Chọn sản phẩm uy tín, có nhãn hiệu rõ ràng
Chỉ có 135 loại thuốc diệt côn trùng đã được bộ Y Tế cấp phép sử dụng trong y tế và gia dụng. Như vậy trên thị trường vẫn còn vô số những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc và xuất xứ. Đa phần chúng đều chứa thành phần hoá học gây nhiễm độc đường hô hấp, tiếp xúc nhiều lần có thể gây ung thư, đặc biệt dễ làm trẻ em nhiễm độc khi hít phải. Sản phẩm chứa hoá chất càng mạnh, côn trùng chết càng nhanh thì khả năng gây ngộ độc cho người sử dụng càng cao. Bên cạnh đó dư lượng thuốc tồn đọng trong môi trường có thể gây ô nhiễm cho cả nguồn nước, không khí, đất,...
Để bảo vệ chính mình và môi trường sống xung quanh, không nên sử dụng các sản phẩm diệt công trùng giá rẻ, không rõ nhãn mác và nguồn góc. Hãy chọn mua những sản phẩm có gốc Pyrethrine, thuộc nhãn hiệu uy tín, được sử dụng rộng rãi và có giấp phép của bộ Y Tế bạn nhé!
Phun thuốc đúng nơi, đúng thời điểm
Tuỳ theo liều lượng, địa bàn và thời tiết lúc phun mà thuốc diệt côn trùng có tác dụng từ 3 – 6 tháng. Vì vậy chúng mình chỉ nên phun thuốc định kỳ từ 3 – 6 tháng mà thôi. Tốt nhất sau khi phun thuốc từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ nên mở cửa cho thoáng khí. Không nên để trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người già vào phòng mới xịt thuốc diệt côn trùng để tránh những tác dụng phụ của thuốc.
Khi phun thuốc, tránh dùng thuốc trong những môi trường chật hẹp và khép kín như phòng tắm. Nên phun theo nguyên lý từ trên cao, lan toả ra ngoài để các hạt thuốc phủ đều trên diện tích cần phun. Ngoài ra người phun phải phun giật lùi, cách khoảng 0.5 – 1 mét để tránh các hạt thuốc diệt côn trùng siêu nhỏ bay vào mắt.
Xử lý các kiểu ngộ độc do thuốc diệt côn trùng
Tai nạn thường thấy nhất khi sử dụng sản phẩm diệt côn trùng là thuốc dính vào cơ thể, ở nồng độ lớn có thể gây kích ứng, bỏng rát da. Lúc này cần mau chóng thay quần áo mới và rửa sạch vùng dính thuốc bằng nước lạnh. Tương tự, nếu bị vấy thuốc vào mắt cần ngâm mắt vào nước ngay. Nước sẽ làm loãng nồng độ thuốc và giúp làm giảm sự kích ứng.
Trường hợp vô tình đưa thuốc vào miệng, cần lập tức súc miệng sạch thật nhiều lần và dùng than hoạt tính mua tại hiệu thuốc tây để rửa ruột. Tiếp theo người uống phải thuốc diệt côn trùng cần nhanh chóng tới bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và cho thuốc chống độc nếu cần nhé!
Khi dùng bất kỳ loại thuốc diệt côn trùng nào luôn phải có ý thức đầy đủ về tính độc hại của nó. Cẩn thật khi sử dụng và không lạm dụng thuốc là điều cần thiết để tránh các ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Với các trường hợp ngộ độc thuốc diệt côn trùng, nên bình tĩnh cấp cứu và đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất càng nhanh càng tốt.
Theo Tri Thức Trẻ