Giáo viên bất ngờ khi học sinh tiểu học thuộc lời bài hát người lớn

Đoạn clip dài gần 3 phút được ghi lại tại 1 trường tiểu học với cảnh hàng trăm học sinh đồng thanh theo bản hit của Sơn Tùng “Chắc ai đó sẽ về” đang gây sự chú ý của dư luận.

Cô Phi Thị Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) xác nhận, đây là đoạn clip được ghi lại tại buổi tập văn nghệ diễn ra vào thứ 3 tuần trước tại trường.
 
Trường tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội)

Cô Hương cũng cho biết, bài hát này do học sinh cũ tặng thầy cô và học sinh của trường nhân dịp 8/3 khi về tặng hoa và thăm trường xưa.

Là giáo viên dạy âm nhạc của trường, thầy Nguyễn Trung Hiếu kể lại:

“Lúc các em đưa đĩa bật nhạc lên chúng tôi cũng không biết các em sẽ hát tặng bài gì.

Chúng tôi nghĩ các em hát bài trong sáng bình thường thôi. Khi đoạn dạo nhạc cất lên tôi đang đứng trực âm thanh ở phía sau sân khấu.

Có lẽ vì là học sinh cấp 3, nên các em thích những bài hát như thế và cũng không nghĩ đứng hát trước học sinh tiểu học sẽ gây phản tác dụng. Còn học sinh của trường lại hào hứng hát theo…”.

Chính sự hào hứng của các em đã khiến thầy cô có mặt tại trường đều bất ngờ. Còn cô Hương (Hiệu phó) thì dùng từ “sợ”.
 
Hàng trăm học sinh của trường hào hứng theo ca từ bài hát
"Chắc ai đó sẽ về" (ảnh cắt từ clip)

“Những ca từ của bài hát đó hoàn toàn không phù hợp với học sinh tiểu học. Chính tôi cũng bất ngờ và không thể tưởng tượng được học sinh của mình lại hào hứng và thuộc lời bài hát này như thế.

Nhắc tới Sơn Tùng, có thể tôi còn biết mặt nhưng nói tới bài hát này, tôi không biết đó là bài hát gì. Thấy các em hát thế mình cũng sợ.

Đây là sơ suất của nhà trường, chúng tôi nhận những thiếu sót đó và là bài học để rút kinh nghiệm.

Tình cảm của các em, chúng tôi rất trân trọng nhưng lại thành sự việc ảnh hưởng tới nhà trường” – cô Hương chia sẻ.

Mặc dù biết bài hát đó không phù hợp với học sinh tiểu học, nhưng vì không thể làm “mất hứng” học sinh cũ khi đang biểu diễn trên sân khấu, phải đợi khi lời 1 kết thúc, nhà trường mới có sự can thiệp.

Khi đó, thầy Hiếu và cô Nguyễn Mỹ Hạnh (Tổng Phụ trách) lên sân khấu trao đổi với học sinh cũ đang hát bài “Chắc ai đó sẽ về” và “vỗ về” học sinh của mình rằng:

Những bài hát này chỉ dành cho các anh chị lớn còn học sinh tiểu học chỉ phù hợp những bài hát trong chương trình dạy học.

Ngay sau đó, cô Hạnh bắt nhịp bài “Lời chào đi trước”, hàng trăm học sinh có mặt tại sân trường lại hào hứng theo ca từ bài hát đó.

“Trong trường hợp này, khi các em thuộc ca từ bài hát mà đến bản thân tôi không thuộc, cũng không thể nói các em hư. Bởi lẽ, bài hát này là cả nước nghe.

Học sinh không hiểu vấn đề nhưng các em như những tờ giấy trắng, lỗi là do người lớn không kiểm soát được điều đó” – cô Hạnh chia sẻ.

Tự do truyền thông dẫn tới trẻ em thích xem gì là xem

Trao đổi với chúng tôi về việc học sinh tiểu học thuộc làu những ca từ bài hát của người lớn, Bác sỹ - Thạc sỹ Nguyễn Trọng An – Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cho hay:

Rất khó để đưa ra lời nhận xét về vấn đề này. Vì sự truyền bá trên mạng, quản lý của ngành văn hóa gần như “bất lực”.

Những bài hát như thế lại được hát rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà truyền thông của ta lại không phân định cụ thể dành cho lứa tuổi nào.

Các em thấy cái gì hay thì theo, vì các em chưa nhận biết được đâu là cái hay, đâu là cái không hay nên tránh.
 
Bác sỹ - Thạc sỹ Nguyễn Trọng An – Nguyên Phó Cục trưởng
 Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em

“Giáo dục từ gia đình là rất quan trọng. Nhưng hiện nay, guồng máy kiếm sống đã khiến nhiều gia đình phó mặc sự giáo dục ấy cho nhà trường và xã hội.

Nhà trường thì các chương trình về văn, thể, mỹ, đạo đức, kĩ năng sống, cũng như cách lựa chọn để giúp các em tiếp cận trong cuộc sống rất ít và thiếu trong khi đó, chương trình học lại nặng” – ông Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.

Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Trọng An đưa ra lời khuyên:

Trước tiên là vấn đề giáo dục trong gia đình, các bậc phụ huynh phải hướng dẫn con và thường xuyên để mắt tới con cái xem con nghe gì, đọc truyện gì… để định hướng con đi đúng hướng trong xã hội đầy rẫy cám dỗ này.

Điều ấy cũng giúp các em lựa chọn được những gì phù hợp lứa tuổi và thuần phong mỹ tục.

Thứ hai, các nhà quản lý truyền thông và văn hóa cần phân định rõ những nội dung nào cấm trẻ em và có khung giờ phát sóng dành riêng cho lứa tuổi các em.

Thứ ba, thầy cô trong trường phải có sự nhắn nhủ, khuyên bảo và chỉ cho học sinh của mình sự chọn lọc.

Hiện tại, nhạc hát nhiều nhưng nhiều bài không có nội dung lại dễ đi vào tiềm thức của lứa tuổi học sinh.

Thứ tư, các quy định trong văn bản pháp luật đặc biệt là Luật Bảo vệ Chăm sóc trẻ em cần được cụ thể, vì luật pháp mới là cái gốc để từ đó chấn chỉnh lại con người đi theo đúng hướng.

Theo Dailo