nói vui vậy chứ tôi mong con lớn lên cao ráo, mạnh khỏe và trở thành một người đàn ông bản lĩnh.
- Ông xã phụ chị chăm con ra sao?
Hầu hết đàn ông đều lóng ngóng chuyện chăm con so với phụ nữ. Tôi hướng dẫn anh những bài học cơ bản nhưng cũng để chồng tự thực hiện, rút kinh nghiệm. Jack chưa biết thay tã, nhiều lúc dính vết bẩn ra tay, ga trải giường. Hay những lúc giỡn với con, Jack hơi mạnh tay nên tôi phải nhắc anh cẩn thận một chút.
Ngoài chuyện đó, anh ấy chăm Max thuần thục từ cho bú đến tắm cho con. Anh ấy hứa sẽ cố gắng nhiều hơn, có thể tự chăm con một mình để vợ yên tâm ra ngoài. Tôi nghe vậy thấy hạnh phúc lắm.
Riêng tôi học thêm nhiều kinh nghiệm chăm con từ ông bà lẫn sách vở. Tôi muốn hình thành cho bé những thói quen, sinh hoạt điều độ ngay từ bé. Lúc mới sinh, con bú năm cữ mỗi đêm. Nhiều khi hai mẹ con trằn trọc suốt đêm.
Hiện tôi tập cho Max chỉ bú một cữ mỗi đêm. Điều này giúp con ngủ sớm và sâu hơn trước.
- Nhìn lại quá trình sinh con, chị thấy sao?
Một buổi sáng bình thường, tôi bỗng đau bụng dữ dội, phải vào bệnh viện khám. Bác sĩ bảo con đã xuống sâu, nguy cơ sinh non. Nhưng nếu sinh ở tuần 33, hệ hô hấp chưa phát triển, dễ khiến con mang những căn bệnh về hô hấp suốt đời.
Lúc đó, bác sĩ phải chích thuốc giảm cơn gò, chích thêm cho thai nhi phòng trường hợp sinh non cũng không xảy ra vấn đề nguy hiểm nào. Và trường hợp con so sinh non là nguy cơ cho những lần mang thai sau rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Tôi được yêu cầu phải giữ thai nhi ít nhất một tháng. Việc vận động phải thật chậm, nếu không đi lại tôi phải nằm hẳn trên giường nghỉ ngơi. Có lúc tôi muốn trào nước mắt luôn vì không nghĩ nghiêm trọng như vậy.
May mắn đến tuần thứ 37, con chào đời bình an và không phải nằm lồng kính, theo dõi đặc biệt nào. Khoảnh khắc ôm con vào lòng mà thương lắm. Con chỉ nặng 2,7 kg, bé quá nên tôi chỉ cầu mong nuôi con béo lên (cười).
Vì thế, có những hôm tắc sữa, bầu ngực đau nhức nhưng tôi chịu khó massage giúp sữa lưu thông, cho con bú. Mình vất vả đôi chút nhưng con phát triển khỏe mạnh thì không có gì hạnh phúc hơn.
- Nhiều bà mẹ trẻ thường trầm cảm sau sinh. Chị thì sao?
Chưa bao giờ tôi nghĩ gặp vấn đề trầm cảm. Nhưng thực tế bao nhiêu thử thách khiến cảm xúc tiêu cực cứ ập đến. Có những hôm tôi nổi giận với con vì con khóc quá nhiều. Hôm khác, tôi lại bần thần cả ngày, ngồi một mình suy nghĩ lung tung.
Chợt nhận thấy tâm lý không ổn, tôi chọn cách nói chuyện với mẹ và em gái, nhờ mọi người quan sát và giúp đỡ.
Tôi cũng chia sẻ với chồng. Jack bảo chắc tôi đọc nhiều sách vở nên nhầm lẫn dấu hiệu. Anh động viên tôi lạc quan lên, giữ tinh thần phấn chấn. Chưa kể, lúc đó Jack cũng cách ly một tháng tại nhà theo quy định của Chính phủ Singapore. Một thân một mình, xa vợ xa con rồi lẩn thẩn trong nhà cũng khiến anh ấy stress lắm.
Song anh cố giữ tinh thần phấn chấn, cố quan tâm, điện thoại trò chuyện với vợ. Nhờ vậy, tôi nhanh chóng vượt qua cảm xúc tiêu cực lúc đó. Qua câu chuyện của mình, tôi mong những những người chồng hãy biết quan tâm vợ sau sinh. Phụ nữ thường gặp nhiều vấn đề, cần được giúp đỡ và ủng hộ từ gia đình.
Hoàng Oanh bên con trai lúc đầy tháng.
- Chị có kế hoạch gì cho tương lai gần?
Lần này qua Singapore, tôi dự tính mình sẽ sống khoảng 6 tháng vì chưa biết dịch khi nào được kiểm soát ổn định. Vì vậy, tôi muốn sớm làm quen cuộc sống mới, ví dụ tự đi lại bằng tàu điện, kết nối với cộng đồng người Việt ở Singapore. Như vậy mọi thứ mới trở lại nhịp sống bình thường được, chứ nếu ở nhà hoài chắc mình khùng luôn quá.
Tâm lý của tôi giờ ổn định hơn nên dự tính sớm trở lại công việc. Từ lúc có nguy cơ sinh non, tôi hoàn toàn ở nhà. Mọi thu nhập đều "đóng băng" khoảng 8 tháng rồi, buộc mình sử dụng khá nhiều tiền tiết kiệm để trang trải.
Sang đây, ông xã lo hết cho vợ con. Nhưng tôi muốn tự chủ tài chính nên sẽ cân nhắc nhận các công việc online, kết nối trở lại với khán giả.
Tương lai xa hơn, tôi hy vọng dịch được kiểm soát an toàn trên toàn thế giới, cuộc sống sớm trở lại bình thường. Và Tết Nguyên đán sắp tới, hai vợ chồng cùng Max có thể trở về Việt Nam đón Tết. Quê hương, gia đình vẫn luôn là những điều thiêng liêng nhất.
Theo Ngoisao