Bất cẩn của bố dẫn đến trẻ hóc dị vật

Trong những ngày vừa qua, bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ nhập viện do hóc dị vật, có tuần tới 4-5 ca. Dị vật thường là đồng xu, đồ chơi, cúc áo... Đặc biệt một số trường hợp trẻ nuốt phải các vật sắc nhọn như đinh vít, dây xích… đe dọa gây thủng thực quản. Các cháu bé này đều được gia đình cho cầm đồ để chơi và không có người lớn giám sát.

Như trường hợp của cháu bé Nguyễn L.N (5 tháng tuổi, ở Hà Tĩnh) vào viện trong tình trạng sốt cao, quấy khóc, ho, khò khè. Các bác sĩ đã tiến hành chụp X-quang và tình cờ phát hiện có dị vật bằng kim loại gây áp-xe thành thực quản kèm theo viêm phổi. Bệnh nhân được can thiệp nội soi, gắp ra dị vật là chiếc đinh vít dài 1cm. Theo gia đình, trước đó bé và chị gái có cầm đinh vít để chơi, tuy nhiên gia đình hoàn toàn không biết trẻ hóc dị vật lúc nào.

Gần đây nhất là trường hợp hóc dị vật của một bé trai, 2 tuổi, ở Vĩnh Phúc, vào viện ngày 11/3. Trẻ vô tình nuốt phải vật trang trí hình con dê bằng kim loại trong khi cầm đồ vật này nghịch chơi. Phim chụp X-quang cho thấy dị vật nằm ở thực quản cổ, một phần ở thực quản, một phần ở vùng hạ họng. Dị vật có các móc sắc nhọn ghim chặt vào cổ họng, gây đau đớn cho bé. Dị vật ở ngay hạ họng nên đã được gắp ra nhanh chóng, tuy nhiên niêm mạc sàn họng bị chảy máu.

Theo TS.BS Phan Thị Hiền, phụ trách khoa Nội soi, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, do bệnh nhi còn nhỏ, dị vật cắm sâu gây loét sâu xung quanh thành thực quản nên việc gắp ra rất khó khăn. Sau nhiều nỗ lực, các bác sĩ đã can thiệp thành công mà không gây thêm tổn thương cho trẻ.

BS Hiền cũng cho hay, những trường hợp này nếu chậm trễ, để lâu sẽ dẫn tới thủng thực quản, nguy hiểm đến tính mạng. Sau ca nội soi, bệnh nhi tiếp tục được điều trị viêm phổi.

Với bản tính tò mò, hay khám phá, trẻ có thể dễ dàng nuốt cả những vật to hay hình thù đa diện một cách nhanh chóng, nếu không được phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm. Sự bất cẩn của người lớn khi không chú ý hoặc lơ là với trẻ. Cho trẻ chơi những loại đồ chơi nhiều chi tiết nhỏ như đồ chơi tháo lắp bao gồm nhiều đinh ốc nhỏ dễ khiến trẻ thuận tay cho vào miệng và nuốt theo quán tính.

Trẻ bị hóc dị vật như các trường hợp trên không phải là hiếm gặp do trẻ nhỏ với bản tính hiếu động, tò mò, hay có thói quen cho các vật cầm ở tay vào miệng. Dị vật vô tình rơi vào đường thở hoặc thực quản gây ra những hậu quả khôn lường, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Do đó, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý không để trẻ chơi các đồ chơi nhỏ, sắc nhọn, không nên đeo đồ trang sức cho trẻ, luôn giám sát, không để trẻ chơi một mình, BS Hiền nhấn mạnh.

phòng ngừa hóc dị vật ở trẻ
Hóc dị vật là một trong các tại nạn nguy hiểm có thể gặp ở trẻ. Đây là nguyên
nhân gây tử vong cao nếu không cứu chữa kịp thời. Ảnh minh họa


Nhận biết dâu hiệu khi trẻ hóc dị vật

Khi trẻ hóc dị vật trong lúc đang ăn uống hay ngậm chơi những đồ vật nhỏ đột ngột ho sặc sụa, khó thở, trợn mắt, mặt tím tái. Tình trạng hít sặc có thể chỉ thoáng qua như trẻ ho vài tiếng, tím nhẹ rồi tự hết nhưng có những trường hợp trẻ tím tái nặng, ngưng thở và tử vong. 

Nếu dị vật bít một phần đường thở trẻ sẽ thở rít kèm theo ho rũ rượi, cơn ho dồn dập, mặt đỏ gay. Cơn ho này kéo dài sau đó dịu đi, chỉ còn những tiếng ho rải rác. Sau đó trẻ trở lại bình thường, thỉnh thoảng xuất hiện những đợt ho sặc tương tự trở lại, rất dễ tử vong trong giai đoạn này.

Nếu không phát hiện được tình huống điển hình như trên, nhiều ngày sau trẻ thường nhập viện vì tình trạng viêm phổi tái phát kéo dài, hoặc áp-xe phổi do có dị vật đường thở bị bỏ quên.

Đề phòng hóc dị vật ở trẻ

Để phòng tránh tai nạn này, nhà có trẻ nhỏ các bậc phụ huynh nên cẩn thận không rời mắt lúc trẻ chơi đùa.

Không cho trẻ chơi những đồ chơi có kích thước nhỏ. Cất giữ cẩn thận các vật sắc nhọn trong nhà, để xa tầm tay tầm nhìn của trẻ, không để gần nơi trẻ chơi, ngủ. Đặc biệt các đồ chơi lego những đồ chơi nhiêu phụ kiện nhỏ ly ti nên rất nguy hiểm khi trẻ nhuốt phải. 

Vì thế, không cho trẻ cầm chơi, cũng không để gần trẻ các đồ vật nhỏ đang dùng. 

Nếu nghi ngờ trẻ nuốt phải vật lạ, không móc họng gây ói mà nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được điều trị thích hợp kịp thời.

Nếu trẻ có dấu hiệu ngưng thở hoặc khó thở nặng, thực hiện ngay thao tác vỗ lưng, ấn ngực để trẻ không bị ngạt thở.

 Những người chăm sóc trẻ nên cảnh giác với nguy cơ dị hóc dị vật dẫn đến sặc ở trẻ và biết cách xử lý khi có sự cố xảy ra. 
 
Theo Trí Thức Trẻ