Mong các địa phương khác cũng sáng tạo, đổi mới như TPHCM

Trên báo VietNamNet, nhiều độc giả ủng hộ cách ra đề thi lớp 10 môn Toán của Sở GD-ĐT TPHCM.

“Đề Toán rất đẹp, hay và nói thực là không khó, chỉ cần nắm vững định nghĩa, biết vận dụng là có thể làm được. Cái 'khó' của đề nằm ở việc nếu học vẹt sẽ không hiểu bản chất những kiến thức mình học", độc giả Nguyễn Hữu Tuấn Minh nêu ý kiến.

Độc giả Phùng Văn Hợp hoàn toàn ủng hộ đề Toán của TPHCM năm nay. Theo ông, học sinh bây giờ ở lớp kiếm điểm 9, 10 quá dễ dàng, bởi hôm trước được chữa bài ôn tập còn hôm sau làm đúng dạng bài đó luôn.

Vậy nên mới có tình trạng lớp toàn học sinh giỏi và chỉ vài bạn học khá. Gặp đề thi như vừa rồi, dự là quá nửa đạt điểm trung bình.

Độc giả Thái Thiện cũng ủng hộ đề Toán bởi đây là môn học cần ứng dụng được vào thực tế và cần tư duy sáng tạo. Ông cũng mong các trường trong quá trình dạy học sinh như vậy.

Trong khi đó, độc giả Tịnh Thái mong các tỉnh thành trên cả nước cũng mạnh dạn thay đổi tư duy ra đề như TPHCM để việc học trở về đúng với bản chất tốt đẹp.

Đừng để 1 lớp có đến 30 học sinh xuất sắc, 10 em còn lại giỏi, điều này khiến phụ huynh chán ngán và không thấy có ý nghĩa.

“Học sinh giỏi và xuất sắc mà đề như thế này đã kêu quá khó thì còn thua học sinh học lực trung bình như tôi ngày xưa”, ông nói. 

Học Toán để làm gì cũng là câu hỏi độc giả Toan Mai đặt ra, đồng thời cũng nêu Toán học là cơ sở của rất nhiều môn học như Lý, Hóa, Sinh…, của ứng dụng thực tế.

Để ứng dụng thực tế, cần có kiến thức Toán và sự va chạm thực tế để hiểu, từ đó mới vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề.

Cụ thể, như câu số 6 đề thi lớp 10 ở TPHCM là bài toán dạy cho chương trình Vật lý 10 và công cụ để giải bài này là kiến thức Toán thông thường, nhưng ở lớp 10, nhiều khái niệm Vật lý mới cần dạy cho học sinh. 

Học sinh khóc vì đề thi môn Toán lớp 10 TPHCM: Tại thầy hay tại trò?-1
Học sinh TPHCM khóc vì đề thi môn Toán lớp 10. Ảnh: Nguyễn Huế

Là một phụ huynh, độc giả Thanh Tùng hoàn toàn ủng hộ việc thay đổi cách ra đề của TPHCM.

Tuy nhiên theo anh, để đảm bảo cho tất cả các em học sinh có thể tự tin làm bài với những kiến thức mình đã học trong 4 năm THCS là điều không dễ với cách dạy hiện nay.

Anh cho rằng, giáo viên hiếm ai dám bứt phá, vượt khung chương trình để giảng dạy. Các thầy cô vẫn dạy theo cách truyền thống là hướng dẫn giải Toán theo dạng, rập khuôn.

Việc này diễn ra từ những năm đầu THCS, làm phần lớn học sinh không biết cách tư duy, phát triển các suy nghĩ của bản thân khi làm Toán. Trong khi đó, đề Toán năm nay cần tư duy, sáng tạo, phải nắm kiến thức liên môn để giải quyết.

“Tôi đồng cảm với tất cả phụ huynh có con thi vào lớp 10 vì tôi cũng đã nếm trải cảm giác buồn, thất vọng khi có con không vào được ngôi trường mong muốn mặc dù bé là học sinh giỏi.

Tôi nghĩ gốc rễ vấn đề ai cũng biết nhưng ai đứng ra thay đổi mới là điều quan trọng. Nếu không giải quyết từ gốc thì câu chuyện này sẽ vẫn tiếp tục 'đến hẹn lại lên', lại được đem ra mổ xẻ, phân tích.

Những áp lực, những hình ảnh buồn của các học sinh khoá trước khi bước ra khỏi phòng thi sẽ tạo áp lực cho học sinh khoá sau và những gì các em đã học trong trường lớp không làm cho các em cũng như phụ huynh vững vàng trước kỳ thi. Không giải quyết triệt để thì việc đi ôn thi, luyện thi của các em là tất yếu”, anh Thanh Tùng nói.

Trò học vẹt, thầy dạy rập khuôn

Bên cạnh việc ủng hộ đề thi môn Toán, nhiều độc giả nêu nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng học sinh “rớt nước mắt” vì đề thi năm nay là lỗi của thầy và trò. Trò thì học vẹt, học tủ, còn thầy thì dạy rập khuôn, máy móc, không đổi mới sáng tạo.

Trên VietNamNet, độc giả Thanh Dien nhận xét cách dạy và học từ trước đến nay, năm này qua năm khác cứ thế lặp đi lặp lại mặc dù luôn hô khẩu hiệu đổi mới giáo dục, đổi mới cách dạy, cách học. “Trẻ em như tờ giấy trắng, người lớn viết gì lên giấy sẽ lưu lại như vậy. Người lớn phải thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng lỗi ở chúng ta trước tiên”. 

Theo độc giả Bang Quang, chê trách học sinh làm bài theo khuôn mẫu, không có tư duy mở rộng thì phải hỏi lại cách dạy dỗ của thầy cô từ tiểu học cho đến hết bậc cơ sở. Cách học ấy đã trở thành thói quen ăn sâu vào suy nghĩ của trẻ nhiều năm liền.

Các thầy cô có thể dạy học sinh phát triển tư duy mở rộng từ tiểu học, nhưng nếu như vậy thì thành tích của thầy cô sẽ không được như ý, nên cứ theo lối mòn đi cho an toàn.

Độc giả Nguyễn Văn Hùng cũng nhất trí với quan điểm, học sinh than đề khó vì thói quen học vẹt còn cách dạy của một bộ phận giáo viên là để học sinh làm theo mẫu.

Đã đến lúc không chỉ TPHCM mà tất cả các tỉnh thành trong cả nước cần mạnh dạn thay đổi cách ra đề để đánh giá được năng lực thực sự của học sinh.

Đồng ý với quan điểm này, độc giả Văn Thoan Đoàn chia sẻ, học sinh học vẹt vì cứ theo bài mẫu để làm, chưa làm đã xem đáp án, cách giải. Vậy nên chỉ cần thay đổi một chút câu hỏi là các em cắn bút.

“Ngày trước chúng tôi phải thuộc được đề bài, không giải được khi hỏi thầy cô, thầy cô bắt gấp sách lại đọc đề bài, nếu thuộc mới chỉ cách giải”, ông nói. 

Theo độc giả Mai Long, học sinh học vẹt là vì lớp nào, trường nào cũng cần thành tích học sinh giỏi với xuất sắc, nên học đúng những gì cần để kiểm tra đạt điểm cao.

Chúng ta không chỉ trách học sinh mà ngành giáo dục cần tự điều chỉnh trước, đó là thay đổi cách dạy học, cách tiếp cận cũng như kiểm tra, đánh giá.

"Một khi nền giáo dục không bị áp lực về thành tích, thi cử thì việc học sẽ trở nên thực chất", độc giả bày tỏ. 

Theo Vietnamnet