Những ngày này, Hà Giang trở thành điểm nóng sau khi kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã kết thúc. Câu chuyện của nhiều người dân nơi đây xoay quanh chủ đề “điểm thi bất thường”.

"Kỳ thi năm nay lạ lắm"

Chị Nguyễn Ngọc Hà, người bán hàng đối diện trường THPT chuyên Hà Giang, nói mấy hôm nay, chị thường xuyên đọc báo, cập nhật thông tin về vụ điểm thi bất thường ở Hà Giang. Đây cũng là chủ đề mà chị Hà và con gái trao đổi mỗi ngày.

Nữ phụ huynh kể con gái mình từng là học sinh giỏi 12 năm liền, hiện là sinh viên năm thứ hai đại học, nói với mẹ: “Đề thi năm nay khó lắm, thế mà nhiều học sinh quê mình điểm cao”.

Nhà chị Hà đối diện cổng trường nên hàng năm chứng kiến cảnh học sinh sau mỗi mùa thi. Năm nào phụ huynh cũng ngồi uống nước ở quán chị, kể những câu chuyện học hành, thi cử, ngóng đợi con. Nhưng năm nay, phụ huynh đưa con đi thi với tâm lý thoải mái hơn. Họ đưa con đến rồi về nhà, quán nước của chị cũng... ế khách.

Chị Hà bảo năm ngoái, không ít học sinh Hà Giang thi xong "khóc như mưa", nhưng năm nay nhiều em hớn hở lắm, bảo làm được trên 80% bài thi.


Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - cùng đoàn công tác của bộ này đang có mặt tại Hà Giang để rà soát, điều tra nghi vấn điểm thi cao bất thường. Ảnh: Q.Q

Chị Thùy Minh, một người dân ở đây, cho rằng chị cũng thấy sự bất thường, làm sao có chuyện Hà Giang lại giỏi hơn các tỉnh, thành "đất học" như Hà Nội, Nam Định, Nghệ An? Thông tin về “điểm thi bất thường ở Hà Giang” đã thu hút sự chú ý của người dân.

Tìm ra tiêu cực khó lắm nhưng tôi nghĩ cần điều tra làm rõ. Đừng để đồng tiền đâm toạc điểm thi”, chị Minh mong muốn.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, chị Thùy Minh bảo người dân nơi đây nghèo. Có những đứa trẻ vùng cao thỉnh thoảng mới có bữa cơm thêm miếng thịt. Phần lớn học sinh học trường phổ thông nội trú, cố gắng theo hết lớp 12, chỉ số ít vào đại học. Còn tại thành phố Hà Giang, nhất là trường THPT chuyên của tỉnh, nhiều học sinh là con nhà có điều kiện.

Mỗi giờ tan học, ôtô xếp hai làn dài trước cổng trường”, chị Minh nói.

Nhiều người dân cho rằng giàu hay nghèo ở đâu cũng có học sinh cố gắng và đạt điểm thực chất. Nhưng những tiêu cực gây bất công ở Hà Giang cầm làm rõ để đảm bảo sự công bằng trong học tập của các em.

Buồn vì bị miệt thị trên mạng

Ngọc Hà - học sinh vừa thi xong lớp 12 ở Hà Giang, kể, lực học ở trường của em là tiên tiến và kết quả thi cũng phản ánh đúng điều đó. Ba môn để xét tuyển đại học của nữ sinh là 18 điểm.

Là người trong cuộc, nữ sinh hiểu rõ kỳ thi có những bất thường khi có những bạn học làng nhàng bỗng dưng điểm cao vọt. Không chỉ một vài trường hợp, con số lên đến hàng chục. Sự bất thường này ảnh hưởng tực tiếp tới những bạn đạt điểm cao bằng thực lực nhưng lại bị đánh đồng thành "bố mẹ dùng tiền thi hộ".

Hà tâm sự những con số bất thường về điểm thi của địa phương lan truyền trên mạng xã hội làm em và các bạn chạnh lòng. Một số người không nắm hết tình hình, dùng ngôn từ xúc phạm, suy đoán ác ý, để nói về cả những người vô can trong vụ bất thường điểm thi.

Bằng giọng run run, nghẹn lại, Hà kể về việc bị các bạn ở địa phương khác miệt thị trên mạng xã hội. Người ta nói dân Hà Giang dùng tiền để mua điểm, quy chụp cho tất cả học sinh Hà Giang đều như vậy.

Em rất buồn, các bạn của em cũng vậy. Sắp tới, nếu trúng tuyển, em xuống Hà Nội học và chưa hình dung ra các bạn nhìn những sinh viên đến từ Hà Giang như em với ánh mắt thế nào”, Hà nói.

Nguyện vọng của Hà và nhiều học sinh khác là mong muốn cơ quan chức năng đưa câu chuyện ra ánh sáng, nếu có gian lận thì phải xử lý nghiêm để những người học thật, thi thật có sự công bằng.

Minh Anh - học sinh lớp chuyên Lý, trường THPT chuyên Hà Giang - cho biết em được 26 điểm khối A, dự định sẽ thi vào ĐH Kiểm sát Hà Nội. Thí sinh này bảo em không bất ngờ với kết quả điểm cao bất thường của kỳ thi năm nay, bởi năm ngoái cũng có thông tin tương tự.

Theo Zing