Lễ hội được tổ chức từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng hàng năm tại đền Tả Phủ. Sáng 5/3, nghi lễ rước diễn ra sôi động một vùng thành phố.
Đoàn kiệu rước trang hoàng lộng lẫy. Thanh niên trai tráng ăn mặc chỉnh tề được gọi là "Đồng nam" khiêng kiệu. Một tốp thiếu niên gọi là "đồng tử" khiêng đỉnh hoàng trầm cùng đội sư tử Kỳ Lừa múa một vòng rồi thẳng xuống đền Kỳ Cùng.
Hội Kỳ Cùng nhằm tôn vinh, tưởng nhớ các vị khai quốc công thần hiển thánh trong phong tục thờ Đạo Mẫu.
Tại lễ hội du khách có thể chứng kiến các nam thanh niên trong trang phục các Chầu, Chúa hay Cô Bé - biểu trưng cho những người được nhân dân tôn thờ vì có công khai khẩn đất đai hay dạy nghề cho bà con các dân tộc.
Các em nhỏ tham gia lễ hội trong trang phục dân tộc sặc sỡ.
Lễ hội Kỳ Cùng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Hội Kỳ Cùng còn được biết đến với cái tên Hội Liên gia. Những ngày này còn là dịp họp mặt các chi họ và các hộ dân trong khu dân phố cùng nhau dựng rạp làm cỗ và sinh hoạt văn nghệ. Các gia đình có điều kiện thì tổ chức mời bạn bè khắp nơi tới tham dự khám phá nét văn hóa xứ Lạng.
Trên quãng đường đoàn kiệu rước đi qua, các gia đình đều bầy biện mâm lễ cúng xôi, gà, hoa quả để nghênh đón và cầu may, cầu tài lộc...
Các mâm lễ vật dâng cúng không thể thiếu vật phẩm lợn quay, đặc sản của Lạng Sơn.
Các Liên gia tề tựu đông đủ để cung đón đoàn rước đi qua. Họ sẽ rất phấn khởi khi được các đoàn lân sư ghé vào chúc tài lộc.
Các tuyến phố nơi đoàn rước đi qua chật kín người dân và du khách
Mỗi khi đoàn rước đi qua người dân hai bên đường bái lạy bài vị các khai quốc, công thần .
Ngoài nghi thức rước kiệu, lễ hội còn nhiều trò vui chơi khác thu hút du khách như múa sư tử, diễn xướng dân gian, hát Sli, hát lượn...
Lễ hội đền Kỳ Cùng, Tả Phủ - hội đầu pháo - hội Liên gia là hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống sinh động, rực rỡ sắc màu, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhân dân trong tỉnh và khách thập phương dịp đầu năm.
Theo Zing